Nuôi Cá Trắm Cỏ Bằng Rau Lấp Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Ông Nguyễn Văn Bay, thôn Thiên Phúc, xã Trung Chính (Lương Tài), có 2 mẫu đất (trong đó có 1,2 mẫu ao) chuyên nuôi cá thịt.
Qua nhiều năm sản xuất, ông đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trị bệnh cho các đối tượng thuỷ sản, đặc biệt là trồng rau lấp vụ đông trên chân đất trũng cấy 2 vụ lúa để làm thức ăn nuôi cá trắm cỏ cho hiệu quả kinh tế cao.
Với phương châm “sớm lúa, chiều rau lấp”, sau khi kết thúc vụ lúa mùa ông và gia đình dọn cỏ dại, cày bừa 3 sào đất vàn, sau đó bón lót phân chuồng khoảng 200-300kg/sào để trồng rau lấp. Rau lấp trước khi đem trồng được cắt thành từng đoạn 5-7cm, sau đó rắc đều khắp mặt ruộng, dùng que dài và dẹt đập nhẹ để thân bám đất, mau nảy lộc.
Lượng giống sử dụng cho 1sào (360m2) thường từ 120kg-150kg. Trồng khoảng 5-7 ngày thì bón 10kg lân, 5kg đạm/1 sào (nếu bón phân vô cơ sớm rau sẽ chết hoặc phát triển chậm), sau đó phun thuốc trừ sâu để hạn chế bọ trĩ, bọ nhẩy, sâu khoang gây hại. Rau lấp trồng khoảng 40-45 ngày được thu hoạch lứa đầu, năng suất khoảng 3,6-4,3 tấn/sào.
Rau lấp khi thu hoạch cần cắt sát mặt đất (để lại gốc khoảng 2-3cm) và bón thúc 10kg lân, 5kg đạm cho 1 sào để rau sinh trưởng và phát triển tốt. 35-40 ngày sau có thể thu hoạch lứa tiếp theo (trong 4-5 tháng vụ đông thu hoạch 3 lứa). Sau khi thu hoạch lứa cuối vào khoảng ngày 15 đến ngày 20-2 để tiếp tục cấy lúa xuân.
Để có giống cho vụ đông tiếp theo, gia đình ông Bay thường dành khoảng 30m2 trên khoảnh ruộng cấy lúa của gia đình để giữ giống.
Do chủ động được nguồn giống, công lao động nên sau khi trừ chi phí, nếu trồng rau lấp để bán cũng cho thu nhập khoảng 600 nghìn đồng/sào. Tuy nhiên, ông Bay đã chọn hướng đầu tư hiệu quả hơn đó là sử dụng rau lấp để nuôi cá trắm cỏ. Với 1,2 mẫu ao, từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm sau khi thu hoạch cá, ông cải tạo ao theo đúng kỹ thuật và thả 500 con trắm, bình quân 0,7kg/con và ghép với 2.000 cá trôi, 1.500 cá mè, 200 cá chép, bình quân khoảng 100-150g/con.
Ngoài việc sử dụng rau lấp cho cá ăn khoảng 30% trọng lượng cá trắm trong ao/ngày, để cá mau lớn, rút ngắn thời gian nuôi, gia đình ông Bay thường bổ sung thóc mầm, ngô ủ chua với 10-15kg/ngày, sử dụng phân vô cơ theo tỷ lệ 7kg lân và 3kg đạm định kỳ 10 ngày/lần để gây mầu nước, tăng thức ăn tự nhiên cho cá. Đồng thời thường xuyên sử dụng vôi bột với lượng 3kg/100m2, hoà vào nước tưới đều khắp ao để phòng bệnh cho cá.
Sau khoảng 10 tháng, lựa thời điểm bán được giá ông thu hoạch toàn bộ ao được khoảng 2,7-3 tấn cá các loại, trừ các khoản chi phí gia đình vẫn thu nhập được 30-35 triệu đồng.
Mô hình trồng rau lấp vụ đông nuôi cá trắm cỏ của gia đình ông Bay chính là điển hình cho các địa phương, hộ nuôi trồng thuỷ sản tại các vùng nuôi cá truyền thống học tập. Nếu biết cách tận dụng chân đất vàn cấy 2 vụ lúa không trồng được cây màu để đầu tư trồng rau lấp vụ đông sẽ sử dụng được nguồn lao động tại chỗ, chủ động nguồn thức ăn thô xanh nuôi cá trắm cỏ nâng cao hiệu quả kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Đầu tiên cá kém ăn hoặc bỏ ăn, nổi lờ đờ trên mặt nước, vẩy bong ra, da màu tối xẫm, cá mất nhớt, hậu môn viêm đỏ lồi ra ngoài, xuất huyết trên thân, quanh miệng hay ở các gốc vây, các đốm đỏ ăn sâu vào cơ, cá có mùi tanh đặc trưng
Da cá có màu tối xẫm, cá nổi lờ đờ trên tầng mặt. Cá bệnh nặng có một số dấu hiệu: mắt lồi và xuất huyết, mang nhợt nhạt, nắp mang, vây xuất huyết. Cá giống trắm cỏ (4-6cm), nhìn dưới ánh sáng mạnh, có thể thấy cơ xung xuất huyết
Với cá trắm trung bình một ngày cắt 50 kg cỏ cho ăn ( không được thiếu ngày nào ), ngoài ra mỗi ngày cho thêm một gánh phân trâu vào trong ao
Cá trắm cỏ, cá trắm trắng - Ctenopharyngodon idellus sống ở tầng nước giữa, thức ăn chính là cây xanh như cỏ thân mềm, rau, bèo dâu, bèo tấm, lá chuối, lá sắn, cây chuối non băm nhỏ, rong, thân cây ngô non , cá trắm cỏ cũng ăn các loại bột ngô, khoai, sắn, cám gạo.
Cá trắm đen là loài cá nước ngọt đặc sản, thịt cá có hàm lượng dinh dưỡng cao, thơm ngon và đặc biệt có một số tác dụng tốt trong y học nên được dân Việt Nam và Trung Quốc ưa chuộng.