Nuôi cá tra VietGAP giúp giảm giá thành sản xuất tại Đồng Tháp
Trong lúc người nuôi cá thua lỗ vì giá cá tra xuống thấp thì mô hình nuôi cá tra của anh Nguyễn Thanh Tuấn ngụ xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) vẫn hiệu quả nhờ thực hiện liên kết chuỗi cá tra VietGAP.
Theo anh Tuấn, nuôi cá tra VietGAP thì việc kiểm soát nước là yếu tố rất quan trọng
Đây cũng là 1 trong 2 mô hình chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn huyện Thanh Bình được cấp chứng nhận VietGAP vào đầu năm 2019. Lý do chọn nuôi cá tra theo hướng VietGAP, anh Tuấn cho biết, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về thực phẩm sạch của người dân ngày càng nâng cao. Vì vậy, muốn phát triển chăn nuôi bền vững thì phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Từ quan điểm này, cộng thêm vốn kiến thức về thủy sản được học tại trường (anh Tuấn tốt nghiệp chuyên ngành thủy sản tại Trường Đại học Cần Thơ), anh Tuấn về quê thuê 6,3ha đất đào 4 ao nuôi cá, với sản lượng thu hoạch hàng năm hơn 1.000 tấn. Nhờ sản xuất theo hướng an toàn nên toàn bộ lượng cá của anh được Công ty CiPi thu mua theo đúng hợp đồng ký kết.
Về điểm khác biệt giữa nuôi cá thông thường và nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Tuấn cho biết, nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP khó khăn hơn nhưng hiệu quả cao hơn so với nuôi thông thường. Cụ thể, nuôi cá theo hướng này phải kiểm soát nước đầu vào, đầu ra hợp lý; phải quản lý được kháng sinh; không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; phòng, chữa dịch bệnh. Bên cạnh đó, phải ghi chép, lưu trữ thông tin theo dõi vật nuôi; xử lý chất thải và đảm bảo vệ sinh môi trường... Nhìn chung, ngoài các biện pháp chăm sóc cá thì việc kiểm soát nước là yếu tố rất quan trọng, bởi nó ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển của cá. Nếu nguồn nước không được kiểm soát tốt sẽ là môi trường để dịch bệnh có cơ hội phát triển, làm ảnh hưởng đến chất lượng cá.
“Mặc dù, có nhiều tiêu chuẩn khắt khe nhưng sản xuất theo hướng VietGAP thì cá sẽ phát triển khỏe mạnh, giảm giá thành khoảng 5-10% so với nuôi thông thường nên người nuôi giảm được thiệt hại do giá cá giảm. Cụ thể, với giá 20.000 - 20.500 đồng/kg, mặc dù lợi nhuận không còn nhiều, nhưng nhờ giảm chi phí và được công ty thu mua cao hơn bên ngoài 200 đồng/kg, nên tôi vẫn ổn định hiệu quả nuôi” - anh Tuấn chia sẻ.
Nông dân cần chủ động sản xuất theo hướng an toàn
Thời gian tới, bên cạnh duy trì mô hình VietGAP, anh Tuấn dự định sẽ tiến tới nuôi cá theo tiêu chuẩn ASC để đáp ứng yêu cầu cá xuất khẩu, nâng cao chất lượng cá tra an toàn tại cơ sở lên một bước cao hơn... Có thể nói, giảm giá thành, nâng cao chất lượng theo hướng sạch và an toàn là lợi thế cạnh tranh đối với mặt hàng cá tra Việt Nam. Chính vì vậy, việc nông dân chủ động sản xuất theo hướng an toàn là hết sức cần thiết, đặc biệt trong tình hình giá cá tra xuống thấp như hiện nay. Đây là sẽ là cách nuôi hiệu quả nổi trội về lâu dài, nâng cao giá trị và vị thế mặt hàng cá tra chế biến xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Cá tra giống có biểu hiện ngứa ngáy, nổi từng đàn lên mặt nước, da cá chuyển màu xám, trên thân có nhiều nhớt màu trắng đục. Hỏi nguyên nhân và cách khắc phục
Nâng cao an toàn sinh học, thúc đẩy hệ miễn dịch tự nhiên của tôm bố mẹ và tôm giống, ổn định môi trường nuôi, giảm thiểu sử dụng thuốc kháng sinh
Đối với nuôi tôm hùm, cá biển: Không đặt lồng nuôi tôm hùm gần bờ, gần đáy; lưu ý nên theo dõi, kiểm tra sự phân tầng nước (nhiệt độ, độ mặn và oxy hòa tan)