Nuôi Cá Sấu Công Nghệ Cao
Men theo tuyến đê bao của hệ thống kênh Đông chúng tôi tìm đến “vương quốc cá sấu” của ông Trần Văn Nga (Sáu Nga). Trại cá sấu nằm dọc theo kênh Đông Củ Chi, nhìn rất bề thế với qui mô hơn 7 ha, các dãy chuồng trại được xây dựng khá bài bản, chắc chắn, sạch sẽ, không có mùi hôi tanh – đó cũng chính là điểm khác biệt giữa trại sấu Tồn Phát với các trại nuôi khác.
Vốn xuất thân từ một gia đình nông dân ở Tây Ninh, từ nhỏ theo cha mẹ vào rừng làm nương rẫy nên Sáu Nga rất mê các loại con thú, động vật hoang dã. Do vậy, Sáu Nga đến với nghề nuôi cá sấu cũng thật tình cờ: “Lúc đầu chỉ nghĩ nuôi cho vui, nhưng không ngờ sau đó “nghiệp cá sấu” đã gắn bó với cuộc đời mình. Còn điều kiện chuồng trại cũng chưa đầu tư xây dựng quy mô khép kín được như bây giờ và tiếp tục phát triển cho đến nay cũng đã được gần 20 năm…!”- ông Sáu Nga tâm sự.
Khởi nghiệp nuôi từ năm 1987, khi mua được một miếng đất nhỏ, mới chỉ là đất ruộng (mảnh đất Bàu Ràn) cằn cỗi trồng cấy cũng chẳng được. Sau đó, ông bắt tay vào cải tạo lại đất và xây dựng chuồng trại với quy mô lúc đầu chỉ có khoảng 100 con cá sấu. Do thiếu kinh nghiệm nuôi, bản thân ông đã phải tự đi tìm tòi tài liệu tham khảo và học hỏi kỹ thuật từ nhiều nơi để bổ sung kiến thức. Nghề nuôi cá sấu cũng đang dần phát triển, ông quyết định mua thêm đất để mở rộng quy mô chuồng trại và sang cả nước ngoài để... học lỏm công nghệ nuôi và thuộc da, chế biến.
Hướng dẫn chúng tôi tham quan từng khu chuồng nuôi cá sấu, ông Trần Quang Khải (Út Khải), quản lý kỹ thuật của trại Tồn Phát tâm sự: “Nghề nuôi cá sấu dễ mà khó, ăn thua người nuôi khi xác định gắn bó với “nghiệp cá sấu” lâu dài thì phải hiểu rõ được bản tính, bản năng của loài cá dữ này mới… trị được chúng thành công!”. Chúng tôi được chứng kiến các dãy chuồng trại nuôi nhốt cá sấu rất hoành tráng với hàng trăm khu chuồng trại được xây dựng quy mô, bao quanh bằng hàng rào lưới thép B40. Những ô chuồng nuôi lát gạnh men, ngăn nuôi riêng cho từng loại cá sấu với các độ tuổi khác nhau. Ông Út Khải cho biết: Tổng đàn cá sấu trong trại hiện có 20.000 con, trong đó có khoảng 2.000 con bố mẹ đang đẻ. Ngoài ra trại còn xây dựng được các “vệ tinh” nuôi với khoảng 30.000 con tại các xã quanh địa bàn huyện Củ Chi và các tỉnh ĐBSCL.
Thời điểm này cũng đang vào mùa cá sấu đẻ, mỗi năm chúng chỉ tập trung đẻ một lần từ khoảng tháng 3 đến tháng 5 sẽ chấm dứt. Các ổ trứng được đưa vào lò ấp công nghiệp để xử lý cho nở đồng loạt thành đàn cá sấu con. Theo ông Khải, đây mới là công đoạn khó khăn nhất vì để nuôi thành công, yêu cầu khâu kỹ thuật xử lý phải cho ra giống chuẩn tốt ngay. Khi vừa “ra lò”, đàn cá sấu con sẽ được chuyển về khu chuồng dưỡng sơ sinh với chế độ chăm sóc đặc biệt, từ môi trường, nhiệt độ, độ ẩm, bóng mát thích hợp…
Ông chủ trại cá sấu Tồn Phát cho biết: Hiện các sản phẩm thời trang mỹ nghệ và gia dụng từ da cá sấu của Tồn Phát đã xuất khẩu đi gần 10 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc cấp chứng nhận CITES theo định kỳ hàng năm còn quá chậm đã gây nhiều khó khăn cho các DN xuất khẩu cá sấu trực tiếp…
Tất cả những khâu này đều được lập trình, tính toán rất kỹ và có riêng đội ngũ nhân viên chuyên trách. Đặc biệt, nguồn nước sạch được dẫn trực tiếp từ tuyến kênh Đông Củ Chi vào thường xuyên để tránh các mầm bệnh cho cá như đau mắt, tiêu chảy (đặc biệt đối với cá sấu con).
Ông Khải cho biết, thời điểm năm 2005-2006, do bị mưa lụt khiến cá sấu bị bệnh mắt, tiêu chảy rồi chết khá nhiều. Nhưng nay hệ thống tiêu thoát nước trong các khu trại nuôi đã được đầu tư nâng cấp toàn bộ nên chủ động được hoàn toàn khi xảy ra sự cố. Còn tại khu dưỡng cá sấu rộng mênh mông với hàng trăm ô chuồng nhỏ đang nhốt nuôi từng con nằm riêng biệt, yên tĩnh… Tất cả những con cá sấu (sau từ 1-2 năm tuổi) tuyển chọn chuẩn bị “xuất” đều sẽ được chuyển về khu này để dưỡng da bởi nếu phần da bụng cá sấu bị trầy xước sẽ làm mất giá trị khi chế biến. Còn những con cá sấu trong quá trình nuôi nhốt tập thể, chúng cắn nhau bị rách, hư da thì cũng sẽ được chăm sóc dưỡng phục hồi lành da tại khu này.
Hiện nay, trại cá sấu Tồn Phát đã đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ và nhập dây chuyền chế biến da cá sấu hiện đại của Ý với công suất 25.000 tấm da/năm. Sắp tới ông Sáu Nga sẽ còn mở rộng quy mô nuôi, xây dựng thêm cơ sở giết mổ, cải tiến lại công nghệ thuộc da cá sấu theo tiêu chuẩn châu Âu để nâng chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, sẽ triển khai dự án hỗ trợ nông dân Củ Chi nuôi cá sấu với số lượng 150 con/hộ.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn Hà Nội thời gian qua vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, điều này tạo thách thức không nhỏ đối với sự phát triển chung của ngành nông nghiệp Thủ đô.
Ít nhất khoảng 70 container chè của Việt Nam xuất qua thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đang “bị treo”- chưa được thông quan chỉ vì nguồn tin thất thiệt… khiến hàng chục doanh nghiệp xuất khẩu chè điêu đứng.
Chuyện ít ai ngờ nhưng đang là hiện thực ở đồng đất huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau). Mỗi hecta gừng thương lái vào tận rẫy bỏ cọc và đồng ý thu mua với giá khoảng 1,5 tỉ đồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn xã Tân Hội, huyện Tân Châu (Tây Ninh) vừa xuất hiện bệnh trắng lá mía trên cây mía giai đoạn mía gốc 1 năm tuổi và mía tơ 2 - 3 tháng. Bệnh gây hại cho 39 ha mía ở mức 15 - 20%.
Những ngày này, khắp vùng Mường Nọc, Châu Kim, Tiền Phong, Tri Lễ... của huyện Quế Phong (Nghệ An), hầu như nhà nào cũng thơm lừng cơm gạo mới. Tiếng đồn về hương vị thơm ngon của thứ gạo chịu lạnh, chịu hạn đã đến với cả những vùng miền xa nhất trong huyện, làm cho nhà nhà đều muốn tìm mua để nấu nồi cơm mới mừng thành quả vụ mùa bằng thứ sản vật thơm ngon sớm “bén đất, mến người”.