Nuôi cá lồng nhựa - Chi phí thấp, hiệu quả cao
Chi phí thấp, thân thiện môi trường, hiệu quả cao là một trong những tính năng ưu việt khi áp dụng công nghệ nuôi cá bằng lồng nhựa HDPE trên địa bàn Hà Tĩnh.
Mô hình áp dụng công nghệ nuôi cá bằng lồng nhựa HDPE tại xã Xuân Lam (Nghi Xuân)
Anh Trần Đình Thanh (tổ dân phố 5 thị trấn Xuân An) - người đầu tiên áp dụng mô hình nuôi cá bằng lồng nhựa HDPE dưới hồ Khe Lim của xã Xuân Hồng (Nghi Xuân), chia sẻ: "Tôi có ý định nuôi cá lồng bè từ lâu nhưng qua tìm hiểu thì thấy, các hộ nuôi theo hình thức này sử dụng bằng vật liệu gỗ, phao... có độ bền không cao, thường bị vỡ vụn thành các mảnh nhỏ nên khó có thể thu gom, rất ảnh hưởng tới môi trường. Năm nào cũng phải sửa chữa, gia cố lại lồng bè, nhất là và mùa mưa bão với chi phí khá cao."
“Sau khi được tiếp cận dự án của Sở KH&CN, biết được những ưu điểm của vật liệu HDPE nên tôi đã mạnh dạn đầu tư hơn hơn 300 triệu đồng, đóng 10 ô lồng với diện tích 1.000 m3 nước để nuôi cá. Cùng với đó, gia đình đã được hỗ trợ 5.000 con giống cá trắm đen, chép giò, rô phi.., thức ăn và tập huấn khoa học kỹ thuật khi tham gia dự án” – anh Thanh cho biết thêm.
Sau hơn 4 tháng thả nuôi, mô hình nuôi cá áp dụng công nghệ HDPE của anh Thanh đạt năng suất 20 kg/m3 với sản lượng hơn 10 tấn, (tỷ lệ sống các loại cá đạt từ 83 – 99 %), thu về hơn 1 tỷ đồng. Theo đánh giá của Hội đồng KH&CN cấp tỉnh, mô hình nuôi cá trong lồng nhựa HDPE chi phí thấp (rẻ hơn lồng truyền thống 15 - 20%, tiết kiệm chi phí nhân công vận hành) và chất lượng, hiệu quả cao.
Cũng may mắn được dự án hỗ trợ, anh Phùng Anh Quang ở xã Đức Ân (Vũ Quang) đã tận dụng mặt nước tại đập Trổ của xã Đức Giang mạnh dạn đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để đầu tư nuôi cá bằng lồng nhựa HDPE.
"Ưu điểm của công nghệ này là hệ thống cho ăn tự động nên người nuôi chỉ việc ngồi ở trên quan sát các lồng, điều chỉnh các van để lượng thức ăn vào lồng cho hợp lý. Chỉ những chi tiết nhỏ này thôi nhưng cũng đã giúp cho tôi giảm thiểu được tối đa nhân công và thời gian chăm sóc." - Anh Quang cho hay.
Với kết cấu khá đơn giản nên việc lắp đặt, thi công và vận hành hệ thống lồng rất dễ dàng
Nhằm khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt của tỉnh, từ giữa năm 2017 - 2018, bằng một phần nguồn vốn hỗ trợ khoa học của tỉnh và nguồn vốn tự có của doanh nghiệp - Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Công nghệ Nuôi trồng thủy sản Nghệ An đã triển khai thực hiện có hiệu quả “Dự án Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình nuôi thương phẩm một số loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao bằng công nghệ lồng nhựa HDPE chi phí thấp trên hồ chứa tại Hà Tĩnh”.
Thạc sĩ Hoàng Văn Hợi – cán bộ chuyển giao công nghệ lồng nhựa HDPE, cho biết: Hệ thống lồng nuôi cá gồm 4 bộ phận chính: Khung lồng, giá nâng lưới, túi lưới, neo. Với kết cấu khá đơn giản nên việc lắp đặt, thi công và vận hành rất dễ dàng mà giá thành lại rẻ, chỉ bằng một nửa các hệ thống được làm bằng tre, bằng gỗ. Do sử dụng các chất liệu có độ bền cao, dễ kiếm ngoài thị trường nên tiết kiệm được chi phí bảo dưỡng, sửa chữa. Nhờ có độ đàn hồi tốt, hệ thống lồng nuôi này dễ dàng thích nghi với những nơi có sóng to gió lớn.
Cần nhân rộng mô hình nuôi cá bằng công nghệ lồng nhựa HDPE trên địa bàn Hà Tĩnh nhằm nâng cao hiệu quả và đảm bảo yêu tố môi trường.
Cùng với Nghi Xuân, Vũ Quang... mô hình nuôi cá bằng lồng nhựa HDPE đã bắt đầu được triển khai tại một số địa phương trong tỉnh. Và, điều chung nhất dễ nhận thấy đó là tính hiệu quả và yếu tố thân thiện môi trường được đánh giá tốt; có triển vọng và khả năng nhân rộng cao cho các vùng có hồ chứa trên địa bàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Theo một báo cáo mới, một hệ thống sản xuất tôm được cấp bằng sáng chế được thiết kế để sử dụng trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS)
Bài viết phân tích những nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh cho cá nuôi và kỹ thuật phòng bệnh cho cá nước ngọt trong giai đoạn chuyển mùa.
Trường ĐH Leuven (Bỉ) và Trường ĐH Quy Nhơn phối hợp nghiên cứu, đã đề xuất những giải pháp xử lý nước thải nuôi tôm và nước lũ tại Bình Định.