Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi cá lóc và heo nái sinh sản

Nuôi cá lóc và heo nái sinh sản
Tác giả: THÀNH LINH
Ngày đăng: 14/12/2015

Dẫn chúng tôi dạo quanh các hồ nuôi cá lóc, ông Nguyễn Văn Ba cho biết, trước đây bám ruộng, bám đồng nhưng cuộc sống gia đình ông cứ luôn túng quẫn nên không đủ sức lo cho 4 đứa con ăn học.

Năm 2005, cùng với nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế gia trại của huyện Duy Xuyên, ông Ba mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng NN&PTNT rồi tiến hành đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lóc thương phẩm kết hợp chăn nuôi heo nái sinh sản.

Thế nhưng, 2 năm đầu tiên việc nuôi cá lóc bị thua lỗ nặng.

Nguyên nhân là tỷ lệ cá lóc giống sống rất thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định, thiên tai liên tiếp xảy ra, nhất là lũ lụt làm thất thoát một sản lượng khá lớn.

Không nản lòng trước thất bại, ông Ba tìm đến những gia trại chuyên nuôi cá lóc ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Hậu Giang, Tiền Giang để tham quan, học hỏi cách làm.

Bên cạnh đó, ông thường xuyên tìm hiểu thêm những kiến thức liên quan tới quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng loài cá nước ngọt này trên các sách báo, sổ tay khuyến ngư, hệ thống phát thanh - truyền hình.

Nhờ có kỹ thuật vững vàng, từ năm 2009 đến nay mô hình nuôi cá lóc thương phẩm (gồm 4 ao với tổng diện tích 500m2) của ông Ba đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo tìm hiểu, trong vòng 6 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm ông Nguyễn Văn Ba thả nuôi 3 lứa, thu hoạch 3,5 - 4 tấn cá lóc thương phẩm.

Sau khi trừ chi phí mua con giống, thức ăn… hàng năm ông thu về mức lãi ròng hơn 100 triệu đồng.

Ông Ba cho rằng, muốn thành công trong việc nuôi cá lóc thì nhất thiết phải chọn lựa con giống đầu vào có chất lượng tốt, đặc biệt là phải có thức ăn tươi cho cá, nguồn nước hợp vệ sinh và hết sức chú trọng đến khâu phòng bệnh.

Nếu để đến khi cá mắc bệnh mới loay hoay tìm cách chữa trị thì xem như thất bại.

“Trước đây, tôi xây ao nuôi với độ sâu 1,2m nhưng thực tế cho thấy chỉ nên dừng lại ở khoảng 40 - 60cm là phù hợp.

Bởi, mực nước ao cạn sẽ thuận lợi cho việc thay nước mỗi ngày 1 - 2 lần, góp phần tạo môi trường sạch, phòng ngừa các loại dịch bệnh nguy hiểm gây hại.

Để có nguồn thu nhập cao thì cần đầu tư nuôi vụ cá lóc bán vào dịp Tết Nguyên đán, vì thời điểm từ cuối tháng Chạp đến đầu tháng Giêng người tiêu dùng rất ưa chuộng loại cá này nên giá bán sản phẩm tăng cao.

Đây được xem là lứa cá nuôi trái vụ, bắt đầu thả con giống vào tháng 8 âm lịch và đến gần tết thì tiến hành thu hoạch bán dần.

Tuy nhiên, điều đáng lo nhất hiện nay là giá các loại hải sản tươi làm thức ăn cho cá lóc đang tăng mạnh, trong khi đó nguồn con giống phải lấy từ các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long về nên chi phí rất cao” - ông Ba chia sẻ.

Ngoài gia trại nuôi cá lóc thương phẩm, những năm qua gia đình ông Nguyễn Văn Ba cũng có nguồn thu tương đối lớn từ mô hình chăn nuôi heo nái sinh sản.

Theo ông Ba, với 7 con heo nái, bình quân hàng năm ông xuất bán 60 con heo choai (trọng lượng mỗi con 15 - 25kg) từ heo mẹ đẻ ra và thu nhập không dưới 30 triệu đồng.

Ông Ba hồ hởi: “Nhờ nuôi cá lóc và heo nái sinh sản mà tôi đã trả hết các khoản nợ nần, mua sắm đầy đủ tiện nghi trong gia đình.

Điều quan trọng là, các con tôi đều được học hành đến nơi đến chốn, trong đó có 2 đứa đã tốt nghiệp đại học ra trường, tìm được việc làm ổn định.

Năm 2016, tôi dự tính sẽ đầu tư mở rộng chuồng trại, tăng đàn heo nái giống lên 20 con”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Tấn Đồng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Trung nói: “Buổi ban đầu, tôi cứ nghĩ mô hình nuôi cá lóc của ông Nguyễn Văn Ba đã thất bại.

Nhưng với ý chí, tinh thần vượt khó của người nông dân, ông ấy kiên trì tìm hướng đi phù hợp, mang lại thành công như ngày hôm nay và được rất nhiều hội viên khâm phục, tìm đến học hỏi kinh nghiệm.

Cần nói thêm, nhiều năm nay ông Ba luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Đặc biệt là ông tích cực vận động hội viên nông dân đóng góp xây dựng quỹ nhằm giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Không chỉ vậy, ông còn nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương như xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.


Có thể bạn quan tâm

Chú Ý Khi Nuôi Cá Lóc Con Và Cá Lóc Thịt Chú Ý Khi Nuôi Cá Lóc Con Và Cá Lóc Thịt

Căn cứ vào tính ăn của cá lóc có thể nuôi ghép với cá nuôi như cá mè, trôi, chép, trắm cỏ, rô phi, diếc để khống chế mật độ của những loài cá tạp và những cá sinh đẻ nhiều như cá rô phi, cá diếc nhằm đảm bảo thức ăn cho các loài cá kinh tế chủ yếu, cải tạo và nâng cao sức sản xuất các vùng nước. Tuy vậy, khi nuôi, cần tính cẩn trọng chú ý tỉ lệ, mật độ, kích cỡ cá thả.

31/01/2012
Nuôi Cá Lóc Để “Xoá Nợ” Cho Cá Tra Nuôi Cá Lóc Để “Xoá Nợ” Cho Cá Tra

Hơn phân nửa số người nuôi cá tra ở tỉnh An Giang hiện nay đành chấp nhận treo ao, số còn lại một phần đang thoi thóp đeo bám nghiệp nuôi cá tra và có một số người đã đem con cá lóc về nuôi ngay trong ao cá tra với hy vọng làm giảm bớt khoản nợ nần từ nghề nuôi cá tra trước đó để lại.

16/12/2012
Giá Cá Lóc, Cá Tra Tăng Giá Cá Lóc, Cá Tra Tăng

Nhiều thương lái ở trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp đến tận nơi thu mua cá lóc cỡ 0,5 - 0,8kg/con với giá dao động 34.000đ - 38.000đ/kg (tăng hơn tuần trước 3.000đ/kg), giá cá tra thương phẩm từ 23.500đ - 24.000đ/kg (tăng 1.000đ/kg).

24/11/2014