Trang chủ / Cá nước ngọt / Cá lóc

Nuôi cá lóc trong hồ nổi

Nuôi cá lóc trong hồ nổi
Tác giả: Thành Hiệp
Ngày đăng: 16/01/2020

Ông Hồ Quang Hoàng ở khu vực 2, phường Trà Lồng, thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) là một trong những người nuôi cá lóc thương phẩm đạt năng suất, chất lượng cao cho thu nhập khá.

Cá lóc nuôi trong hồ nổi lót bạt.

Ông cho biết vốn xuất thân từ đồng quê nên từ nhỏ đã thích nghề chăn nuôi. Chính vì vậy sau 15 năm giảng dạy môn Sinh, ông đã từ giã bục giảng bắt tay vào nghề vườn và nuôi trồng thủy sản. Những năm đầu ông vừa trồng cây ăn trái vừa trồng cây kiểng làm du lịch. Ngoài ra, ông còn đào ao nuôi các loại cá, từ cá trê cho đến cá lóc.

Do chưa có kinh nghiệm nên con cá nuôi trong ao hồ không mang lại hiệu quả cao. Không nản chí, ông quyết tâm tìm tòi học hỏi kỹ thuật nuôi từ trong sách báo và trên mạng internet. Nghe nói ở Bạc Liêu có mô hình nuôi cá lóc trong hồ nổi (bể lót bạt trên cạn) nên ông đã đến tận nơi học hỏi về nuôi thử nghiệm.

Sau một thời gian nghiên cứu, ông đã đầu tư trên 35 triệu đồng để mua bạt và các loại phụ kiện về thiết kế một hồ nổi để thả cá. Đây là một hồ hình tròn, đường kính 15 mét, toàn bộ lòng hồ đều lót bạt chắc chắn. Bên trong hồ có một hệ thống ống để dẫn nước vào và rút nước ra rất tiện lợi.

Ông Hoàng cho biết, qua nghiên cứu ông nhận thấy hồ nổi có rất nhiều ưu điểm. Một là người nuôi có thể quản lý được nguồn nước, hai là quản lý được đàn cá. Nhờ vậy mà theo dõi được dịch bệnh để kịp thời xử lý. Một cái lợi nữa là nuôi theo mô hình hồ nổi, môi trường nước rất sạch vì mỗi ngày đều thay nước mới, cặn bã được hút sạch.

Đặc điểm cùa hồ nổi là không cần diện tích lớn mà có thể nuôi được nhiều cá, hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần nuôi trong ao, hồ truyền thống. Đầu tháng 8 âm lịch ông đã thả 30.000 con cá giống (tỷ lệ sống trên 90%), đến nay trọng lượng mỗi con được 350 gr. Nuôi đến Tết sẽ nặng từ 500 – 800gr/con.

Ông cho biết đa phần người nuôi cá lóc đều tự tìm thức ăn cho cá như ốc, cá tạp để lấy công làm lời. Theo tính toán của ông, muốn có một ký cá thịt phải cần đến 4 ký cá tạp, vừa mất thời gian, vừa tốn công sức. Hơn nữa, thức ăn cá tạp không bảo đảm chất lượng và còn làm ảnh hưởng đến môi trường nước. Vì thế ông đã chọn thức ăn công nghiệp dạng viên vừa tiện lợi vừa bảo đảm chất lượng. Mỗi ngày ông cho cá ăn 2 lần (lúc còn nhỏ cho ăn 3 – 4 lần).

Theo ông Hoàng, người nuôi cá lóc trong hồ nổi trước hết cần nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi trên cạn. Về hồ nên xây theo hình tròn để khi bơm nước vào tạo được vòng xoáy và khi hút cặn bã cũng dễ dàng. Nguồn nước phải sạch, tốt nhất là nước sông, có độ pH phù hợp.

Khi cho ăn, cần chú ý khi thời tiết lạnh, buổi sáng nên cho cá ăn trễ, tốt nhất là khi nắng lên, buổi chiều nên cho ăn sớm hơn để tránh lúc trời lạnh thức ăn chậm tiêu hóa. Nếu trời lạnh kéo dài, cá tiêu hóa chậm, nên bổ sung thêm men tiêu hóa hoặc bột tỏi để giúp cho cá đủ ấm, khỏe mạnh và lớn nhanh.

Theo tính toán của ông, sau khi trừ hết các chi phí, 1 kg cá còn lời khoảng 16.000 đồng. Với đà phát triển như hiện nay, tết này ông sẽ thu hoạch trên 12 tấn cá thương phẩm, lời khoảng 200 triệu đồng. Hiện nay có người đã hợp đồng mua với giá 40.000đ/kg nhưng ông chưa bán, hy vọng Tết giá sẽ tăng cao hơn.


Có thể bạn quan tâm

Mô hình nuôi cá lóc trong bể bằng nguồn thức ăn tự nhiên Mô hình nuôi cá lóc trong bể bằng nguồn thức ăn tự nhiên

Lâu nay, mô hình nuôi cá lóc trong bể không còn xa lạ với người dân. Tuy nhiên, để đầu tư nguồn thức ăn công phu là các loại cá tạp nhằm tăng hiệu quả

04/11/2019
Thành công mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng lót bạt Thành công mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng lót bạt

Chia sẻ về một số kinh nghiệm nuôi cá lóc, ông Phúc cho biết, bên cạnh con giống thì ông cũng xây dựng lịch cho cá ăn cố định.

29/11/2019
Phòng trị bệnh đốm trắng nội tạng cho cá lóc từ lá ổi và cỏ mực Phòng trị bệnh đốm trắng nội tạng cho cá lóc từ lá ổi và cỏ mực

Nghiên cứu mới đây đã xác định hoạt tính kháng khuẩn và nồng độ thích hợp của chất chiết xuất từ cỏ mực và lá ổi kháng lại vi khuẩn gây bệnh đốm trắng nội tạng

11/12/2019