Mô hình nuôi cá lóc trong bể bằng nguồn thức ăn tự nhiên
Lâu nay, mô hình nuôi cá lóc trong bể không còn xa lạ với người dân. Tuy nhiên, để đầu tư nguồn thức ăn công phu là các loại cá tạp nhằm tăng hiệu quả tăng trưởng của cá lóc như mô hình gia đình anh Nguyễn Văn Xinh ở thôn Trung An, xã Hải Khê (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) thì không phải ai cũng áp dụng hiệu quả như mong muốn.
Mô hình nuôi cá lóc bể của gia đình anh Nguyễn Văn Xinh ở thôn Trung An, xã Hải Khê, Hải Lăng
Khởi đầu từ năm 2009 với 3 bể nuôi, đến nay vợ chồng anh Xinh đã phát triển quy mô lên 7 bể nuôi với diện tích hơn 2.000m2 ngay trong khuôn viên gia đình. Cá lóc giống được anh nhập về từ Huế, tỷ lệ sống của cá tương đối cao. Mỗi vụ cá, anh thả nuôi trên 3.000 con giống. Những con cá giống được lựa chọn phải đảm bảo yếu tố khỏe và có khả năng thích nghi với môi trường mới. Nguồn thức ăn cho cá lóc chủ yếu là cá con. Trung bình mỗi tạ cá lóc ăn khoảng 4kg cá con mỗi ngày. Thời gian thả cá giống là đầu tháng 3 hàng năm, sau 6 tháng có thể thu hoạch lứa đầu. Thời gian thu hoạch trong vòng 1,5 - 2 tháng.
Những con cá lóc sinh trưởng tốt, bán vào cuối vụ có thể nặng gần 2kg. Mỗi năm gia đình anh thả nuôi 3 vụ theo hình thức xoay vòng bể nuôi, chi phí đầu tư cá giống khoảng 200 triệu đồng. Vụ vừa qua anh thu hoạch hơn 1,2 tấn cá, giá thị trường thu mua 65.000 đồng/kg, trừ chi phí các khoản còn lại tiền lãi khoảng 40 triệu đồng. Thuận lợi nhất là nguồn thức ăn do vợ chồng anh bỏ công đi thả lưới đánh các loại cá tự nhiên như cá tạp, cá rô phi làm thức ăn nuôi cá lóc.
“Kinh nghiệm cho thấy lấy nguồn thức ăn tự nhiên để nuôi cá lóc thì trọng lượng cá tăng trưởng nhanh và đồng đều. Thêm nữa chất lượng cá được đánh giá là thịt dai ngon hơn việc cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, thương lái rất ưa chuộng loại cá lóc nuôi bằng nguồn thức ăn tự nhiên như thế này. Bình quân mỗi vụ nuôi 6 tháng mới xuất bán, nhưng như vụ vừa qua tôi phải nuôi đến 8 tháng mới đạt yêu cầu vì con giống nhỏ”, anh Xinh chia sẻ.
Nuôi cá trong bể xi măng có nhiều ưu điểm như có thể dùng các tấm lưới che phủ, tránh ánh nắng trực tiếp, hạn chế tình trạng tràn nước trong bể, bể xi măng được xây gần nguồn nước nên tiện chăm sóc, thay nước hàng ngày. Với kinh nghiệm 8 năm nuôi cá lóc trong bể xi măng, anh Xinh cho biết nuôi cá trong bể tuy không sinh trưởng nhanh bằng trong ao hồ, tuy nhiên có thể chủ động được nguồn nước, đồng thời xử lý nhanh các trường hợp bệnh tật về cá nên ít khi bị rủi ro. Khi nuôi, đòi hỏi phải thay nước hàng ngày cho các bể cá, để làm cho nguồn nước sinh sống của cá luôn sạch, mát.
Hiện nay trên địa bàn xã Hải An có khoảng 4 mô hình nuôi cá lóc bằng bể xi măng và rất hiệu quả. Đây chính là hướng phát triển kinh tế khá thuận lợi với điều kiện địa phương bởi nguồn thức ăn là cá tự nhiên dồi dào, đầu ra tương đối ổn định và giá trị lợi nhuận cao. Trong điều kiện nghề biển còn gặp khó khăn như hiện nay do ảnh hưởng của sự cố ô nhiễm môi trường biển thời gian qua, việc khuyến khích người dân tìm tòi thử nghiệm các mô hình kinh tế như nuôi cá lóc bể, nuôi dê, lợn, trồng cây hoa màu phù hợp với đất cát như cây ném, đậu xanh…sẽ giúp người dân ổn định sản xuất, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Nguyện vọng của anh Xinh cũng như nhiều hộ dân khác ở xã Hải An đang triển khai mô hình nuôi cá lóc bể là được hỗ trợ nguồn vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Với mô hình nuôi thuỷ sản ở nông hộ theo hình thức làm bể lót bạt nylon trên sân vườn hay dùng lưới làm vèo dưới ao, hiệu quả thu được lợi nhuận khá cao.
Gần đây, phong trào nuôi cá lóc thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân nhiều nơi.
Cá lóc là loài ăn tạp, có sức sống cao, khả năng chịu đựng tốt với môi trường; đây đang là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân.