Trang chủ / Cá nước ngọt / Cá lóc

Nuôi Cá Lóc Bằng Nước Giếng

Nuôi Cá Lóc Bằng Nước Giếng
Ngày đăng: 04/07/2013

Để nuôi cá lóc, nông dân ở xã Đại An (huyện Trà Cú, Trà Vinh) không chỉ vất vả đào ao mà họ còn phải cất công khoan giếng lấy nước ngọt nuôi cá. Sau hơn 4 tháng nuôi, bà con thu về hàng trăm triệu/ao nuôi 1.000 m2, so ra cao gấp 50 lần so với trồng lúa.

Đến huyện Trà Cú, trong cái nắng gay gắt, chói chang, hiện lên những cánh đồng mênh mông trơ gốc rạ. Thi thoảng có 1, 2 đám bắp thiếu nước lá úa vàng, cây thấp lè tè đến tội nghiệp. Nhìn “cảnh vật” nơi đây, chúng tôi không dám tin gần 600 hộ nơi đây đã kiếm hàng trăm triệu đồng từ mô hình nuôi cá lóc. Nhưng sự thật là vậy.

Nông dân Thạch Sung, xã Đại An cho biết: “Ở xứ mình đúng là đồng khô cỏ cháy, bởi vậy bà con chỉ đợi đến mùa mưa mới làm được một vụ lúa nên thời gian còn lại trong năm rất dài, nếu không làm thì cả nhà chết đói mất. Chính vì vậy, từ khi được các anh em cán bộ nông nghiệp hướng dẫn mô hình nuôi cá lóc, bà con ở đây học theo và nuôi thử cũng đạt hiệu quả kinh tế lắm!”.

Theo anh Thạch Sung, ở đây ngoài cái nóng đổ lửa thì quanh năm nước trong vùng toàn là nước mặn. Vì thế bà con muốn nuôi cá lóc thì phải khoan giếng sâu cả trăm mét để lấy nước ngọt nuôi cá. Do xung quanh khô hạn, cộng nắng nóng nên nước trong ao hao hụt đáng kể, 1 - 2 ngày là người dân phải bơm nước một lần nên chi phí cho khâu nước cũng phải tính đến khi đầu tư nuôi cá.

Anh Nguyễn Văn Trung có trên 7 năm nuôi cá lóc cho biết: “Mấy năm đầu khi nuôi cá bà con chỉ biết dùng cá mồi (cá biển tạp đã chết) làm thức ăn cho cá nên không chủ động được thời gian nuôi cũng như giá cả. Còn bây giờ gần 100% người nuôi dùng thức ăn công nghiệp cho cá ăn. Trung bình để có 1 kg cá thịt, người nuôi sử dụng từ 1,1 - 1,2 kg thức ăn (khoảng 12.000 - 15.000 đồng), cộng với các khoản chi phí con giống, thuốc và tiền điện… giá thành hiện tại từ 20.000 - 25.000 đồng/kg cá.

Theo anh Trung, với diện tích nuôi 1.000 m2 (mật độ thả khoảng 30 con/m2), tỷ lệ đạt 70%, người dân thu hoạch cũng trên 70 - 100 tấn cá thương phẩm. Nếu bà con bán với giá 38.000 - 40.000 đồng/kg, trừ hết chi phí kiếm từ 100 - 150 triệu đồng là chuyện trong tầm tay.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Hậu Nhịn, cán bộ kỹ thuật phòng NN&PTNT huyện Trà Cú cho biết, phong trào đào ao, khoan giếng lấy nước ngọt nuôi cá lóc của bà con trong huyện chỉ phát triển mạnh mẽ khoảng 3 - 4 năm trở lại đây. Hiện tại xã Đại An có số hộ nuôi cá lóc dẫn đầu huyện với khoảng 600 hộ, trung bình 1 hộ có diện tích nuôi từ 500 - 1.000 m2 và sau hơn 4 tháng nuôi nếu tỷ lệ đạt từ 60 - 70% bà con cũng kiếm trên 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi cá lóc ở ĐBSCL đang bất an với tình trạng cá bị gù lưng hoặc bị đốm trắng trên vảy. Một số chuyên gia cho rằng là do thức ăn, tỷ lệ độ đạm không cân đối, nhưng một số khác thì xác định nguyên nhân ở khâu con giống. Trong lúc các nhà khoa học chưa tìm được “bài thuốc” chữa 2 căn bệnh này thì mỗi vụ, người nuôi cá lóc bị mất từ 20 - 30% lợi nhuận.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Cá Lóc Bằng Thức Ăn Công Nghiệp Nuôi Cá Lóc Bằng Thức Ăn Công Nghiệp

Gần đây, phong trào nuôi cá lóc thương phẩm ở Bình Thuận phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân địa phương. Tuy nhiên, đối với nghề nuôi cá lóc hiện nay, khó khăn lớn nhất là quản lý nguồn nước và nguồn thức ăn cá tạp tươi đảm bảo chất lượng và số lượng

01/02/2012
Nuôi Cá Lóc Công Nghiệp Trong Vèo Lưới Nuôi Cá Lóc Công Nghiệp Trong Vèo Lưới

Đến thăm trang trại của chị Phan Thị Vân ở ấp 3 xã Thạnh Trị huyện Đình Đại, nằm bên dòng Ba Lai hiền hòa vào những ngày cuối tháng 7 đã thật sự thu hút tôi bởi màu xanh của cây lá mà trước đó vài năm là một vùng đất cằn cổi không trồng được gì bởi nước mặn. Lối vào đã rợp bóng mát của hàng cây so đủa mà chị trồng để cải tạo đất và lấy lá để nuôi dê. Nhưng điều làm tôi thật sự chú ý lại là những vèo lưới lớn, nhỏ đủ cở được giăng dưới những ao mà trước đây là nơi nuôi cá lóc công nghiệp. Và khi bắt chuyện tôi mới biết đó là những vèo đang nuôi cá lóc chứ không phải là những vèo ươm cá giống như các trại cá khác.

31/01/2012
Kỹ Thuật Nuôi Cá Lóc Trong Ao Đất Kỹ Thuật Nuôi Cá Lóc Trong Ao Đất

Vì là loài cá dữ chuyên bắt mồi sống nên giai đoạn nuôi thịt không cần bón phân gây màu nước. Trong ao nuôi, ngoài sử dụng các loại cá tạp, cá còn có thể ăn các thức ăn chế biến có hàm lượng đạm cao, lượng cho ăn chiếm từ 5-6% trọng lượng cá

11/02/2011
Kỹ Thuật Nuôi Cá Lóc Kỹ Thuật Nuôi Cá Lóc

Cá lóc là loài cá sống phổ biến ở đồng ruộng, kênh, rạch, ao, hồ, đầm, tốc độ sinh trưởng nhanh, thích nghi với mọi môi trường nước (đục, tù, nóng) có thể chịu đựng được ở nhiệt độ 39 - 40 o C

11/02/2011
Kỹ Thuật Nuôi Cá Lóc Bông Kỹ Thuật Nuôi Cá Lóc Bông

Cá Lóc bông (Channa micropeltes Cuvier & Valencienes 1831) là loài cá dữ, nhưng thịt thơm ngon và rất được ưa chuộng. Kích cỡ cá lớn nhất đạt tới chiều dài 130cm, nặng 20kg

11/02/2011