Trang chủ / Cá nước ngọt / Cá lăng

Nuôi Cá Lăng Nha - Ngư Dân Đầu Nguồn Phát Lên

Nuôi Cá Lăng Nha - Ngư Dân Đầu Nguồn Phát Lên
Ngày đăng: 24/12/2013

Nuôi cá lăng nha đuôi đỏ trong lồng bè là một mô hình hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho ngư dân vùng sông nước đầu nguồn huyện An Phú. Cá lăng nha đuôi đỏ đặc sản mở ra triển vọng mới trong nghề nuôi thủy sản ở An Giang...

Nằm cặp sông Bình Di thuộc thị trấn Long Bình, huyện An Phú, giáp ranh với huyện Kỏ Thum, tỉnh Kandal (Campuchia), làng bè nuôi cá lăng nha với hàng trăm bè nuôi lớn nhỏ liền kề trông giống hệt như làng bè Châu Đốc. Một cán bộ địa phương dẫn chúng tôi đến bè cá của chú Nguyễn Văn Vàng (Tư Vàng), ngụ ấp Tân Khánh, thị trấn Long Bình, khi chú đang loay hoay chạy máy xay ép gần 200 kg cá mồi chuẩn bị cho cá lăng nha ăn. Tiếp chuyện chúng tôi, chú Tư Vàng tỏ ra rất vui vì năm nay 2 bè cá lăng nha của chú đạt sản lượng cao và trúng giá.

Chỉ tay về thau mồi, chú Tư Vàng khoe: “Mồi này xay để vỗ béo cho bè thứ hai, cá cũng lớn hết rồi, trung bình khoảng 1 kg/con, hơn tháng nữa tôi sẽ kêu lái bán. Còn hôm qua thương lái đã chạy ghe vô cân bè thứ nhất. Với 5 tấn cá, giá bán 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi bỏ túi ngót nghét trên 120 triệu đồng”.

Chú Tư Vàng nhớ lại khoảng năm 1999, nhà không ruộng rẫy nhưng chú mạnh dạn vay nóng bên ngoài đầu tư đóng một cái bè, ngang 4m, dài 8 m rồi mua 60.000 con cá tra giống về thả. Lúc đó môi trường nước còn trong lành lắm nên cá lớn nhanh như thổi, nhưng do giá cả thị trường “tuột dốc” còn khoảng 8.000 đồng/kg, chú lỗ đến sạt nghiệp.

Nghỉ nuôi một thời gian, chú lại tiếp tục bắt tay vào nuôi cá ba sa, rồi nuôi cá lóc bông nhưng kết quả cũng không khả quan. Năm 2006, trong một lần sang thăm người thân bên tỉnh Kandal (Campuchia), chú Tư Vàng thấy nhiều hộ dân ở đây nuôi cá lăng nha đuôi đỏ trong lồng bè, trọng lượng đạt gần 2 kg/con.

Chú liền tìm hiểu kỹ thuật nuôi và mua 5.000 con giống về nuôi với giá 4.800 đồng/con (cỡ 2,5 phân/con). Sau gần 12 tháng bỏ công chăm sóc, bè cá đạt sản lượng 6 tấn, chú xuất bán với giá 60.000 đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí, chú nắm trong tay cả trăm triệu đồng.

Chú Tư Vàng bộc bạch: “Ban đầu tôi làm liều bắt cá lăng nha giống về nuôi chứ chưa biết bán được hay không. Vì đây là loại cá ở tỉnh nhà chưa ai nuôi, chỉ tiêu thụ cá ở chợ hoặc quán ăn, nhà hàng. Nhưng nhờ nguồn cung khan hiếm mà giá bán cá rất cao...”. Với bè cá thứ hai sắp xuất bán, chú ước tính mức lời tổng cộng của hai bè cá khoảng 300 triệu đồng.

Thấy chú Tư Vàng nuôi cá lăng nha có hiệu quả, nhiều hộ trong xóm đẩy mạnh đầu tư vào việc nuôi cá lăng nha và cũng có thu nhập đáng kể. Anh Huỳnh Văn Tốt trước đây chỉ biết bám vào ruộng đồng với trên 3 công đất toàn làm lúa nhưng đời sống vẫn khó khăn.

Nhiều lần đến bè cá của chú Tư Vàng chơi, anh Tốt học hỏi cách nuôi và mạnh dạn đầu tư mua gỗ đóng 2 bè khoảng 24m2, rồi mua 10.000 con giống cá lăng nha về thả. Anh Tốt nhẩm tính: “Chi phí đầu tư nuôi cá lăng nha thấp hơn so với nuôi cá tra nhiều lần. Cá lăng nha ăn tạp nên nguồn thức ăn cũng dễ tìm, chủ yếu là cá biển hoặc cá linh mùa nước nổi. Trung bình cho ăn khoảng 6 kg mồi, cá đạt trọng lượng trên 1 kg.

Nếu tính 1 kg mồi giá 5.000 đồng/kg trong khi cá lăng nha đạt trọng lượng 1 kg bán với giá 60.000 đồng/kg, xem như một lời một. Loại cá này thích hợp với môi trường nước chảy nên phải nuôi trong lồng bè cá mới mau lớn. Ngoài ra, cá còn có đặc điểm là ít bệnh, nếu nuôi hết cỡ, cá đạt trọng lượng từ 3-4kg/con...”. Hiện nay, hai bè của anh Tốt cá đạt trọng lượng khoảng hơn 1kg/con.

Dự kiến trong tháng tới anh cho xuất bán 2 bè khoảng 10 tấn cá này, sau khi trừ tất cả chi phí, anh còn lời khoảng 250 triệu đồng. Hiện nay, mô hình nuôi cá lăng nha đang trở thành thế mạnh đặc thù của vùng đầu nguồn huyện An Phú. Toàn huyện có khoảng 30 hộ nuôi cá lăng nha trong lồng bè, tập trung chủ yếu ven sông Bình Di, trong đó có trên 10 hộ nuôi tập trung, còn lại là những hộ nuôi tự phát.

Tuy nhiên, để nghề nuôi cá lăng nha không bị rơi vào cảnh khủng hoảng thừa rồi lao đao như con cá tra, cá ba sa, bà con nơi đây rất cần chính quyền địa phương và ngành chức năng sớm quy hoạch vùng nuôi hợp lý. Qua đó, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, tổ chức đầu ra ổn định, tránh tình trạng thương lái ép giá người nuôi, để bà con an tâm phát triển nghề mới.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Trương Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Phú, cho biết: Vài năm gần đây, mô hình nuôi cá lăng nha đuôi đỏ trong lồng bè được xem là mô hình mới có hiệu quả cao của bà con nơi đây.

Cái khó của người nuôi hiện nay là đầu ra con cá lăng nha chưa ổn định, thương lái thường xuyên ép giá, do trên địa bàn huyện chỉ có duy nhất một thương lái thu mua cá lăng nha. Vì vậy, chúng tôi đã khuyến cáo người dân cần tính toán kỹ, không phát triển diện tích nuôi một cách tự phát trong khi đầu ra vẫn còn hẹp...


Có thể bạn quan tâm

Kỹ thuật sinh sản và nhân tạo cá lăng chấm - Phần 2 Kỹ thuật sinh sản và nhân tạo cá lăng chấm - Phần 2

Kỹ thuật sinh sản và nhân tạo cá lăng chấm - Phần 2

30/07/2016
Kỹ thuật sinh sản và nhân tạo cá lăng chấm - Phần 3 Kỹ thuật sinh sản và nhân tạo cá lăng chấm - Phần 3

Kỹ thuật sinh sản và nhân tạo cá lăng chấm - Phần 3

30/07/2016
Kỹ thuật sinh sản và nhân tạo cá lăng chấm - Phần 4 Kỹ thuật sinh sản và nhân tạo cá lăng chấm - Phần 4

Kỹ thuật sinh sản và nhân tạo cá lăng chấm - Phần 4

30/07/2016
Kỹ thuật sinh sản và nhân tạo cá lăng chấm - Phần 5 Kỹ thuật sinh sản và nhân tạo cá lăng chấm - Phần 5

Kỹ thuật sinh sản và nhân tạo cá lăng chấm - Phần 5

30/07/2016
Hiệu quả từ cá lăng nha Hiệu quả từ cá lăng nha

Cá lăng nha đang là một trong những đối tượng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi nhờ có tốc độ tăng trưởng nhanh, thịt trắng, dai, thơm ngon

06/04/2017