Trang chủ / Cá nước ngọt / Cá chình

Nuôi cá chình trong ao đạt tỷ lệ sống cao

Nuôi cá chình trong ao đạt tỷ lệ sống cao
Ngày đăng: 05/11/2015

1. Xây dựng ao nuôi

Ao có nguồn cung cấp nước ngọt chủ động và có chất lượng tốt, không bị ô nhiễm bởi các loại chất thải độc hại nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt….Hàm lượng oxy hoà tan trong nước trên 3mg/lít, pH nước từ 7-8,5, độ mặn dưới 5‰, hàm lượng amoniac dưới 1,5mg/lít, hàm lượng sắt dưới 1mg/lít.

Chất đất tốt nhất là đất thịt, hoặc thịt pha cát, tránh các vùng đất phèn.

Tốt nhất nên chọn vùng có địa thế nước tự cấp (không dùng bơm) và tự thoát để giảm chi phí sản xuất.

Vùng qui hoạch nuôi cá chình cần có cơ sở hạ tầng thuận lợi: giao thông, điện hạ thế…

Ao có dạng hình chữ nhật hoặc hình vuông.

Diện tích ao thích hợp từ 500-2.000m2/ao.

Nên đầu tư xây dựng từ 2 ao trở lên để tiện chọn lọc phân cỡ và san cá trong quá trình nuôi.

Độ sâu mực nước trong ao là 1,5-1,8m.

Xung quanh ao không có cây cối che phủ.

Bờ ao cao hơn mức nước ao lúc cao nhất là 0,6-0,8m và được đầm nén thật chặt, không để hang hốc, rò rỉ và phòng chống lũ tràn bờ.

Trên bờ cần phát quang sạch sẽ để tránh địch hại trú ẩn và bao lưới hoặc bờ tường cao 0,6m xung quanh để tránh địch hại xâm nhập và cá chình thoát ra ngoài.

Ao có 2 cống cấp và thoát nước riêng biệt, trước miệng cống cần có lưới chắn bảo vệ không cho địch hại vào ao.

Đáy ao là đất cát hoặc cát bùn, bằng phẳng và dốc về một phía để dễ tháo nước và thu hoạch cá.

2. Chuẩn bị ao nuôi

Đối với ao cũ: tháo cạn nước trong ao, dọn sạch rong cỏ, nạo vét bớt lớp bùn đáy, chỉ để lớp bùn dày 15-20cm, lấp hết hang hóc.

Bón vôi mái bờ và đáy ao với liều lượng 7 – 10kg/100m2 sau đó phơi nắng 5–7 ngày.

Với những ao mới đào cần cấp nước vào đến độ sâu tối đa ngâm trong vòng 7 ngày sau đó tháo nước kết hợp sục rửa ao để loại bỏ phèn.

Trường hợp ao bị nhiễm phèn nặng (độ pH của đất thấp dưới 5) thì nên cấp nước và tháo rửa vài lần).

Trong trường hợp ao không có điều kiện tháo cạn nước, trong ao có cá tạp thì dùng rễ cây thuốc cá dập kỹ ngâm một đêm vắt lấy nước pha loãng tạt đều khắp ao, liều lượng 1kg rễ/100m3 nước hoặc dùng Saponin liều lượng dùng theo hướng dẫn trên bao bì để diệt hết các cá tạp, cá dữ còn trong ao.

Thời gian xử lý thuốc diệt cá tốt nhất là vào lúc 7-8h sáng.

Sau 1 ngày làm vệ sinh ao, vớt xác sinh vật chết đưa ra khỏi ao.Chú ý sau khi xử lý thuốc diệt cá phải để ít nhất 10 ngày sau mới thả cá giống.

Lấy nước vào ao qua lưới lọc có mắt lưới 1mm lần đầu chỉ cần mức nước 1,2m (trong quá trình nuôi sẽ tiếp tục nâng dần), tiến hành bón phân gây màu nước (sử dụng phân vô cơ như: DAP, NPK liều lượng 2-3kg/1.000m2 ao.

Khi bón phân vô cơ nên hoà loãng với nước rồi tạt đều khắp ao.

Kiểm tra các yếu tố môi trường thấy phù hợp (nhiệt độ 26-30oC, pH từ 7-8, độ trong 30-40cm, Oxy hoà tan trên 4mg/lít,…) thì tiến hành thả giống nuôi.

3. Chọn giống và thả giống

Trong điều kiện Bình Thuận, mùa vụ nuôi có thể tiến hành quanh năm, do chi 1 phí giống cá khá cao và cỡ thương phẩm cá chình càng lớn càng có giá nên kéo dài vụ nuôi cá chình từ 18-24 tháng.

Chọn giống khỏe bơi lội nhanh nhẹn, cơ thể cân đối, không sây xát, không mất nhớt, màu sắc tươi sáng, không dấu hiệu bệnh tật, cỡ cá đồng đều, có trọng lượng 5-10con/kg (hoặc 10-20 con/kg).

Mật độ thả nuôi từ 1-1,5 con/m2 (tuỳ theo điều kiện nguồn nước và mức độ đầu tư).

Trước khi thả cá xuống ao cần phòng bệnh bằng cách tắm cá giống bằng nước muối 2-3% trong thời gian 15-30 phút.

Thời gian thả giống vào buổi sáng sớm (6-7h) hoặc chiều mát (5-6h) để tránh nhiệt độ trong nước quá cao làm cho cá chết vì sốc nhiệt độ.

Khi thả cá cần cân bằng nghiệt độ bằng các ngâm các bao cá giống vào ao trong thời gian 10-15 phút rồi mới mở bao thả cá ra.

4. Chăm sóc và quản lý

– Thức ăn hàng ngày cho cá chình chủ yếu là thức ăn cá tạp (cá biển hoặc cá nước ngọt) thức ăn cho cá ăn cần bỏ ruột, rửa sạch và cắt vừa cỡ miệng cá.

Cá có cỡ nhỏ hơn 500g, hàng ngày cho lượng thức ăn bằng 3% trọng lượng cá, cho ăn 2 lần vào sáng sớm (6-7h) và chiều mát (17-18h).

Cá lớn hơn 500g, hàng ngày cho lượng thức ăn bằng 2% trọng lượng cá, cho ăn 1 lần vào lúc chiều mát 17-18h.

Thức ăn được cho vào các sàng đặt dọc bờ ao để kiểm tra điều chỉnh lượng thức ăn, số sàn phụ thuộc vào số lượng cá thả trong ao, cứ 100 con cá chình đặt 1 sàng có kích thước 1,mx1,mx 0,15m.

Sàn đặt cách đáy ao từ 30 – 50 cm.

Sau khi cho cá ăn khoảng 2 giờ kiểm tra thấy hết thức ăn là vừa.

Quản lý ao nuôi: hàng ngày chú ý theo dõi hoạt động của cá, mức độ sử dụng thức ăn, tình hình thời tiết, môi trường để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

Khi phát hiện cá có dấu hiệu bị nhiểm bệnh phải điều trị kịp thời.

Thường xuyên kiểm tra và kịp thời xử lý các sự cố bất thường như: cá nổi đầu vào sáng sớm, rò rỉ nước, sụp lở bờ, lưới, cống hư hỏng…

Chế độ thay nước: Tháng đầu tiên châm dần cho đến khi mức nước đạt 1,5-1,8m, từ tháng thứ hai trở đi hàng tuần thay 2-3 lần mỗi lần thay nước 20-30% lượng nước trong ao.

Nên trang bị hệ thống sục khí đáy ao hoặc quạt nước kết hợp với sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện và giữ ổn định môi trường ao nuôi.

Chế độ sục khí từ 17h đến 5h sáng hôm sau khi sinh khối cá trong ao đạt từ 0,5kg/m3.

Khi có mưa lớn cần theo dõi bờ ao, cống phòng chống cá đi trong mưa đồng thời bón vôi ở bờ ao 10kg/100m2 (nếu đất bờ ao có phèn).

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra môi trường nước ao để duy trì các thông số thích hợp: pH = 7– 8; Oxy hòa tan > 4mg/lít; nhiệt độ nước 260C – 300C, độ trong 30-40cm.

Khi tảo phát triển quá mức và tàn lụi, cần thay 30-50% nước trong ao và bón chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường ao nuôi.

Trong quá trình nuôi, sau một thời gian dài (6 tháng-1năm) nên phân cỡ cá để đạt hiệu quả cao.

Trước khi phân cỡ ngừng cho cá ăn 1 ngày để hạn chế hao hụt khi bắt cá.

Cá bắt được đưa vào các giai có sục khí, căn cứ vào kích thước mà tiến hành phân từng cỡ.

Khi nhiệt độ cao (trên 30oC) nên dùng đá để cá ít hoạt động.

Trước khi thả nuôi cần chuẩn bị cải tạo ao và gây màu nước ao nuôi trước 3-5 ngày, phòng bệnh bằng cách tắm cá giống bằng nước muối 2-3% trong thời gian 15-30 phút.

5. Điều trị một số bệnh cá chình

– Bệnh do vi khuẩn: cá có hiện tượng tuột nhớt, trên thân có các đốm xuất huyết, trướng bụng, thối mang, thối vây…Để điều trị bệnh này, cần sử dụng cả 2 biện pháp sát trùng ao nuôi và trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn cho cá ăn.

Dùng Avaxit nồng độ 1lít/1.000m3nước ao hoặc thuốc tím (KMnO4) nồng độ 4kg/1.000m3 nước.

ngâm xuống ao, sau 24giờ thay nước 50-70%; dùng thuốc trộn vào thức ăn: Oxytetracyline: 2g/1kg thức ăn + Vitamin C: 3g/kg thức ăn, cho ăn liên tục 5 – 7 ngày.

Sau khi cá ổn định trộn men tiêu hóa vào thức ăn để tăng khả năng hấp thụ thức ăn của cá.

Khi sử dụng kháng sinh, hoá chất để phòng, trị bệnh cá thì phải sau ít nhất 4 tuần kể từ khi ngừng sử dụng mới được thu hoạch cá.

Việc sử dụng thuốc thú y thuỷ sản, chế phẩm sinh học, hoá chất để phòng trị bệnh cho cá theo đúng qui định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

– Bệnh do nguyên sinh động vật ký sinh như: trùng quả dưa, trùng bánh xe, rận cá, sán lá…bệnh làm cá kém ăn, bơi lội kém, bị loét, có đốm trắng, viêm nhiễm dẫn đến tuột nhớt rồi chết.

Để điều trị bệnh này dùng thuốc tím tạt đều khắp ao nồng độ 4kg/1.000m3 nước; hoặc dùng Formol với liều lượng 30 lít/1.000m3 hoà loãng tạt đều khắp ao, xử lý 2 lần cách nhau 1 tuần; kết hợp dùng Nova-Parasite: 0,1kg trộn 100kg thức ăn chế biến, cho ăn liên tục 2 ngày.

Sau khi sử dụng hoá chất, sau 6-8 giờ tiến hành thay 1/2 – 1/3 lượng nước trong ao.

Lưu ý khi dùng hóa chất nên sử dụng lúc trời mát và nên giảm ½ lượng thức ăn hàng ngày.

Bệnh do giun sán ký sinh bên trong cơ thể cá: làm cá ốm, đầu to, màu sắc sậm, chậm lớn.

Để trị bệnh tiến hành xổ giun cho cá bằng cách trộn thuốc Parasitol vào thức ăn mỗi ngày liều lượng 0,1kg thuốc/1.000 kg cá, liên tục 2-3 ngày.

6. Thu hoạch

Sau 18-24 tháng nuôi, cá đạt kích cỡ thương phẩm 2-3kg thì có thể thu hoạch.

Trước khi thu hoạch 1 ngày cần ngưng cho cá ăn.

Thu bằng cách hạ mức nước, kéo lưới sau đó xả cạn nước trong ao để bắt hết số cá còn lại.

Giữ cá sống trong các bể có sục khí.

Với những cá chưa đạt cỡ thương phẩm có thể giữ lại nuôi tiếp.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Chình Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Chình

Hiện nay, nông dân huyện Cái Nước đang phát huy nhân rộng mô hình đa cây đa con, thu được hiệu quả khá cao, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn

18/02/2011
Mô Hình Nuôi Cá Chình Trong Ao Đất Mô Hình Nuôi Cá Chình Trong Ao Đất

Cá chình là đối tượng cá nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, được coi là hàng quý hiếm và đắt tiền. Giá thương phẩm tại thời điểm hiện nay là 300.000đ/kg (trên1kg/con), cao nhất so với các loại đối tượng cá nước ngọt khác

18/02/2011
Mô Hình Nuôi Cá Chình Có Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cá Chình Có Hiệu Quả

Vào ngày 27 tháng 4 năm 2011, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Đồng Tháp đã tổ chức cho gần 50 nông dân các huyện, thị, thành phố và cán bộ kỹ thuật trong Tỉnh tham quan và học hỏi mô hình nuôi cá chình có hiệu quả của ông Nguyễn Ngọc Chính, khóm 8, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau

07/05/2011
Phòng Và Trị Bệnh Cho Cá Chình Phòng Và Trị Bệnh Cho Cá Chình

Để phòng bệnh cho cá ta phải bắt đầu từ giai đoạn thả giống. Trước khi thả cá, ta cải tạo và xử lý nước thật kỹ bằng vôi công nghiệp và Vimekon. Cá giống trước khi thả nên tắm bằng muối (4 – 5kg/100 lít nước để diệt khuẩn, nấm, ký sinh trùng…).

07/12/2011
Nuôi Cá Chình Trong Bể Xi Măng Nuôi Cá Chình Trong Bể Xi Măng

Cá chình có giá trị kinh tế cao, (giá thương phẩm có lúc lên đến 240.000 đ/kg) thích hợp với nhiều mô hình nuôi. Nhiều tỉnh miền Trung đang phát triển hình thức nuôi trong bể xây bằng gạch hoặc xi măng cho năng suất cao. Đây là hình thức nuôi cao sản, vì vậy đòi hỏi phải có các điều kiện nhất định

07/12/2011