Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Cá Chẽm - Niềm Vui Nhân Đôi

Nuôi Cá Chẽm - Niềm Vui Nhân Đôi
Ngày đăng: 15/06/2012

Trong khi các vùng triều trong tỉnh Quảng Ngãi, người nuôi tôm điêu đứng vì tôm dịch bệnh, nhiều hộ phải bỏ hồ hoang thì ở cánh đồng triều thuộc xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) nông dân đã chuyển sang nuôi cá chẽm. Hơn 3 năm cá chẽm đã sống thích nghi với nguồn nước đồng triều nơi này và giải quyết được cuộc sống khốn khó cho bà con. Riêng vụ mùa năm nay, bà con nuôi cá vừa được mùa, được giá nên niềm vui như nhân đôi.

Cá được mùa, được giá

Bắt con cá chẽm mắc trong lưới vừa mới vớt lên từ hồ, ông Võ Tùng, phấn khởi: "Cá cỡ này, cân hết trong hồ cũng thu được khoảng 3,6 tấn, kiếm được 360 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng". Nói rồi ông cười tươi hớn hở tiếp tục thu hoạch cá. Ở các hồ bên cạnh, bà con cũng đang hối hả thu hoạch cá để kịp chuyển cá lên ghe chở sang cửa biển Sa Kỳ bán cho các tư thương. Ông Trần Đình Kiệm nuôi trên 6.000 m2, cũng vừa mới thu hoạch được 5 tấn cá. Ông bảo: "Đây là mùa được nhất kể từ ngày nuôi cá chẽm đến nay".

Cá chẽm được giá, dù cá đến kỳ thu hoạch nhưng nhiều hộ vẫn giữ lại hồ cho cá ăn để bán kiếm thêm lãi.

Trước đây, vùng triều An Kỳ bà con nuôi tôm. Qua vài mùa thắng đậm thì con tôm không thể "trụ" được với đồng này, dịch bệnh liên tiếp xảy ra, tôm chết hàng loạt dưới đáy hồ. Năm 2009, bà con chuyển sang nuôi cá chẽm. Con cá đã kịp thích nghi với nguồn nước và lớn nhanh. Vụ nuôi cá năm nay, bà con rút kinh nghiệm thả nuôi nên bây giờ cá vừa được mùa lại được cả giá. Ông Nguyễn Miền, cho hay: "Những năm trước, ăn tết xong là dọn hồ thả cá. Còn năm nay, sau mùa mưa bão bà con đã cải tạo hồ, xử lý hóa chất thả nước vào đồng nuôi cá ngay. Đến thời điểm nắng ráo này con cá cũng đã đến kỳ thu hoạch, tư thương đến dạm hỏi mua với giá khá cao. Anh em ai cũng phấn khởi xuất bán".

Nhiều người nuôi cá cho rằng: Giá cá chẽm hiện nay dao động từ 90.000 - 100.000 đồng/kg (đối với loại cá có kích cỡ từ 5 - 6 lạng), cao hơn trước từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Giá cá tăng cao nên hầu hết bà con nuôi cá đều kiếm được lãi khá lớn. Toàn xã Tịnh Kỳ có khoảng 65 hộ nuôi cá chẽm trên diện tích khoảng 20 ha. Đến thời điểm này, bà con đã thu hoạch trên diện tích 12 ha, với sản lượng đạt 60 tấn cá, đem về 6 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ kiếm được từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Cá biệt như hộ ông Lê Văn Nông ở thôn Kỳ Xuyên nuôi trên diện tích 6.000 m2, ông đã thu về hơn 7,3 tấn cá, kiếm lãi gần 350 triệu đồng.

Dễ nuôi, chi phí thấp

Cá chẽm là loại ăn tạp. Người nuôi cá nơi đây đã tận dụng nguồn phế phẩm thủy sản ở các con tàu đánh bắt trở về trên bến biển Tịnh Kỳ để cung cấp thức ăn cho cá. Năm nay, cá vụn lại rẻ nên bà con nuôi có lãi cao. Nhiều hồ nuôi cá ở đồng triều An Kỳ đã đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn chưa xuất bán. Bà Võ Thị Định đang băm những con cá nục to bằng ngón chân cái làm mồi cho cá chẽm ăn, giải thích: "Giá cá chẽm hiện nay cao mà giá thức ăn lại thấp nên mình để lại nuôi mươi hôm nữa mới xuất bán kiếm lời". Bà Định nuôi cá trên diện tích 4.000 m2, sau hơn 7 tháng chăm sóc, cá trong hồ hiện nay đã lớn 7 - 8 lạng nhưng bà vẫn chưa xuất bán. Bà cho rằng: "Với cỡ cá hiện nay, mỗi ngày bà cho ăn 1,5 tạ cá vụn. Với giá từ 3.000 đồng - 4.000 đồng/kg thì tính ra không nhiều so với thu lại".

Ông Phan Hữu Nhất - Cán bộ thủy sản xã Tịnh Kỳ nhận định: Bà con đã tự tìm hướng đi trong nuôi trồng thủy sản. Qua nhiều vụ thả nuôi, con cá chẽm đã chứng minh sống được với đồng triều này. Nhưng, ai cũng lo lắng cho chuyện đầu ra của con cá chẽm. Bởi, có năm được mùa được giá như năm nay thì ai cũng phấn khởi, nhưng có năm cá đã lớn đầy hồ, nhiều hộ rao bán khắp nơi mà không ai ừ hử. Chi phí nuôi cá so với con tôm vẫn lớn hơn nhiều, trong khi đó nguồn giống lại đi mua tận Khánh Hòa. Chính vì sự bất cập này, toàn xã có khoảng 60 ha diện tích mặt nước đồng triều nhưng bà con mới chuyển qua nuôi 20 ha. Đã nhiều lần xã kiến nghị ngành chức năng tạo điều kiện hỗ trợ vốn, đầu tư trại giống, tìm hướng đầu ra ổn định. Làm được điều này không chỉ giúp bà con phát triển nguồn nuôi trồng thủy sản nơi đây thuận lợi mà đó cũng là giải pháp giúp các đồng triều nuôi tôm hiện nay bị dịch bệnh chuyển sang nuôi cá chẽm phát triển kinh tế địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Nuôi Cá Lồng Trên Lòng Hồ Thủy Điện Nuôi Cá Lồng Trên Lòng Hồ Thủy Điện

Sau khi Nhà máy thủy điện Bá Thước 2 đi vào vận hành, hơn 400 hộ dân huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) đã tận dụng mặt nước phát triển nghề nuôi cá lồng.

25/04/2014
An Toàn Và Lãi Cao An Toàn Và Lãi Cao

Chăn nuôi trên đệm lót bằng trấu, mùn cưa, men sinh học không chỉ an toàn, thân thiện môi trường, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

25/04/2014
Moka Năng Suất Thấp Nhưng Giá Trị Cao Moka Năng Suất Thấp Nhưng Giá Trị Cao

Vườn cà phê moka rộng 2,4ha ở Trại Hầm, Đà Lạt được chủ nhân giữ lại chỉ để thu hoạch mỗi năm vài, ba trăm ký hạt nhân. Sau năm đầu đưa chồn về ăn trái tươi và đưa ngỗng về ăn cỏ, cho phân, vườn moka đã tăng giá trị lên hàng trăm lần.

25/04/2014
Lạ Lẫm Rau Giá Đậu Ngự Lạ Lẫm Rau Giá Đậu Ngự

Không làm rau giá bằng đậu xanh, bà Nguyễn Thị Thành ở xã An Vĩnh, Lý Sơn (Quảng Ngãi) làm rau giá bằng đậu ngự. Những cọng giá đậu ngự gieo nổi trên cát “phổng phao” gấp nhiều lần so với cọng giá làm theo cách thông thường khiến du khách đặc biệt ấn tượng khi được thưởng thức. Không những thế, loại rau này còn là thực phẩm thiết yếu vào mỗi mùa mưa bão, khi rau xanh đất liền không thể theo tàu ra đảo.

25/04/2014
Đồng Tháp Phát Triển Sản Xuất Theo Quy Chuẩn GAP - Xu Hướng Cần Thiết Đồng Tháp Phát Triển Sản Xuất Theo Quy Chuẩn GAP - Xu Hướng Cần Thiết

Nhằm tăng sản lượng trên cùng đơn vị diện tích, việc sản xuất thâm canh đã được nông dân áp dụng. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến thực trạng có người lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), trong khi nhu cầu thị trường hiện nay là sử dụng sản phẩm sạch.

25/04/2014