Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Cá Bống Tượng Lồng Bè Gắn Với Ao

Nuôi Cá Bống Tượng Lồng Bè Gắn Với Ao
Ngày đăng: 24/12/2011

Từ bài viết về “Nuôi cá bống tượng mùa lũ” (Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam, 12/10/2011), mô hình nuôi cá bống tượng lồng bè của anh Sáu Công (xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành) đã mang lại lợi nhuận nhất định. Tuy nhiên vẫn có nhiều hộ trong vùng đã không thể tiếp tục nuôi loài cá này vì thua lỗ, mặc dù giá cá loại 1 dao động từ 350.000 - 450.000đ/kg, rất hấp dẫn (thương lái thu mua tại hộ nuôi). Đã nhiều bài viết về kỹ thuật nuôi cá bống tượng trong ao, lồng, bè, bể.., Nhưng mấu chốt về kỹ thuật, chính là con giống và biện pháp thuần dưỡng.

Với tư chất của nông dân Nam Bộ là cần cù sáng tạo “cái khó không bó cái khôn” nhiều nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và từ đó, nhiều hình thức nuôi thâm canh ra đời nhằm khắc phục nhược điểm của những loại hình nuôi trước.

Đây là loài cá ăn động vật tươi sống nhưng có tập tính bắt mồi thụ động. Theo kinh nghiệm nuôi của “Vua” cá bống tượng Tám Tiếu (Tiền Giang) cho biết: “Cho ăn một lần, cá nhịn ba tháng” (Thanh Tâm - Báo KHPT, 28/5/2004) bằng cách thả cá bạc đầu hoặc một số loài thủy sản nước ngọt có khả năng sinh sản nhiều lần trong năm như tép, cá sặc, rô phi, cá bảy màu, ... tạo nguồn thức ăn có sẵn làm mồi cho cá.

Cá bống tượng có tập tính sống ở đáy, ban ngày thường vùi mình xuống bùn, hang hốc, cống bọng. Khi gặp nguy hiểm, cá có thể chúi xuống bùn sâu đến 1m, có thể sống ở đó hàng chục giờ. Chính vì vậy các hộ nuôi gặp nhiều bất lợi khi thu hoạch cá nuôi ao, không kể đến cá nuôi thất thoát do bờ ao nhỏ, nhiều lỗ mọi và hang hốc. Môi trường nuôi yên tĩnh cũng là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của mô hình. Nuôi cá trong lồng gắn liền với ao sẽ thỏa mãn được đặc điểm này của cá (cá không bị stress do tác động các loại giao thông thủy trên sông rạch).

Xuất phát từ các lồng bè đặt trong kinh rạch chịu tác động xấu bởi nguồn nước ô nhiễm (do nhiễm thuốc bảo vệ thực vật…từ các cánh đồng rút nước chuẩn bị gieo sạ), hộ nuôi đã chuyển lồng cá từ kinh rạch vào đặt trong ao nhằm hạn chế hiện tượng chết hàng loạt của cá khi đạt đến kích cỡ có thể xuất bán. Chúng tôi xin giới thiệu loại hình nuôi mới: Nuôi cá bống tượng lồng (vèo) đặt trong ao.

So với hình thức nuôi lồng trong kinh rạch, hình thức này có nhiều ưu điểm như môi trường nuôi yên tĩnh, ổn định, sử dụng thuốc một cách hiệu quả và xử lý dịch bệnh thuận lợi hơn. Việc kết hợp chặt chẽ nuôi lồng và ao đã nâng cao hiệu quả mô hình: Một số hộ nuội tại các huyện An Phú, Tân Châu, Châu Thành ứng dụng thành công mô hình … Các hộ nuôi tận dụng ao có diện tích vài trăm m2 bố trí lồng vèo nuôi cá (chiếm 30-50% diện tích ao) tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình.

Mặc dù cùng là loài cá ăn động vật tươi sống nhưng đầu tư nuôi cá bống tượng sẽ an nhàn hơn so với cá lóc, do tính ăn của cá, tốc độ tăng trưởng trung bình chậm (để đạt kích cỡ thương phẩm 400-500 gam/con, cá giống có trọng lượng 100gr/con cần nuôi trong ao từ 5-8 tháng, nuôi trong bè từ 5-6 tháng). Mô hình rất thích hợp với nhiều tầng lớp trong xã hội từ cán bộ hưu trí đến anh chị công chức kể cả nông dân bận rộn nhiều việc. Chỉ cần bỏ ra một giờ trong ngày và 1 ngày trong tuần sẽ tận dụng được ao nuôi diện tích nhỏ kém hiệu quả.

Chúng tôi xin giới thiệu một số biện pháp kỹ thuật nuôi cá bống tượng lồng  trong ao nước tĩnh.

1. Vị trí ao nuôi

- Nguồn nước cấp chủ động sạch, dồi dào, đủ cung cấp suốt thời gian nuôi cá.

- Ao có diện tích từ vài trăm m2; đất phải giữ được nước (mức nước thấp nhất 1,5-1,8 m vào mùa khô), không có phèn tiềm tàng: Độ pH thích hợp từ 6,5- 8

2. Thiết kế lồng - vèo

- Kích thước lồng tre – vèo lưới : 2 x 3 x 2m hoặc 3 x 4 x 2m

- Lồng tre và vèo lưới treo và cố định tại các điểm nhất định trong ao.

- Lồng tre: Nguyên vật liệu chính là tre và lưới. Lồng tre có hình hộp, đóng kín các mặt bằng nẹp tre kẻ thưa và lưới bên trong, phía trên có nắp để tiện kiểm tra và cho cá ăn.

- Vèo lưới: Nguyên vật liệu chính là lưới Thái có mắc lưới 0,5 – 4cm tùy thuộc vào kích cỡ cá thả.

- Bố trí thêm chà cây bó, ống tre hoặc ống nhựa trong lồng (vèo) tạo nơi trú ẩn cho cá.

3. Con giống và thời vụ thả cá

Con giống chất lượng sẽ quyết định hiệu quả của mô hình, hiện nay có thể sử dụng cá giống sinh sản nhân tạo hoặc cá giống tự nhiên.

Cá giống sinh sản nhân tạo

• Chọn cá giống có kích cỡ 4 - 5cm

• Ương giống đạt trọng lượng từ 50 gam trở lên: Thời gian ương từ 3 -4 tháng, cá đạt kích cỡ từ 50-100gam

Cá giống tự nhiên:

Do cá được khai thác bằng nhiều hình thức khác nhau nên có nhiều kích cỡ khác nhau. Con giống sau khi cần ương, dưỡng trong bể từ 10 - 15 ngày trước khi bố trí theo kích cỡ thích hợp:

- Dưới 30 gam

- Từ 30 -70 gam

- Từ 70  - 150 gam

- Từ 160- 250 gam

Nên  chọn cá đồng cỡ, nhiều nhớt, không dị hình, không bị chích điện, mắc câu lưới.Đầu và mình cá cân đối, màu sắc sáng rõ, không trầy sướt, vi đuôi không tưa rách, không có ký sinh trùng đeo bám, phần bụng và rốn cá không xuất huyết. Khi lật ngữa cá lên thì cá phồng mang, đuôi xòe. Khi đặt cá đang ở trong nước thì nằm sát đáy. Ngâm cá vào dung dịch Xanh Methylen thì không có vết thấm màu.

Tắm cá trước khi thả vào bể ương dưỡng hoặc mô hình bằng nước muối 2-3% từ 5-10 phút. Mùa vụ thả cá: Quanh năm, hạn chế thả cá vào các thời điểm giao mùa. Mật độ thả: 5-10 con/m2 lồng (vèo)

4. Thức ăn và cách cho ăn:

Ngoài loại thức ăn tươi sống do hộ nuôi cung cấp, cá còn tận dụng loại thủy sản tạp khác sống trong ao làm thức ăn. Cá tươi loại bỏ ruột và cắt nhỏ cho vừa khẩu độ của cá.

- Cá có tập tính ăn vào ban đêm, nên cho ăn vào buổi chiều (từ 17-18h) và tần suất cho ăn 1 lần /ngày.

- Dụng cụ cho cá ăn là sàn tre đan thưa, nhẵn hoặc bằng sàn lưới cước được đặt cách mặt nước 40-50cm. Vệ sinh sàn ăn thường xuyên để tránh nấm bệnh có thể ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của cá.

- Hệ số tiêu tốn thức ăn (FCR) từ 5-8 tùy theo loại và chất lượng thức ăn cung cấp. Thức ăn cho vào sàn, sau 1 giờ kiểm tra lại: Tùy theo khả năng bắt mồi của cá mà điều chỉnh lượng thức ăn thích hợp.

- Khẩu phần ăn hằng ngày: 3-7% trọng lượng cá nuôi.

5. Chăm sóc quản lý:

Một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của mô hình: Chất lượng nước. Theo Kỹ sư Hồ Văn Thắng - Trung tâm Giống Thủy Đặc sản Phước Long  (Dự án nuôi công nghiệp cá bống tượng TP. Hồ Chí Minh, 10/2005)

Chất lượng nước sử dụng cho ao nuôi cá bống Tượng

Nhiệt độ            pH             Oxy hoà tan( mg/lit)      NH3(mg/lít)       Nitrite(mg/lít)      H2S(mg/lít)     Độ cứng(CaCO3)(mg/lít)

26-32oC         7.0-8.5                       > 3                        

Cá có tập tính nằm sát đáy ao hoặc trong hang hốc rình bắt mồi nên dễ bị ký sinh trùng đeo bám, nên cần có kế hoạch chăm sóc cá:

- Định kỳ 10 ngày/lần, dùng lá xoan treo trong lồng, nhằm phòng bệnh ký sinh.

- Cần quan sát - theo dõi hoạt động của cá nhằm phát hiện bệnh sớm và có kế hoạch điều trị kịp thời.

- Định kỳ 7 ngày /lần, sử dụng  muối hoặc vôi xen kẻ với nhau, theo liều lượng 1kg/10m2 lồng.

- Cho cá ăn vừa đủ về lượng, tốt về chất. Không sử dụng thức ăn ươn thối cho cá ăn.

- Định kỳ vệ sinh 1 lần/tuần và vét lớp thức ăn dư rơi vãi, phù sa ở đáy lồng và cùng với việc sử dụng men vi sinh cải thiện nền đáy ao.

- Bổ sung các loại vitamin, premix cần thiết cho cá theo từng giai đoạn phát triển.

- Định kỳ trao đổi nước 5-10 ngày/ lần tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của cá nuôi.

- Có thể sử dụng một số loại thảo dược thích hợp để phòng bệnh.

6. Thu hoạch:

- Cá nuôi sau 4 -12  tháng, có thể thu hoạch, tùy thuộc vào kích cỡ cá thả nuôi.

- Áp dụng biện pháp thu tỉa cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (> 400 gam) theo từng lồng.

- Sửa chữa và vệ sinh lồng bè theo đúng yêu cầu kỹ thuật trước khi bắt đầu vụ nuôi mới.

Trên đây là một số kinh nghiệm nhỏ trong quá trình tác nghiệp, rất mong được sự chia sẻ kinh nghiệm của quý đồng nghiệp cùng các độc giả để trang Web của chúng ta càng ngày càng đa dạng và phong phú hơn.


Có thể bạn quan tâm

Gắn kết nông dân cùng sản xuất, tiêu thụ Gắn kết nông dân cùng sản xuất, tiêu thụ

Ngày 23/5, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn – tọa đàm “Kỹ năng tổ chức hoạt động hội, lập kế hoạch sản xuất và nâng cao năng lực tiếp cận thị trường” cho Ban Chấp hành các Hội chăn nuôi – tiêu thụ gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà đồi Sơn Tây, trứng vịt Liên Châu, vịt Vân Đình.

26/05/2015
Toàn tỉnh Bình Định có 79 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm Toàn tỉnh Bình Định có 79 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm

Theo Sở NN&PTNT, gần đây, chăn nuôi trang trại sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Định phát triển nhanh về số lượng và quy mô, tạo thu nhập đáng kể cho người dân trong tỉnh.

26/05/2015
Hiệu quả mô hình ủ chua thức ăn trong chăn nuôi bò Hiệu quả mô hình ủ chua thức ăn trong chăn nuôi bò

Trong những năm trở lại đây, đàn bò trên địa bàn huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) ngày càng phát triển với tổng đàn gần 13.500 con. Để đàn bò phát triển tốt, tháng 10-2014, Phòng Nông nghiệp huyện đã triển khai mô hình “Ủ chua thức ăn” trong chăn nuôi bò, nhằm tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như rơm, thân cây mỳ, cây bắp… để chế biến làm thức ăn, tăng hàm lượng dinh dưỡng.

26/05/2015
Ngược xu thế Ngược xu thế

Ngày 18-5-2015, Báo SGGP có bài “Tự làm khó…” nêu những khó khăn mà ngành chăn nuôi gặp phải, không chỉ vì tự thân ngành mà còn do những quy định “trói chân” doanh nghiệp (DN). Ngày 22-5, dù đang đi Hà Lan và Đan Mạch, anh Âu Thanh Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Duy Cường (Đồng Nai) cũng trao đổi thêm với chúng tôi một số ý để làm sáng tỏ hơn về những quy định ngược xu thế này.

26/05/2015
Đốt bỏ 1.000 ha mía tím kịch bản dưa hấu, hành tím lặp lại Đốt bỏ 1.000 ha mía tím kịch bản dưa hấu, hành tím lặp lại

Khoảng 1.000 ha mía tím ở Hòa Bình khó tiêu thụ có thể phải chuyển sang làm giống hoặc hủy bỏ để lấy đất làm vụ mới.

26/05/2015