Trang chủ / Gia súc-Gia cầm / Nuôi bò

Nuôi bò khổng lồ thức ăn cho bò

Nuôi bò khổng lồ thức ăn cho bò
Tác giả: Báo Nông Nghiệp Việt Nam
Ngày đăng: 10/11/2015

- Thức ăn tinh: Cám gạo có hàm lượng can xi thấp, photpho cao. Sử dụng ≤ 30% cám gạo tốt trong thức ăn tinh.

Bột ngô là thức ăn giàu năng lượng nhưng nghèo khoáng, đặc biệt là canxi và photpho.

Bột ngô nghiền dùng 20 – 30% trong hỗn hợp tinh.

Bột sắn là thức ăn giàu năng lượng nhưng nghèo khoáng. Bột sắn dùng 15 – 25% trong hỗn hợp tinh.

Các loại khô dầu rất tốt cho bò tuy nhiên những khô dầu ép thủ công còn chứa nhiều dầu nên dễ bị mốc. Khô dầu dùng 10 – 20% trong hỗn hợp tinh.

Bột cá là nguồn đạm quý trong chăn nuôi. Tuy nhiên dùng nhiều bột cá sữa sẽ có mùi tanh. Dùng ≤ 5% trong hỗn hợp thức ăn tinh.

- Thức ăn thô:

+ Thức ăn xanh (cỏ trồng và cỏ tự nhiên). Cỏ trồng năng suất cao, chất lượng ổn định, chủ động khi cung cấp.

Cỏ tự nhiên chủ yếu là cỏ hoà thảo, năng suất thấp, chất lượng cỏ phụ thuộc nhiều vào thời vụ. Sử dụng 40 - 50kg cỏ/bò trưởng thành hoặc 10 - 12% khối lượng cơ thể trong ngày.

+ Thức ăn củ quả: Là thức ăn giàu nước, bột đường, các vitamin A; C và nhóm B. Thức ăn có mùi thơm nhưng nghèo đạm và khó dự trữ.

Là thức ăn dễ tiêu hoá, vì vậy cho bò ăn 3 - 5 kg/con/ngày, cho ăn làm nhiều lần. Một số củ quả hay dùng như: củ sắn tươi, củ khoai lang tươi, cà rốt, bí đỏ.

- Thức ăn phụ phẩm:

Bã bia: Giàu nước, nhiều đạm - khoáng và vitamin, thơm và kích thích tính thèm ăn của bò. Cho ăn 10 – 15 kg/con/ngày chia làm nhiều bữa.

Bã đậu: Giàu nước, đạm 4,19%; mỡ 1,86%, tỉ lệ tiêu hoá cao. Cần đun chín trước khi cho ăn. Bã đậu có men phân giải urê cho nên không cho ăn sống với thức ăn có urê. Cho ăn 5 - 10 kg/con/ngày.

Bã sắn: Rất nghèo đạm, nhiều xơ. Bã sắn để lâu cho ăn dễ gây rối loạn tiêu hoá. Cho bã sắn vào bể ủ kín có thể dự trữ được 2 - 3 tháng. Cho ăn 5 - 8 kg/con/ngày.

Gỉ đường là thức ăn giàu năng lượng, ngon miệng. Cho ăn 1 - 2 kg/con/ngày. Có thể tưới gỉ đường vào rơm cỏ khô, bã sắn hoặc ủ cây.

Ngoài ra còn có phụ phẩm nông nghiệp như rơm, thân cây ngô già, thân lá lạc, ngọn mía, vỏ dứa... Đây là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng thấp, tỷ lệ tiêu hoá thấp và thu hoạch theo thời vụ.

Vì vậy cần được chế biến hoặc dự trữ.

Rơm: Tỷ lệ chất xơ rất cao, tỷ lệ tiêu hoá thấp. Dùng lúc thiếu cỏ. Khối lượng 6 - 7kg.

Để nâng cao tỷ lệ tiêu hoá cần chế biến rơm. Ủ rơm với urê hoặc ủ với urê và vôi bột. Có thể ủ trong túi nilon hoặc bể.

Phương pháp ủ: Rơm khô + urê 3 - 5% (hoặc urê 2 - 3%, vôi bột 2%) hoà vào nước, tỷ lệ 1 rơm/1 nước.

Rơm trải đều, tưới dung dịch nước có urê (hoặc urê và vôi), đưa rơm đã tưới vào túi hoặc bể từng lớp 20 - 30cm và nén chặt.

Đến khi rơm đầy túi thì buộc chặt (nếu ủ trong bể thì dùng nilon phủ và lấp đất chặt. Sau khi ủ 15 - 20 ngày (thời tiết nóng là 15 ngày, nếu lạnh sau 20 ngày) lấy rơm cho bò ăn.

Sau mỗi lần lấy buộc chặt hoặc lấp kín lại. Bước đầu cho bò tập ăn ít, sau tăng dần đến cho ăn tự do. Có thể tưới thêm gỉ đường, muối (50 - 60 gam/con/ngày) vào rơm khi dùng.

Rơm tươi + urê 1,5% rắc trực tiếp (nếu rơm phơi tái thêm nước tuỳ mức độ khô của rơm).

Thân cây ngô là thức ăn xanh rất tốt cho bò. Có thể dùng làm thức ăn xanh khi cây còn non. Khi cây ngô già giá trị dinh dưỡng thấp, khó tiêu hoá nên cần phải xử lý.

Ủ dự trữ cây ngô: Cây ngô chín sáp (hạt ngậm sữa) được cắt ngắn 2 - 5cm; gỉ đường hoặc bột ngô (bột sắn; cám hỗn hợp) 1,5 - 2%; muối ăn 0,5 - 1%.

Cách làm: Trải 1 lớp cây dày 20 - 30cm, tưới gỉ đường hoặc rắc bột ngô (bột sắn; cám hỗn hợp) và muối nén chặt trong túi nilon dày hoặc bể. Làm từng lớp tới khi đầy bể hoặc túi.

Nếu ủ bể: Cây đầy trên mặt bể 20 - 30cm hình mui rùa; phủ một lớp nilon; dùng đất phủ lên trên và nén chặt.

Nếu ủ túi: Dùng máy hút bụi hút hết không khí trong túi và buộc chặt. Sau khi ủ 15 - 20 ngày bắt đầu lấy cho bò ăn. Khối lượng ăn 15 - 20 kg/con/ngày. Đậy kín sau mỗi lần lấy.

Chế biến cây ngô già: Cây ngô già cắt ngắn 2 - 5cm có thể ủ với gỉ đường hoặc bột ngô (bột sắn; cám hỗn hợp) 1,5 - 2%; muối ăn 0,5 - 1%; urê 0,5% với cách làm trên.

Cũng có thể ủ với 3 - 5% urê, phương pháp như ủ rơm.

Thân lá lạc: Là thức ăn giàu đạm, dầu nên khó bảo quản. Có thể dùng tươi. Dự trữ bằng cách sấy khô hoặc ủ lẫn với cây ngô.

- Thức ăn bổ sung:

Urê: Cung cấp đạm cho riêng bò, 1 gram urê tương đương 6,25 gram đạm thô. Có thể trộn urê vào rơm hoặc cỏ khô. Cũng có thể trộn urê với cám hỗn hợp; gỉ đường cho bò ăn.

Khối lượng urê dùng 20 - 30 gram/100 kg khối lượng bò, tối đa không quá 150 gram. Dùng urê tỷ lệ 1% trong thức ăn tinh; 0,5% trong ủ cây.

Chú ý khi sử dụng urê: Chỉ sử dụng cho khẩu phần nghèo đạm đủ năng lượng. Không dùng cho bê dưới 6 tháng tuổi. Không hoà urê vào nước cho uống. Bò chưa dùng urê phải tập ăn từ ít đến nhiều

. Cho bò ăn thức ăn có urê làm nhiều lần trong ngày. Bò ngộ độc urê có triệu chứng hoảng sợ, run cơ, chảy nước rãi. Cho bò ngộ độc uống nước dưa chua, dấm loãng và nước đường.

Hỗn hợp khoáng – vitamin (premix), có thể dùng bột xương tốt, khoáng (dicanxi photphat; tricanxiphotphat), hỗn hợp vitamin ADEK trộn vào thức ăn theo chỉ dẫn. Có thể dùng khối đá liếm cho bò.


Có thể bạn quan tâm

Kỹ Thuật Dự Trữ Thức Ăn Vụ Đông Cho Trâu, Bò Kỹ Thuật Dự Trữ Thức Ăn Vụ Đông Cho Trâu, Bò

Thức ăn thô xanh chiếm vị trí rất quan trọng đối với gia súc ăn cỏ nói chung và gia súc nhai lại nói riêng và chiếm đến 80% khẩu phần thức ăn hàng ngày của gia súc.

26/04/2014
Kỹ Thuật Nuôi Bê Sữa Cái Bằng Sữa Bột Công Nghiệp Kỹ Thuật Nuôi Bê Sữa Cái Bằng Sữa Bột Công Nghiệp

Để mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con nông dân đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong đó chăn nuôi bê con bằng sữa bột là một trong những phương pháp mang lại hiệu quả cao, đã và đang được người dân áp dụng phổ biến.

23/07/2014
Cách xác định bò động dục và thời điểm phối giống thích hợp cho bò cái Cách xác định bò động dục và thời điểm phối giống thích hợp cho bò cái

Để giúp bà con chăn nuôi xác định đúng thời điểm động dục của bò cái, chúng tôi xin giới thiệu một số dấu hiệu nhận biết như sau.

18/07/2015