Nuôi Baba - Hướng Làm Giàu Mới
Những năm qua, nhờ chuyển đổi cơ cấu vật nuôi mà nhiều nông dân nghèo trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái) đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, trong đó mô hình nuôi ba ba thương phẩm được nhiều người lựa chọn vì đem lại thu nhập cao.
Minh Xuân là xã phát triển rất mạnh mô hình nuôi ba ba thương phẩm ở huyện Lục Yên, một trong những hộ nuôi ba ba đầu tiên là gia đình anh Ma Văn Biểu ở thôn 7. Nhà anh có 1ha ao, trước đây, chỉ nuôi cá nhưng hiệu quả kinh tế thấp, chưa kể khi dịch bệnh xảy ra, đàn cá chết la liệt. Qua tìm hiểu nhiều nơi, thấy mô hình nuôi ba ba đem lại hiệu quả kinh tế cao, năm 1996 anh Biểu quyết định mạnh dạn nuôi thử. Anh tâm sự: "Tôi bỏ ra số vốn khá lớn đầu tư xây dựng hệ thống ao sạch sẽ, đảm bảo môi trường nước đủ ôxy, không bị nhiễm khuẩn. Nhưng chưa đầy một năm, cứ thấy khoảng 2-3 ngày lại có một con chết nổi lên mặt nước, cứ như vậy trong vòng 2 tháng, do không hiểu biết nhiều về dịch bệnh ba ba nên tôi mất ăn mất ngủ cả tháng trời".
Tuy nhiên, không nản lòng, anh Biểu một lần nữa khăn gói sang huyện Văn Chấn học hỏi kinh nghiệm, ròng rã suốt 1 tháng trời, anh trở về quê làm lại từ đầu. Năm 2007, anh mua hơn 200 con ba ba trơn về nuôi vì giống này chăm sóc đơn giản, ít tốn công sức, thức ăn chủ yếu là cá, tôm, tép, ốc, sinh trưởng khá nhanh... Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng trời cũng không phụ công người, năm ngoái, anh đã bán lứa ba ba đầu tiên, thu về hơn 70 triệu đồng: "Bao công sức bỏ ra cuối cùng cũng có ngày hái quả, tôi nhận ra nuôi ba ba phải kiên trì, không thì rất dễ thất bại", anh Biểu chia sẻ.
Không chỉ gia đình anh Biểu, đến nay, toàn xã Minh Xuân có 13 hộ áp dụng mô hình này với 2 loại giống là ba ba trơn và gai, loại trơn được nuôi khá phổ biến ở Minh Xuân, vì theo anh Hoàng Văn Sôn ở thôn 6, người có kinh nghiệm trong nuôi ba ba thì ba ba trơn nuôi nhanh hơn, chỉ một năm là bán được, giá dao động từ 400.000-500.000 đồng/kg, nên sẽ quay vòng vốn nhanh hơn. Chị Hoàng Thị Nhít ở thôn 6 tâm sự: "Tôi chủ yếu nuôi ba ba trơn, ba ba gai giống đắt, mỗi con trung bình trên 500.000 đồng, phải nuôi mất gần 3 năm mới được bán. Nếu vốn ít thì nuôi ba ba trơn hiệu quả hơn, con giống chỉ khoảng 30.000 đồng nhưng lại nhanh được tiêu thụ, lợi nhuận cũng khá cao".
Khi được hỏi về thị trường tiêu thụ loại sản phẩm này, những người nuôi ba ba ở Minh Xuân đều vui vẻ cho biết: "Gì chứ, ba ba thì lúc nào các nhà hàng ở thị trấn Yên Thế, cả bên Hà Giang cũng đặt mua, nhiều khi không có mà bán, vì không những là một loại đặc sản mà ba ba còn là vị thuốc, ngăn ngừa được nhiều loại bệnh, vì thế chưa khi nào chúng tôi phải lo đầu ra của sản phẩm".
Ông Nguyễn Ngọc Quảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Minh Xuân cho biết: "Nhiều năm qua, chính quyền xã thường xuyên vận động nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, trong đó thành công nhất là mô hình nuôi ba ba. Trong thời gian tới, xã sẽ xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình này, giúp bà con có cuộc sống ấm no hơn". Đến nay, mô hình nuôi ba ba đã phát triển ra nhiều địa phương khác trong huyện như thị trấn Yên Thế, các xã Liễu Đô, Yên Thắng…
Với hướng phát triển của mô hình này, trong tương lai không xa, ba ba sẽ là nguồn thu nhập chính của người dân xã Minh Xuân nói riêng, huyện Lục Yên nói chung
Có thể bạn quan tâm
Tổ hợp tác (THT) nghề nuôi cút xã Long An (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) do các cựu chiến binh (CCB) làm nòng cốt.
Nung nấu ý định phát triển nghề chăn nuôi gà đã lâu, nhưng do nguồn vốn ít, nên năm 1996, vợ chồng anh Võ Thanh Thanh (thôn Trà Giang 3, xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) chỉ mua 40 gà con giống Lương Phượng về nuôi.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ dành khoản tín dụng khoảng 80.000 tỉ đồng cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2020.
Ngày 10/11, Cục Chăn nuôi phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi các tỉnh phía Bắc với sự tham gia của 9 tỉnh, TP khu vực phía Bắc.
Thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng hóa, nhiều năm qua nông dân trên địa bàn huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã đưa vào chăn nuôi, trồng trọt nhiều loại cây trồng và vật nuôi đem lại giá trị kinh tế thiết thực.