Nuôi Ba Ba Gai Ở Gia Bình (Bắc Ninh)
Trong những năm gần đây, các mô hình nuôi trồng thủy sản ở huyện Gia Bình (Bắc Ninh) ngày càng phát triển với nhiều loại vật nuôi mới mang hiệu quả kinh tế cao, trong đó phải kể đến loài ba ba gai. Không chỉ nuôi thành công ba ba gai theo hướng thương phẩm, một số mô hình đã bước đầu sản xuất được ba ba gai giống, mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân.
Sau 1 năm thực hiện, dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm ba ba gai đạt năng suất cao tại Bắc Ninh” do Sở Khoa học & Công nghệ phối hợp với Công ty TNHH VAC Nam Hà thực hiện tại xã Bình Dương, huyện Gia Bình bước đầu đã thu được những kết quả tích cực. Dự án đã nuôi thành công ba ba theo hướng thương phẩm và sản xuất được ba ba gai giống, có thể phục vụ xuất khẩu và cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Dự án được hỗ trợ xây dựng cải tạo 1 ao nuôi ba ba gai bố mẹ, 1 ao nuôi con giống, khu vực sinh sản nhân tạo, khu ấp trứng, khu bể ươm ba ba gai giống, 300 con giống bố mẹ với tổng trọng lượng 300 kg, tổng diện tích dự án gần 1 ha mặt nước. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ kinh phí tổ chức cho 20 người tham quan học tập, đào tạo 2 kỹ thuật viên về kỹ thuật nuôi ba ba gai thương phẩm và hỗ trợ về khoa học kỹ thuật. Mục đích dự án nhằm nâng cao hiệu quả vùng chuyển dịch ruộng trũng sang nuôi trồng thuỷ sản, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, thuộc chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015.
Ưu điểm của giống ba ba gai là trọng lượng lớn, sau thời gian nuôi 2 năm ba ba đạt trọng lượng từ 3 đến 5 kg. Đặc biệt, ba ba cái nuôi 3 đến 4 năm đạt trọng lượng 3 - 4 kg mới sinh sản, trong khi ba ba thường nuôi hơn 1 năm thì trọng lượng chỉ khoảng 0,5 kg là sinh sản nên giá trị thấp. Ba ba gai có chất lượng thịt ngon, thơm hơn các loại ba ba thông thường, giá ba ba gai thương phẩm trên thị trường hiện tại là 800.000 đồng/kg (có thời điểm lên đến 1.600.000 đồng/kg).
Theo ông Nguyễn Duy Kiếm, Giám đốc Công ty TNHH VAC Nam Hà, tuy có giá trị kinh tế cao, song ba ba gai lại là loài có kỹ thuật nuôi tương đối khó, đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ quy trình rất nghiêm ngặt như: trước khi thả giống cần chuẩn bị ao, bể nuôi bảo đảm nguồn nước và chất đáy sạch, cần thả giống sớm để tranh thủ hết các tháng có nhiệt độ sinh trưởng thích hợp nhất, cỡ giống thả từ 100 - 200 gam/con.
Trong một ao thả cùng cỡ chọn ba ba giống khỏe mạnh, không mang mầm bệnh, mua từ các cơ sở dịch vụ giống đáng tin cậy, mật độ nuôi từ 1 - 5 con/m2. Thức ăn chủ yếu của ba ba gai là các loại cá tạp, ốc... và cần phải rửa sạch thức ăn trước khi cho ăn. Ngoài ra, cần phải định kỳ thay nước cho ao nuôi 7 ngày 1 lần hoặc khi nước ao bẩn, cần bảo đảm yên tĩnh, hạn chế đánh bắt làm ba ba hoảng sợ. Sau một thời gian nuôi, nên phân loại nuôi riêng để hạn chế tình trạng ba ba sát hại nhau.
Bên cạnh đó, cần phải thực hiện tốt nguyên tắc phòng bệnh cho ba ba: cải tạo ao đúng kỹ thuật trước khi thả; chọn giống đồng đều, không bị xây xát, dị tật; thả nuôi đúng mật độ, không thả quá dày; cho ăn đủ lượng và đủ chất, định kỳ bổ sung thêm vitamin, chất khoáng để tăng sức đề kháng cho ba ba nuôi, đồng thời thường xuyên theo dõi và kiểm tra chặt chẽ các yếu tố môi trường, kịp thời xử lý khi ba ba xuất hiện triệu chứng bệnh.
Ngoài nuôi ba ba gai thương phẩm, mô hình còn phát triển việc nuôi ba ba gai lấy giống. Từ kinh nghiệm thực tế cùng với việc nghiên cứu tài liệu và học tập qua các lớp tập huấn kỹ thuật, công ty Nam Hà đã làm chủ được kỹ thuật nhân nuôi giống ba ba gai. Thời gian ba ba gai đẻ trứng thường từ cuối tháng 3 đến tháng 10, với 100 cặp ba ba bố mẹ mỗi năm cho hơn 6.000 trứng, tỷ lệ ấp thành công lên đến hơn 95%, tạo thuận lợi và giảm giá thành, mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân.
Hiện nay, rất nhiều hộ nông dân cả trong và ngoài địa phương muốn đầu tư nuôi ba ba gai, song lại gặp khó khăn do việc đầu tư nuôi rất tốn kém. Trên thị trường hiện nay, giá giống ba ba gai 300 - 350 nghìn đồng/con, có thời điểm lên tới 800 nghìn đồng/con giống (năm 2011). Trong khi đó, thời gian sinh trưởng của ba ba lại dài, từ 2,5 - 3 năm tùy thuộc vào con giống và điều kiện chăm sóc; chi phí cho thức ăn cao, khoảng 10 nghìn đồng/con/tháng, không kể phần thức ăn tự kiếm thêm. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần quan tâm tạo điều kiện hơn nữa trong việc hỗ trợ lãi suất vốn vay, đồng thời tăng cường tập huấn kỹ thuật giúp nông dân chủ động trong quá trình nuôi ba ba.
Có thể bạn quan tâm
Trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, nếu môi trường không được xử lý tốt sẽ lập tức bị ô nhiễm bởi lượng thức ăn dư thừa, xác chết của một số đối tượng nuôi, chất thải của các đối tượng nuôi...
CHLB Đức hiện đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong số các nước EU, vì vậy có thể nói Đức thực sự là thị trường tiềm năng rất đáng quan tâm để mở rộng xuất khẩu.
Sau nhiều năm nuôi heo, nuôi bò sinh sản hiệu quả kinh tế thấp, năm 2004, vợ chồng anh Nguyễn Văn Vừa (ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, Bình Dương) đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi bò sữa và gặt hái được kết quả ngoài mong đợi.
Sáng 5/5, tại Hợp tác xã Nông nghiệp Sịa 1 (huyện Quảng Điền), Trường đại học Nông lâm Huế tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả mô hình khảo nghiệm giống lúa lai Japonica (tên gọi khác là “Huế số 1”) có nguồn gốc từ Nhật Bản (đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép sản xuất tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên).
Ông Nguyễn Vĩnh Thành, Giám đốc ngành hàng ca cao thuộc Tập đoàn Cargill Việt Nam cho biết, dù năng suất ca cao Việt Nam vào loại khá trên thế giới nhưng người trồng ca cao Việt Nam chỉ so sánh giá hạt ca cao với các loại cây trồng khác để đánh giá hiệu quả kinh tế.