NTM ở Quảng Ngãi Bệ phóng là dồn điền đổi thửa
Tập trung dồn điền đổi thửa
Theo chính quyền xã Bình Thới, công tác dồn điền đổi thửa ban đầu gặp rất nhiều khó khăn do nông dân (ND) có tâm lý lo sợ “bờ xôi ruộng mật” của mình bị đổi lại thành ruộng xấu nên không đồng thuận. Hội ND xã đã phối hợp cùng với các hội đoàn thể, chính quyền thôn tổ chức nhiều lượt để tuyên truyền, giải thích cho hội viên, ND hiểu rõ lợi ích của việc dồn điền, đổi thửa. Đồng thời, giao cho ND thảo luận, bàn cách thức dồn điền đổi thửa sao cho công bằng nhất.
Việc đưa cơ giới hóa cũng như các loại giống cây trồng mới vào trồng trọt đã giúp cho bà con ND Bình Thới có thu nhập khấm khá hơn.
Ông Nguyễn Đảm - xóm trưởng xóm 3, thôn An Châu nói rõ: Để công tác dồn điền đổi thửa nhận được sự đồng thuận của ND, xóm đã thống nhất cử tổ đại diện cùng với chính quyền địa phương đi khảo sát, đo đạc, phân loại đất. Sau đó họp dân, góp ý, đo đạc lại lần nữa rồi mới thống nhất phân chia, bốc thăm theo nguyên tắc: Hộ nào bốc thăm trúng đất ruộng xấu sẽ được bù thêm từ 50-100m2 diện tích đất. Cách làm này, tuy không hài lòng được hết tất cả nhưng có đến 85-90% mọi người ủng hộ. Sau khi hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, các hộ dân bắt tay vào chỉnh trang, cải tạo độ phì nhiêu cho thửa đất của mình.
Đến cuối năm 2014, công tác dồn điền, đổi thửa ở xứ đồng xóm 3 thôn An Châu hoàn thành, ND bắt tay vào trồng trọt, sản xuất. Nói về lợi ích của việc làm này, ND Đỗ Văn Hiếu (xóm 3, thôn An Châu) phấn khởi cho biết: Nếu như trước đây gia đình tôi có đến 4 thửa đất ở khắp các nơi trên đồng, việc sản xuất, thu hoạch, thăm đồng gặp rất nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian thì giờ đây tôi chỉ có một thửa đất rộng rất dễ áp dụng cơ giới hóa. Hơn nữa, sau khi dồn điền đổi thửa, nạn chuột cắn phá lúa cũng được hạn chế rất nhiều… nên năng suất cây trồng từ đó cũng được nâng lên. Thấy hiệu quả rõ rệt, ND các xứ đồng khác đều mong muốn địa phương đầu tư công tác dồn điền đổi thửa cho xóm của mình. Nhờ vậy mà từ năm 2014 đến nay, toàn xã đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 60ha đất, dự kiến trong năm 2016 sẽ tiếp tục dồn điền, đổi thửa 50ha đất ruộng ở xứ đồng xóm 7 và 8 thôn Giao Thủy..
Đưa cơ giới hóa, giống mới vào đồng ruộng
Qua dồn điền đổi thửa, địa phương đã xây dựng được cánh đồng mẫu lớn rộng 80ha, đưa giống lúa lai, chất lượng cao vào sản xuất. Đồng thời quy hoạch, tái cơ cấu ngành lại nông nghiệp, khuyến khích ND áp dụng cơ giới hóa vào khâu sản xuất, thu hoạch; đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi... Nhờ vậy mà tổng giá trị sản xuất của xã tăng dần qua từng năm, từ khoảng 30 tỷ đồng vào năm 2010 thì nay đạt mức trên 92 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt mức 24,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,93%.
Ông Nguyễn Văn Ngọc - Chủ tịch UBND xã phấn khởi nói: Nhờ có thu nhập khá nên ND cũng sẵn lòng đóng góp tiền của để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Riêng năm 2015, nhân dân đã đóng góp gần 1 tỷ 351 triệu đồng, 1,250 ngày công lao động, tự nguyện hiến hơn 26.707m2 đất; tháo dỡ 630m tường rào cổng, ngõ, chặt phá nhiều loại cây cối để làm giao thông, thuỷ lợi. Hầu như ai cũng hưởng ứng xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực, dù lớn dù nhỏ đều tích cực tham gia.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, giá tiêu đen giảm xuống chỉ còn 150.000 đồng/kg, nhưng vẫn ở mức cao so với các loại nông sản chủ lực khác ở Tây Nguyên trong mùa mưa này.
Đã hơn 5 năm qua, nhiều lão nông ngụ ấp K11, xã Phú Hiệp (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) đi thuê đất của các hộ khác để trồng lúa, nhưng không phải mang tiền về cho gia đình mà lấy lợi nhuận để giúp đỡ người nghèo, làm công tác từ thiện của địa phương.
Người dân Thủ đô sẽ có dịp được dùng thử những sản phẩm Việt chất lượng cao, những loại rau, củ quả, đặc sản, nông sản sạch từ khắp các vùng trong Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) diễn ra từ ngày 6.10 – 9.10, tại Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội.