Nông Thuỷ Sản Sang Hàn Quốc Nâng Chất Để Xuất Mạnh

Thị trường Hàn Quốc rất chuộng các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam, tuy nhiên để thâm nhập thị trường khó tính này các doanh nghiệp (DN) phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
Thế mạnh chưa được phát huy
Chia sẻ tại hội thảo “Tiếp cận thị trường thực phẩm Hàn Quốc” diễn ra ngày 29/10 tại TP.HCM do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc (Asean Korea Centre) tổ chức, bà Bùi Thị Thanh An - Trưởng đại diện văn phòng Cục Xúc tiến Thương mại tại TP.HCM cho biết, dù là nước sản xuất nhiều nông, thủy sản nhưng trong 10 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam sang Hàn Quốc chỉ chiếm một số lượng khiêm tốn.
Theo đánh giá của ông Oh Jae Hack- Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Việt Nam, giá xuất khẩu các sản phẩm nông thuỷ sản của Việt Nam còn thấp, do Việt Nam chưa có hệ thống tổng hợp từ sản xuất, phân phối đến xuất khẩu nên chưa xây dựng được thương hiệu riêng các sản phẩm.
Nếu kết hợp được năng lực sản xuất và các chủng loại về nông thuỷ sản Việt Nam với năng lực chế biến và các nhãn hiệu nhà phân phối Hàn Quốc sẽ đẩy mạnh hơn kim ngạch xuất khẩu hàng nông thuỷ sản vào Hàn Quốc.
Mặt khác, chất lượng hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu không đồng đều nên khó chiếm được lòng tin của người Hàn Quốc. Đại diện Công ty Sunhill Fisheries - một trong những công ty nhập khẩu nhiều thuỷ sản nhất của Hàn Quốc nhận xét, chúng tôi thường gặp trở ngại khi nhập khẩu tôm Việt Nam là tôm bị bơm tạp chất, trọng lượng thật của hàng hóa và hàng mẫu không giống nhau do lượng đá quá nhiều. Do đó DN xuất khẩu Việt Nam cần chú ý khắc phục và tuân thủ các yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Nâng chất để giữ vững thị trường
Theo kế hoạch trong năm 2015, Công ty Sunhill Fisheries sẽ tiếp tục nhập khẩu tôm từ Việt Nam, trong đó mặt hàng chính là tôm thẻ chân trắng. Theo giải thích của Sunhill Fisheries nguyên nhân khiến mặt hàng tôm lột vỏ có xu hướng giảm sút do người tiêu dùng chọn dùng tôm thẻ chân trắng nguyên con vì họ cảm thấy yên tâm hơn về chất lượng.
Ông Ho Yeon Lee - Trưởng phòng chiến lược mua hàng Tập đoàn CJ cho hay, nhu cầu nhập khẩu hàng thực phẩm, nông thuỷ sản của các DN Hàn Quốc đang rất lớn, do ngoài tiêu thụ ở thị trường nội địa, các DN còn đang đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài. Đơn cử như, Tập đoàn CJ, năm 2008, CJ chỉ xuất ra nước ngoài sản lượng 8% nhưng đến năm 2013 đã tăng lên 25%, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Để đáp ứng nhu cầu mở rộng kinh doanh, CJ có kế hoạch triển khai dự án trồng ớt chất lượng cao tại các vùng nông thôn Việt Nam. Ở dự án này, CJ sẽ hỗ trợ người nông dân về giống, kỹ thuật, phân bón và mua sản phẩm đầu ra, như vậy sẽ đáp ứng được quy định tiêu chuẩn khắc khe của thị trường, đảm bảo tiêu chuẩn đồng đều và truy suất nguồn gốc cho sản phẩm.
Ngoài ra, tập đoàn đang quan tâm các mặt hàng thực phẩm tiện lợi, mặt hàng làm đẹp, giảm cân, sản phẩm tốt cho sức khoẻ, gia vị, trái cây, dầu ăn, bột mì.
Ông Yeong Hun Kim - đại diện Công ty Pulmuone cho biết, nhu cầu các sản phẩm thực phẩm ở Hàn Quốc ngày càng tăng cao và theo hướng khó tính hơn.
Người tiêu dùng Hàn trước kia chỉ chọn những sản phẩm thực phẩm ngon, nhưng nay họ cần hàng hoá có cả tiêu chí ngon và chất lượng tốt, tiện lợi. Vì vậy, Pulmuone quan tâm đến những sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm sạch. Những DN cung ứng những sản phẩm theo tiêu chí ấy sẽ có nhiều cơ hội.
Có thể thấy, tiềm năng tiêu thụ mặt hàng nông – thủy sản tại thị trường Hàn Quốc là rất lớn, nếu các DN Việt Nam tận dụng tốt cơ hội này thì các sản phẩm của Việt Nam sẽ không lo thiếu đầu ra.
Có thể bạn quan tâm

Sáng 21/7, tại TP Tuy Hòa, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám và Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc đồng chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Tham gia hội nghị có lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, đại diện một số cục, vụ, viện thuộc Bộ NN-PTNT; lãnh đạo UBND các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định; các doanh nghiệp và ngư dân tham gia chuỗi liên kết tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Hiện nay, hơn 3,3 ha tôm nuôi trên địa bàn Diễn Châu (Nghệ An) đã xuất hiện bệnh. Một số đầm, tôm chết nhiều nên phải thu hoạch sớm.

Đang là mùa mưa nên nhiệt độ thường giảm xuống, các chỉ số môi trường thay đổi liên tục; Do đó người nuôi tôm ở Sóc Trăng cần theo dõi thông tin khuyến cáo của ngành chức năng, đặc biệt là thông báo quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, diễn biến thời tiết, cảnh báo dịch bệnh… để bà con có 1 vụ nuôi thành công.

Sò huyết Ô Loan là đặc sản của Phú Yên, nhưng nhiều năm nay loài thủy sản này gần như bị cạn kiệt. Nuôi sò huyết là công việc mới nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản đặc hữu của đầm Ô Loan. Hiện Nhà nước đang đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng nuôi nhằm từng bước chuyển đổi nghề, tạo sinh kế cho người dân địa phương.

Theo báo cáo của Tổng Cục thủy sản (Bộ NN&PTNT), tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có 40 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP). Trong đó có 30 cơ sở nuôi cá tra, diện tích khoảng 224ha, 6 cơ sở tôm nước lợ, với khoảng 160ha.