Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông, thủy sản hụt hàng tỉ USD

Nông, thủy sản hụt hàng tỉ USD
Ngày đăng: 05/11/2015

Theo Bộ Công Thương, trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 134,6 tỉ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhóm hàng nông - lâm - thủy sản xuất khẩu tiếp tục giảm mạnh 9,7% so với cùng kỳ, chỉ đạt 16,9 tỉ USD. Giá bán nhiều mặt hàng giảm làm kim ngạch xuất khẩu toàn ngành mất tới 1,82 tỉ USD.

Xuất khẩu thủy sản tụt dốc

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết trong quý III/2015, hoạt động xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp vẫn chưa có tín hiệu phục hồi và thậm chí giảm tới 16,5% so với cùng kỳ. Mười tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản cả nước chỉ đạt 5,45 tỉ USD. Trong đó, tôm là mặt hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm 27%-30% từ đầu năm đến nay, chỉ đạt 2,4 tỉ USD.

Các mặt hàng khác như cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc cũng giảm từ 11%-30% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như Mỹ mất gần 27%, Liên minh châu Âu (EU) giảm 19% và Nhật 15%.

“Nhà nhập khẩu tìm cách ép giá, các nước đối thủ đẩy mạnh xuất khẩu khiến cho xuất khẩu cá tra vốn trong tình trạng kém sôi động từ 2 năm nay lại thêm áp lực từ thuế chống bán phá giá giai đoạn POR10 và POR11 với mức thuế cao… Kết quả, xuất khẩu các mặt hàng này khó có cơ hội tăng trưởng trở lại” - đại diện Vasep nhận định. Dù nhu cầu tiêu dùng cuối năm đối với các mặt hàng thủy sản sẽ tăng mạnh, dự báo của Vasep cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay chỉ đạt khoảng 6,6 tỉ USD, giảm 15% so với năm ngoái.

Với mặt hàng gạo, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu 10 tháng đầu năm đạt 5,32 triệu tấn với kim ngạch 2,26 tỉ USD, giảm 4,6% về khối lượng và giảm 11,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động xuất khẩu gạo chỉ thật sự khởi sắc gần đây khi Việt Nam trúng thầu các hợp đồng cung cấp gạo cho thị trường Philippines và Indonesia.

Còn khó đến hết năm

Thị trường tiêu thụ kém, giá xuất khẩu hạ và biến động giảm giá của các đồng ngoại tệ so với USD đã ảnh hưởng lớn đến ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Làn sóng mất giá và thả nổi đồng nội tệ so với USD ở các thị trường và các nước xuất khẩu chính khiến cho không chỉ tôm mà cả các mặt hàng khác của Việt Nam khó cạnh tranh tại các thị trường nhập khẩu, nhất là tại Mỹ. Đồng tiền một số nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam tại các thị trường Mỹ, EU đã giảm rất mạnh từ đầu năm đến nay, như đồng rupiad (Indonesia) giảm hơn 40% và đồng rupee (Ấn Độ) mất giá 20%...

Theo Bộ Công Thương, dù Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời điều chỉnh tỉ giá hỗ trợ xuất khẩu nhưng trong bối cảnh nhiều nước là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam như Brazil, Ấn Độ, Indonesia… đều hạ giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu sẽ tạo ra khó khăn cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế những tháng cuối năm.

Chưa kể, Mỹ đang dự thảo nguyên tắc cho việc cân nhắc những loài thủy hải sản thuộc diện nguy cơ bị đánh bắt IUU (đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo…). Một số loài thủy hải sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đang nằm trong danh sách “những loài có nguy cơ”. Nếu áp dụng danh sách này, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ càng khó khăn hơn.


Có thể bạn quan tâm

Dinh Dưỡng Hiệu Quả Cho Tiêu Sạch Dinh Dưỡng Hiệu Quả Cho Tiêu Sạch

Trong khi, theo khuyến cáo của các nhà khoa học thì lượng phân vô cơ bón cho 1ha tiêu để đạt năng suất cao nhất và hiệu quả kinh tế là từ 200 – 400kg N, 100 – 200kg P2O5, 225 – 400kg K2O trong mỗi năm, tùy theo chân đất và loại trụ trồng tiêu. Việc bón bổ sung phân hữu cơ hoặc phân bón lá đã cung cấp thêm một lượng dinh dưỡng khoáng đa lượng, trung và vi lượng cho cây tiêu. Phân gà và phân hữu cơ chế biến có tác dụng tốt trong phòng trừ bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora capsici.

27/12/2013
Nguồn Cung Thực Phẩm Dồi Dào Cho Cuối Năm Nguồn Cung Thực Phẩm Dồi Dào Cho Cuối Năm

Nhu cầu về thực phẩm vào dịp Tết dự tính tăng khoảng 30%, tuy nhiên, Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, với việc tăng đàn gia súc, gia cầm hiện nay, nguồn cung sẽ được đảm bảo.

07/12/2013
Vú Sữa Tím Tín Hiệu Vui Cho Nhà Vườn Vú Sữa Tím Tín Hiệu Vui Cho Nhà Vườn

Sau một thời gian bị lãng quên, hiện vú sữa tím được nhiều nhà vườn ở xã Xuân Hòa (Kế Sách - Sóc Trăng) quan tâm vì đây là loại cây cho lợi nhuận cao nhờ cho thu hoạch sớm hơn 1-2 tháng so với vú sữa Lò Rèn, có thể vận chuyển xa và được thị trường chấp nhận.

27/12/2013
Tái Đàn Chăn Nuôi Sau Lũ Tái Đàn Chăn Nuôi Sau Lũ

Sau lũ, nông dân xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) khẩn trương vệ sinh môi trường, phòng trừ dịch bệnh, chuẩn bị con giống để tái đàn và phát triển chăn nuôi. Đây là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng trong đợt lũ lụt vừa qua.

07/12/2013
Làm Giàu Nhờ Nuôi Chim Cút Làm Giàu Nhờ Nuôi Chim Cút

Nhờ tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Văn Hùng ở làng Can Bi, xã Phú Xuân (Bình Xuyên - Vĩnh Phúc) đã tìm ra con đường làm giàu cho mình: Nuôi chim cút.

27/12/2013