Nông dân vùng biển có giống lúa chống chịu phèn mặn
Vụ Đông Xuân 2014 - 2015, hạn hán kéo dài, nước mặn xâm nhập sâu vào các kênh nội đồng làm mất trắng 700ha lúa ở các huyện ven biển; hơn 3.200ha lúa khác bị giảm năng suất từ 40 - 70%.
Chuyên gia Dự án AMD Bến Tre trao đổi với nông dân Nguyễn Văn Sum.
Năm 2013, nước mặn xâm nhập sớm và sâu vào nội đồng 50km, độ mặn cao hơn và kéo dài.
Vụ Đông Xuân 2012 - 2013, tỉnh Bến Tre có 9.600ha lúa bị thiệt hại nặng, trong đó có 760ha bị mất trắng.
Vụ Đông Xuân 2014 - 2015, hạn hán kéo dài, nước mặn xâm nhập sâu vào các kênh nội đồng làm mất trắng 700ha lúa ở các huyện ven biển; hơn 3.200ha lúa khác bị giảm năng suất từ 40 - 70%.
Do vậy, việc khẩn trương xây dựng mô hình canh tác lúa chống chịu mặn thích ứng với biến đổi khí hậu giúp nông dân tiếp cận với giống lúa thích hợp ở vùng bị ảnh hưởng mặn; hướng dẫn kỹ thuật canh tác là một trong những yếu tố hết sức cần thiết và cấp bách hiện nay.
Chọn giống lúa đạt chuẩn
Để có những giống lúa đạt chất lượng trong chống chịu mặn hiệu quả, Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã thanh lọc mặn trong nhà lưới và khẳng định các giống chịu mặn là OM 5464, OM 5451, OM 6162, OM 4900.
Đây là những giống cho năng suất cao trên vùng đất mặn khoảng 5%o.
Trong đó, đề tài Tuyển chọn giống lúa chống chịu mặn ven biển Bến Tre đã chọn giống lúa OM 9292 có khả năng chịu mặn tốt nhất và ổn định từ 3 - 5%o, năng suất bình quân 4,8 - 6 tấn/ha.
Giống tuyển chọn đã được đưa vào sản xuất thử với diện tích 13ha.
Kết quả cho thấy, các giống lúa trên có phạm vi thích nghi rộng, dễ canh tác cho các vùng chịu ảnh hưởng mặn, ven biển.
Việc triển khai thí điểm mô hình trình diễn giống lúa chịu mặn OM 4900, OM 6162, OM 9921 trong vụ Thu Đông năm 2013 cho thấy, các giống lúa này có khả năng thích nghi tốt, năng suất đạt khá cao, từ 5 - 5,6 tấn/ha, chất lượng gạo ngon, khả năng tiêu thụ tốt.
Qua khảo sát, có 90% nông dân các huyện vùng biển có nhu cầu tham gia thay đổi giống mới này.
Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã xây dựng mô hình tại xã Thạnh Trị và Đại Hòa Lộc (Bình Đại) diện tích 10ha, có 20 nông dân tham gia; tại xã Bảo Thạnh và An Hiệp (Ba Tri) 10ha, có 23 nông dân tham gia; tại xã An Điền và Hòa Lợi (Thạnh Phú) 10ha, có 29 nông dân tham gia.
Khi áp dụng mô hình, ông Nguyễn Văn Sum ở xã An Điền (Thạnh Phú) cho biết: “Gia đình tôi trước đây canh tác trên 8 công đất ruộng nhưng hầu hết đều sử dụng các giống địa phương.
Ở đây chỉ làm lúa 1 vụ, thời gian còn lại là nuôi tôm càng, tôm sú xen trong ruộng lúa.
Tuy lúa không phải là nguồn thu nhập chính so với nuôi tôm nhưng đủ để nuôi sống gia đình.
Trước đây, tôi đã sử dụng giống chống chịu mặn nhưng chất lượng chưa đảm bảo, nay sử dụng giống OM 9921 của Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tôi rất yên tâm bởi lúa đã gần 40 ngày, phát triển tốt, ít sâu bệnh, ít đổ ngã, đặc biệt chịu mặn tốt, hạn chế được phân, thuốc trừ sâu, năng suất dự kiến tăng khoảng 10%”.
Ông Lê Văn Hải cũng ở xã An Điền cho biết: “Gia đình tôi có 5 công ruộng, vụ này thí điểm mô hình lúa chống chịu mặn của trung tâm giống thấy bước đầu lúa phát triển tốt, rất ít sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu.
Đặc biệt, lúa thích nghi với độ mặn trong khu vực và phát triển ổn định, hứa hẹn một mùa bội thu sắp tới”.
Mang lại Hiệu quả bước đầu
Theo đánh giá bước đầu, mô hình này đã giúp nông dân tiếp cận được các giống đạt chuẩn chất lượng, có khả năng canh tác trên các vùng nhiễm mặn, hạn chế rủi ro trong sản xuất.
Chi phí đầu tư giảm từ 20 - 40kg lúa giống/ha; giảm phân bón 30 - 40kg/ha.
Tăng năng suất bình quân từ 5 - 10%, tương đương 300 - 500kg/ha.
Lợi nhuận khoảng 14 triệu đồng/ha.
Về hiệu quả xã hội, mô hình góp phần làm thay đổi tập quán canh tác của nông dân theo hướng tích cực.
Nhiều nông dân có điều kiện liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất; được tập huấn kỹ thuật canh tác mới, nâng cao kiến thức giúp dễ dàng tiếp thu, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất.
Nông dân được hướng dẫn thực hiện các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt như sử dụng phân hữu cơ, bón phân cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng nguyên tắc.
Về môi trường, ý thức của nông dân trong sản xuất và giữ gìn môi trường được nâng cao, tránh gây ô nhiễm bởi các hoạt động sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch.
Theo đánh giá của bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, việc đầu tư hỗ trợ mô hình trình diễn giống lúa chống chịu mặn có tính khả thi cao, ảnh hưởng tích cực đến việc hỗ trợ nông dân tiếp cận về giống, quy trình kỹ thuật canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giảm nghèo và an sinh xã hội.
Kết quả trình diễn sẽ góp phần đánh giá chính xác sự ổn định về năng suất và phẩm chất của các giống triển vọng, làm cơ sở cho các khuyến cáo sử dụng giống lúa trong tỉnh, đặc biệt là các vùng canh tác lúa ven biển.
Có thể bạn quan tâm
Cánh tay bị bại liệt nhưng ông lại là chủ trang trại mía cao sản ở huyện Sơn Hòa. Niên vụ mía 2013-2014, ông là nông dân đầu tiên ở Phú Yên liên kết “4 nhà” trồng cánh đồng mía mẫu lớn áp dụng cơ giới hóa.
Ở Vĩnh Long, theo nhiều hộ nuôi cá lồng bè, bên cạnh giá cả thương phẩm giảm mạnh, giá thức ăn tăng, chất lượng giảm thì hiện người nuôi còn đối mặt vấn đề chất lượng con giống sụt giảm. Hiện tỷ lệ nuôi hao hụt rất lớn, lên đến 30 - 40% đã khiến giá thành nuôi đội lên nhiều lần.
Mấy ngày vừa qua có thông tin phần lớn cá tầm, ếch bán tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội được nhập lậu từ Trung Quốc về bán với giá rẻ.
Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất và kinh doanh giỏi, Hội Nông dân xã Hiệp Xương (An Giang) có nhiều giải pháp tập trung thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tăng lợi nhuận và nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong đó, mô hình “Trồng cây rau muống lấy hạt” là một trong những điển hình của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Tân.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới (An Giang) cho biết: Vụ đông xuân 2013, diện tích trồng nấm rơm giảm 27,8% so vụ đông xuân trước.