Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Nông dân thành công chiết ghép giống thanh nhãn lên cây nhãn da bò

Nông dân thành công chiết ghép giống thanh nhãn lên cây nhãn da bò
Tác giả: Tuyết Xuân
Ngày đăng: 28/10/2019

Những năm qua, bệnh chổi rồng trên nhãn da bò làm giảm năng suất cũng như chất lượng của cây trồng. Nhiều nhà vườn đã chuyển đổi sang trồng mới các giống nhãn như: nhãn Ido, nhãn xuồng, thanh nhãn... có hiệu quả cao. Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian trồng, nhà vườn ở xã An Lạc Tây (Kế Sách) đã nghĩ ra cách ghép nhánh giống thanh nhãn lên gốc nhãn da bò.

Thanh nhãn bán được giá cao hơn gấp 3 lần so với nhãn da bò.

Đó là ông Đỗ Thanh Liêm ở ấp An Lợi, xã An Lạc Tây đã ghép thành công nhánh của giống thanh nhãn lên gốc nhãn da bò. Là nhà vườn tiên phong thực hiện giải pháp kỹ thuật này tại địa phương.

Ông Liêm cho biết: “Vườn nhãn da bò của gia đình đã trồng hơn 13 năm, theo thời gian cây cho trái cũng giảm dần. Hơn nữa, giống nhãn da bò rất dễ bị dịch bệnh mà điển hình là bệnh chổi rồng rất khó trị nên ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng rất nhiều. Đã có một số bà con ở đây chuyển đổi sang trồng mới các giống nhãn khác cho hiệu quả kinh tế khá cao”.

Theo ông Liêm, nếu như trồng mới các loại cây trồng khác thì phải mất thời gian rất lâu cây mới có trái thu hoạch được. Như đối với cây nhãn, khoảng từ 4 năm thì cây mới bắt đầu có trái. Còn ghép nhánh nhãn lên gốc cây có sẵn, rút ngắn được thời gian hơn, khoảng từ 2 năm là đã có trái.

Đưa chúng tôi ra tham quan khu vườn trồng nhãn, ông Liêm cho rằng: “Thanh nhãn là giống nhãn mới được biết đến vài năm trở lại đây, có nguồn gốc từ Bạc Liêu. Ở đây cũng đã có vài hộ trồng giống nhãn này”. Khoảng 2 năm trước, trong một lần đi tham quan khu vườn trồng thanh nhãn của một người bạn và biết được cây trồng bằng cách ghép nhánh lên gốc cây nhãn da bò. Thấy cây phát triển tốt, ông Liêm đã tìm hiểu và trồng thử nghiệm ngay tại khu vườn của gia đình.

“Nhờ đi được nhiều nên tôi đã học hỏi và tích lũy được một số kinh nghiệm về kỹ thuật trồng cũng như cách chăm sóc các loại cây ăn trái. Khi biết được cách lấy nhánh của thanh nhãn ghép lên nhãn da bò, do mình chưa có nhiều kinh nghiệm nên chỉ dám đốn xen kẽ 60 cây nhãn da bò và lấy gốc để trồng thử nghiệm. Hiện cây phát triển tốt, đang cho trái đợt đầu tiên và có thể thu hoạch được. Tôi có ý định sẽ triển khai từ từ hết phần diện tích còn lại, chuyển vườn nhãn da bò sang vườn thanh nhãn” - ông Liêm chia sẻ thêm.

Cũng theo ông Liêm, ưu điểm của thanh nhãn là trái to, cơm dày, hạt nhỏ, ráo nước, không ngọt lịm như nhãn long hay nhãn da bò mà chỉ ngọt thanh. Giống nhãn này cũng giống như nhãn xuồng, không cần xử lý ra hoa, đến mùa là nhãn tự ra hoa và cho trái. Mỗi năm chỉ thu hoạch được 1 đợt. Vườn cây thanh nhãn của ông đang trồng theo hướng hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như các loại thuốc kích thích cho cây trồng. Sau thời gian khoảng 2 năm trồng, cây đã cho trái đợt đầu tiên, trung bình khoảng 20kg trái/cây và hiện được thương lái đến thu mua tại vườn với giá 50.000 đồng/kg, so với giá bán nhãn da bò thời điểm này thì cao hơn gấp 3 lần.

Huyện Kế Sách được xem là “thủ phủ” cây ăn trái của tỉnh, với khoảng 16.000ha, trồng cây ăn trái các loại, trong đó, ước khoảng 2.900ha diện tích trồng nhãn, chủ yếu là giống nhãn da bò. Những năm qua, do bất lợi về giá cả cùng với bệnh chổi rồng thường xuyên xuất hiện nên việc cải tạo những khu vườn nhãn da bò bị “lão hóa” kém hiệu quả và thay đổi giống cây trồng là một trong số các mục tiêu tái cấu trúc nền nông nghiệp của địa phương. Theo ngành chuyên môn, cấy ghép nhánh thanh nhãn lên gốc nhãn da bò là cách làm rất linh hoạt, vừa rút ngắn thời gian vừa có thể giữ lại gốc nhãn da bò. Giải pháp kỹ thuật này được ngành nông nghiệp đánh giá là giải pháp hữu ích về năng suất và chất lượng.


Có thể bạn quan tâm

Phòng bệnh cho vật nuôi giai đoạn giao mùa Phòng bệnh cho vật nuôi giai đoạn giao mùa

Theo PGS.TS Lê Văn Năm, Viện nghiên cứu chăn nuôi quốc gia, bà con cần trang bị kỹ thuật phòng bệnh cho vật nuôi khi giao mùa.

25/10/2019
Chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng rong nho biển cho dân đảo Lý Sơn Chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng rong nho biển cho dân đảo Lý Sơn

Rong nho được sử dụng nhiều ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... Thời gian nuôi và thu hoạch từ 30 – 40 ngày, giá thị trường từ 160 – 200 ngàn đồng/kg.

28/10/2019
Mặc lá chuối cho rau Mặc lá chuối cho rau

Hình ảnh bó rau, củ được bao bọc sạch sẽ, bắt mắt trong những lá chuối xanh mướt, dây lục bình khiến người mua cảm thấy thích thú.

28/10/2019