Nông Dân Sang Lào Trồng Lúa Sạch
Gần 30 nông dân của Tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp trọn gói (ấp 9, xã Mỹ Lộc, H.Tam Bình, Vĩnh Long) vừa xuất ngoại sang Lào để trồng lúa sạch theo mô hình cánh đồng mẫu lớn và chuyển giao kỹ thuật trồng lúa cho nông dân Lào.
Chuyên gia nông dân
Những nông dân này được Công ty TNHH TM DV-SX-XNK Bảo Ngọc Bình Phước thuê sang Lào trồng lúa sạch từ tháng 6.2014. Ông Nguyễn Văn Trọng (Mười Trọng), Chủ nhiệm Tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp trọn gói ấp 9, cho biết: "Đây là chương trình hợp tác giữa ngành nông nghiệp VN và Lào.
Công ty mời những nông dân có kinh nghiệm trong sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn để sang Lào trồng lúa sạch và chuyển giao công nghệ cho nông dân Lào". Khi sang Lào, những nông dân này sẽ được giao 700 ha đất để tổ chức sản xuất, không sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu nhằm làm ra sản phẩm sạch. Hiện những nông dân này đã xuống giống 100 ha với 2 giống lúa Thảo Dược và Hồng Ngọc.
Theo ông Trọng, hiện ở Lào đất hoang hóa nhiều do việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn kém, thủy lợi chưa được đầu tư. Nông dân nước bạn vẫn còn gieo mạ, cấy và gặt lúa bằng tay với những thửa đất nhỏ, năng suất chỉ khoảng 2 tấn/ha.
“Những nông dân VN sang Lào lần này đều đã có kinh nghiệm áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở hầu hết các khâu như làm đất, sạ hàng, thu hoạch bằng máy...”, ông Trọng nói.
Ông Nguyễn Văn Năm (67 tuổi), ngụ ấp 9, cho biết: "Hiện một mình tôi làm 2,2 ha lúa tại ấp 9 nhưng vẫn khỏe re vì đã có máy móc làm thay, những việc nặng đều có tổ dịch vụ làm thuê. Ở vùng này, đã 5 năm sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nên bây giờ chỉ cần đứng trên bờ là biết lúa bệnh gì hay cần bón loại phân nào. Vì vậy, những nông dân ở đây đủ khả năng làm "chuyên gia" hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa cho nông dân Lào".
Xuất gạo sạch qua Hà Lan
Sau một thời gian ở Lào, tranh thủ về thăm nhà, ông Nguyễn Văn Tâm (47 tuổi) chia sẻ: "Tôi được Công ty Bảo Ngọc Bình Phước ký hợp đồng lái máy xới và máy cắt lúa ăn theo sản phẩm. Chỉ hơn 1 tháng, tôi cùng ông bạn là nông dân ở địa phương mỗi người được lãnh hơn 20 triệu đồng".
Ông Tâm cho biết sau khi về thăm nhà vài hôm, ông sẽ cùng 6 nông dân khác qua Lào tiếp tục trồng lúa. Hiện tại, không chỉ nông dân trong xã mà cả những xã lân cận cũng đến xin được qua Lào trồng lúa. Tuy nhiên, họ phải được ông Mười Trọng chọn lựa về tay nghề cũng như tính cần cù, siêng năng.
Về thu nhập, nông dân phụ trách phun thuốc, sạ được thuê với giá 6 triệu đồng/tháng; nông dân có tay nghề lái máy cày, máy gặt ăn theo sản phẩm với thu nhập 15 - 20 triệu đồng/tháng. Dự kiến, trong thời gian tới, Tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp trọn gói ấp 9 sẽ tuyển thêm vài chục nông dân đưa sang Lào làm lúa sạch.
Ông Quách Phi Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Bảo Ngọc Bình Phước (trụ sở ở Bình Phước), cho biết dự án trồng lúa hữu cơ của công ty tại Lào có quy mô 10.000 ha, đây là mùa vụ đầu tiên, diện tích trồng khoảng 100 ha. Những nông dân VN sang tham gia dự án với tư cách là chuyên gia, kỹ thuật viên... và hưởng thù lao tùy theo vị trí công việc. Toàn bộ gạo sạch thu hoạch được sẽ xuất qua Hà Lan.
Có thể bạn quan tâm
Vietfish 2014 có sự tham gia của 173 đơn vị; trong đó, có 60 doanh nghiệp thủy sản và 113 doanh nghiệp dịch vụ. Tuy nhiên, Hội chợ năm nay thiếu vắng nhiều doanh nghiệp mạnh về lĩnh vực chế biến, xuất khẩu cá tra.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh vừa quyết định chi ngân sách hơn 690 triệu đồng lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc bằng nguồn năng lượng mặt trời trên tàu cá.
Mục tiêu đặt ra cho vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2014 toàn tỉnh Cà Mau trên 43.000 ha. Thế nhưng, theo bà con nông dân, năm nay việc sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm sẽ gặp nhiều khó khăn hơn những năm trước. Chính điều đó khiến nông dân lưỡng lự trong việc chọn giống cũng như thời gian xuống giống.
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Trà Vinh đang triển khai chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân thực hiện mô hình nuôi gà thịt sử dụng đệm lót sinh học. Ðây là mô hình đã được chăn nuôi thực nghiệm trên địa bàn tỉnh trong năm 2013 và cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh mặt nước; nâng cao thu nhập, góp phần phát triển và ổn định đời sống cho các hộ nông dân trong phát triển kinh tế gia đình, việc khai thác và ứng dụng các mô hình mang lại hiệu quả cao đã được thí điểm tại các địa phương là việc hết sức cần thiết và cần được sự quan tâm của các cấp, các ngành liên quan.