Nóng Dần Sản Phẩm Trái Cây, Hoa Kiểng Tết

Còn gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng vào thời điểm này, giá các loại trái ngon đặc sản như: bưởi Năm Roi, da xanh, xoài cát Hòa Lộc, quýt hồng và kiểng tết đang nóng dần lên.
Trái cây tăng giá mạnh
Ông Nguyễn Văn Lọ, ở ấp Phú Lễ, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Hậu Giang), cho biết: “Ngay lúc này, thương lái đang lùng sục khắp vùng quê để mua bưởi Năm Roi bán tết. Theo đó, giá bưởi Năm Roi loại 1kg trở lên có cành lá được các thương lái bao tiêu với giá từ 41.000-45.000 đồng/kg. Còn bưởi da xanh thương lái vô tận vườn dằn tiền cọc trước với giá 55.000 đồng/kg nhưng nhà vườn vẫn chưa bán”.
Còn theo Chủ nhiệm CLB tạo hình bưởi ở ấp Phú Trí, xã Phú Tân Võ Trung Thành, thì bưởi tết được các thương lái đẩy giá thu mua cao hơn so với cùng kỳ là do năm 2014 bệnh nấm trên vỏ và bệnh khô đọt, khô bọng tấn công vào khoảng tháng 6 và tháng 7, ngay lúc nhà vườn đang xử lý cho cây ra trái thu hoạch bán tết nên năng suất giảm rất mạnh.
Nhiều vườn bưởi Năm Roi ở khu vực huyện Châu Thành (Hậu Giang), Kế Sách (Sóc Trăng), Bình Minh (Vĩnh Long), Cầu Kè (Trà Vinh) giảm 60-70% năng suất so với mùa bưởi tết năm trước. Nguồn cung bưởi Năm Roi thương phẩm cũng như bưởi Năm Roi tạo hình chắc chắn hụt rất lớn và có khả năng sốt giá vào những ngày cận tết.
Đối với trái xoài cát Hòa Lộc sớm ở Tiền Giang và Hậu Giang cũng đang trúng giá. Ông Huỳnh Nguyên Anh, Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp Mỹ Lương (xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè, Tiền Giang), cho biết: Giá xoài sớm đang đứng ở mức 60.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước 15.000 đồng/kg.
Với giá này, nhà vườn thạo kỹ thuật xử lý xoài cát cho trái sớm thu hoạch đạt năng suất bình quân 10 tấn/ha thì thu về 600 triệu đồng. Còn ở HTX xoài cát Hòa Lộc, ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè đang thu mua xoài cát Hòa Lộc của xã viên sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP có giá từ 65.000-70.000 đồng/kg, cao hơn thị trường từ 10-15%. Hiện tại, HTX có 20ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đã được công nhận đầu tiên trên vùng xoài đặc sản của tỉnh Tiền Giang.
Ông Nguyễn Thành Nhơn, Giám đốc HTX xoài cát Hòa Lộc, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, cho hay: Tiền Giang có trên 6.600ha xoài chủ yếu là xoài cát Hòa Lộc, tập trung ở hai huyện đầu nguồn sông Tiền là Cai Lậy và Cái Bè. Trồng xoài theo tiêu chuẩn GlobalGAP đã giúp nâng giá trị trái xoài cát Hòa Lộc trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Xoài đầu vụ năm 2015 này giá cao là do mưa trái mùa kết hợp với sương mù đã làm cho nhiều vườn xoài không ra hoa hoặc ra hoa nhưng ít đậu trái.
Còn ở vùng trồng khóm Tân Phước, Tiền Giang, những nhà nông trồng khóm phụng, khóm son chưng tết cũng đang được thương lái đến tận rẫy đặt tiền cọc mua hàng. Ông Hà Văn Bảy, ở ấp Mỹ Lộc, xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước đang o bế 1.000 cây khóm phụng để bán Tết Ất Mùi 2015.
Mỗi một cây sẽ cho một trái và chúng đang lớn dần theo thời gian và hiện đã chọn được hơn 200 trái khóm đẹp. Hiện tại, giá khóm phụng trái đẹp được thương lái ngã giá thu mua từ 150.000-200.000 đồng/trái, số còn lại thì có giá từ 20.000-30.000 đồng/trái. Còn ông Đoàn Văn Phát, ở ấp Trầu Hôi A, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) tết này cũng có khoảng 2.000 trái khóm son được thương lái ngỏ ý mua hết, tính ra cũng có thu nhập vài chục triệu đồng.
O bế hoa kiểng tết
Còn ở làng sản xuất hoa kiểng huyện Chợ Lách, Bến Tre cũng đang nóng dần theo thời gian khi một số mặt hàng tắc kiểng, kiểng thú hình con dê cũng được các thương lái săn mua.
Ông Trịnh Văn Bình, ở ấp Phú Long, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, cho biết: Nhịp độ giao thương hoa kiểng ở làng nghề sản xuất hoa kiểng truyền thống đã nóng lên. Một số cơ sở chuyên kinh doanh ở khu vực làng nghề đã thu hàng dự trữ và giá cả đã tăng so với cùng kỳ khoảng 20%. Hiện tại, giá tắc kiểng trồng trong chậu cao khoảng 1m có giá từ 200.000-300.000 đồng/cây tùy theo lượng trái.
Tuy nhiên, để được một cây tắc kiểng bán tết, thì người sản xuất phải mất thời gian trồng và chăm sóc gần một năm mới có sản phẩm bán. Sản lượng tắc kiểng phục vụ tết năm 2015 tăng hơn cùng kỳ năm trước khoảng 20%. Với tình hình thời tiết không mấy thuận lợi cho cây mai vàng, thì năm nay tắc kiểng có nhiều khả năng sẽ hút hàng và tăng giá. Còn những nhà vườn sản xuất kiểng thú từ cây xanh cũng đã sẵn sàng phục vụ người sử dụng trong dịp tết.
Ông Năm Công, ở xã Hưng Khánh Trung B là người nổi danh với nghề sản xuất nhiều loại kiểng rồng, kiểng voi và đa dạng các loại hình kiểng nghệ thuật khác. Tết Ất Mùi 2015 này ông Công chỉ kịp chuẩn bị 15 cặp dê kiểng làm từ cây xanh và được chào giá từ 3-5 triệu đồng/cặp. Hiện tại, số lượng này đã có đơn đặt hàng thu mua hết. Ông Công cho biết: “Từ lâu kiểng hình 12 con giáp đã trở thành một thú chơi tao nhã của nhiều người. Tết Ất Mùi, con dê mang ý nghĩa bình an nên nhiều chủ vườn kiểng ở đây đoán chắc sẽ có nhiều khách hàng chọn mua để trưng bày vật linh thiêng của năm”.
Cũng như các địa phương khác, một số nơi ở huyện Long Mỹ, thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang nghề trồng hoa kiểng bán tết những ngày này cũng rất nhộn nhịp, từ hoa vạn thọ, cúc mâm xôi, mai vàng… đang được người dân chuẩn bị cung ra thị trường tết. Với sự chuẩn bị khá chu đáo của các nhà vườn, hứa hẹn năm nay thị trường hoa kiểng tết sẽ có nhiều sôi động.
Có thể bạn quan tâm

Thu hoạch xong gần 1ha quýt cách nay 3 ngày, ông Nguyễn Văn Nhu, ở ấp 3, xã Long Trị, cho biết: “Quýt trồng hơn 2 năm là có thể cho thu hoạch, năng suất đạt từ 2,5 - 3 tấn/công (cây 3 năm tuổi), còn 4 - 5 tấn/công (cây 4 - 5 năm tuổi). Mặc dù giá có giảm, nhưng sau khi trừ chi phí, mỗi công quýt cũng đem lại lợi nhuận từ 35 - 40 triệu đồng”.

Khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng nhưng ông Bảy Quang đã phất lên nhờ trồng được cây nhãn ở vùng đất sỏi đá Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). “Cơ ngơi” sau 15 năm gắn bó với vùng đất sỏi đá của ông là 4 hécta nhãn tiêu da bò cùng nhiều giống cây ăn trái đặc sản, như: bưởi da xanh, quýt đường, cam sành…

Men theo con đường nối TP Cần Thơ đến TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, rẽ vào ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, chúng tôi bắt gặp ngôi nhà tường ba gian khang trang nằm nép mình dưới những tán cây xanh. Đó là cơ ngơi của ông Đinh Văn Phương, còn gọi Sáu Phương (60 tuổi), một lão nông trồng xoài cát Hòa Lộc nổi tiếng.

Theo ông Lê Vĩnh Bình - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, trong việc triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với các loại cây đặc sản các địa phương cần phải tính đến điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của từng vùng khác nhau để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt và bền vững với giá trị gia tăng. Xét trên điều kiện tự nhiên ấy, Giồng Trôm và Chợ Lách đang có những bước đi đúng hướng, phù hợp với lợi thế của địa phương.

Dù chỉ mới qua hơn 3/4 chặng đường của năm 2014 nhưng căn cứ những số liệu phát triển kinh tế, xã hội kết hợp với dự báo khả năng đạt các chỉ tiêu đến cuối năm, Tân Phú Đông hoàn toàn có thể tin tưởng về bức tranh kinh tế, xã hội khả quan của năm nay.