Nông Dân Quảng Điền Chống Chọi Với Nắng Hạn
Từ nhiều tháng nay, nắng nóng gây nhiều hệ luỵ trong phát triển kinh tế của huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) nhất là dải đất ven biển và đầm phá; người dân đang vật lộn với thời tiết để giữ lại thành quả đạt được.
Trang trại khát nước
Trang trại của vợ chồng ông Trương Trọng Đức (Quảng Lợi) năm nay kém xanh hẳn. Mô hình kết hợp trồng rừng phủ xanh đất cát đồi trọc kết hợp với chăn nuôi lợn, gà và thả cá cho thu nhập cao thì giờ đây lại đối mặt với nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước thiếu nên hoa màu khó phát triển.
Tuy gia đình đã tiến hành đào sâu hồ nuôi, tăng cường tưới nước cho cây trồng nhưng chỉ cải thiện phần nào.
Ông Đức cho biết: “Vào thời điểm này năm ngoái, nhờ có mưa giông nên các loại cây trồng phát triển khá tốt, đồng đều. Năm nay, nắng nóng kéo dài với nhiệt độ cao, lại không có mưa nên hoa màu phát triển chậm”.
Để đối phó với nắng hạn, ông phải lắp đặt hệ thống phun sương tự động cho cây trồng với số tiền đầu tư trên 27 triệu đồng, kéo theo chi phí tiền điện hàng tháng cũng tăng thêm từ 1,7 triệu đến 2 triệu đồng/tháng.
Việc trồng rừng trên vùng rú cát Quảng Điền được xem là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ngoài ra, nó còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, điều hòa khí hậu, chống nạn cát bay, cát lấp.
Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ cháy rừng gây tổn thất kinh tế nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ sa mạc hóa tại các khu vực này. Trong khi đó, công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng vùng cát tại các địa phương hiện đang gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Quảng Điền đã xảy ra 5 vụ cháy rừng trên vùng rú cát.
Cây cối, hoa màu gần như héo úa trước cái nắng gay gắt trên 40 độ C của vùng cát. Nắng nóng kéo dài khiến mạch nước ngầm rút nhanh, các hồ nuôi cá dù được đào sâu nhưng vẫn đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn nước.
Tại trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Nguyễn Ái Hiệp (xã Quảng Lợi), có 6 hồ nuôi cá các loại với diện tích gần 3 ha. Nhưng thời gian gần đây, nắng nóng làm hàng vạn cá chép, cá rô phi, cá trê… chưa kịp thu hoạch chết hàng loạt, thiệt hại ước tính 30 triệu đồng.
Thiếu nước còn khiến gia súc, gia cầm phát triển chậm, nhiều bệnh liên quan đến nắng nóng cũng phát sinh. Trong đó, thời tiết nắng nóng làm vật nuôi giảm sức đề kháng, dễ phát sinh nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm. Nắng nóng còn khiến nguồn nước sử dụng trong chăn nuôi bị hạn chế gây khó khăn cho người dân.
Giảm thiểu thiệt hại
Nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước ngầm tại các ao, hồ ở Quảng Điền gần như cạn kiệt. Nhiều trạm bơm phải nằm nghỉ trong khi cánh đồng lúa đang trong giai đoạn “khát nước” phơi mình giữa nắng hạn.
Hệ thống ao hồ Quảng Công gần như trơ đáy nên nguồn nước phục vụ cho sản xuất thiếu, nhiều diện tích đất phải bỏ hoang, diện tích lúa đã đưa vào gieo sạ bị nhiễm mặn, héo úa.
Những lão nông từng trải cho rằng, 20 năm trở lại đây, năm nay hạn hán nặng nhất. Đi dọc tuyến đường liên xã điều dễ dàng cảm nhận, những vùng đất khô cằn, nhìn quanh chỉ thấy cây cỏ khô cháy, cánh đồng thiếu hẳn màu xanh. Nếu những năm trước, cánh đồng này tập trung trồng các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như: ớt, lạc, dưa hấu thì năm này đa phần diện tích đều bỏ hoang.
Đi ra sâu hơn một chút ở vùng ruộng sâu, nhiều diện tích đã bị cháy sém, ngả vàng. Toàn xã Quảng Công có 6 hồ chứa nước lớn diện tích 5,2ha, với lượng nước bình quân 6.240m³, nhưng năm nay lượng nước ngầm tụt gần 1m so với năm trước, khiến nguồn cung cấp nước bị thiếu hụt.
Theo ông Lê Công Lợi, Chủ nhiệm HTX Thành Công, xã Quảng Công, toàn xã có 106 ha đất trồng lúa, nhưng trong vụ hè thu năm nay chỉ đưa vào gieo sạ được gần 56 ha. Số diện tích còn lại đưa vào trồng dưa hấu, ớt... Do thời tiết quá khắc nghiệt nên những loại cây này cũng khô héo hết, chẳng thu hoạch được gì.
Nguồn nước ngầm từ 6 hồ chứa nước trên địa bàn chỉ duy trì ở mức 1m đến 1,2m nên không thể chủ động trong tưới tiêu. Hiện, HTX có trên 5ha lúa bị nhiễm mặn, thiệt hại lên đến 70%, nếu tình hình này kéo dài e rằng diện tích lúa bị nhiễm mặn sẽ tăng lên.
Ông Hoàng Vọng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, cho biết: “Chúng tôi phối hợp với các địa phương tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả theo phương pháp tưới luân phiên “hình thức cuốn chiếu”; vận động nhân dân ra quân nạo vét kênh mương nội đồng, tận dụng tối đa nguồn nước từ các ao, hồ, sông để chống hạn.
Phòng cũng tham mưu với huyện cấp kinh phí 100 triệu đồng cho 3 xã: Quảng Vinh (40 triệu đồng), Quảng Công (30 triệu đồng), Quảng Ngạn (30 triệu đồng) đào thêm các hồ nhằm đảm bảo nguồn nước tưới. Đối với vùng rú cát, người dân nên tập trung thu dọn thảm thực bì khu vực trồng rừng, đào sâu các hồ cá, lắp đặt thêm hệ thống tưới nước nhằm giảm thiểu thiệt hại đến hoa màu.
Có thể bạn quan tâm
Hệ thống Silver Bullet (Siliver Bullet System - SBS) đã được thử nghiệm ở 3 phòng thí nghiệm riêng biệt và nhiều lần thành công trong việc giảm bớt cũng như kiểm soát vi khuẩn có hại đối với môi trường nuôi tôm
Thời gian gần đây, người nuôi cá chình lồng ở thôn Hà Lỗ, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) gặp nhiều khó khăn vì cá nhiễm bệnh chết hàng loạt.
Cập Cảng cá Thọ Quang từ chiều 12-2, nhưng đến sáng 13-2, tàu ĐNa 90072 TS mới bán hết hơn 14 tấn cá trong niềm phấn khởi của 12 ngư dân trên tàu.
Năm 2014, tỉnh ta phấn đấu duy trì đàn bò ở mức 31.000 con, đàn trâu 71.000 con. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ người chăn nuôi, trong đó có chính sách hỗ trợ 100% kinh phí mua vacxin phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng.
Hằng năm, ngành nông nghiệp nước ta bỏ ra một lượng ngoại tệ không nhỏ chỉ riêng cho việc nhập khẩu giống khoai tây. Có một dự án đang được triển khai không những có thể giúp giảm thiểu chi phí này mà còn hứa hẹn thúc đẩy ngành sản xuất khoai tây theo hướng hàng hóa.