Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Điện Biên Hiệu quả mô hình cá rô đầu vuông

Điện Biên Hiệu quả mô hình cá rô đầu vuông
Tác giả: Hoàng Khắc Tân
Ngày đăng: 21/09/2016

Cá rô đầu vuông có nguồn gốc từ tỉnh Hậu Giang và được nông dân miền Bắc nuôi thả mấy năm gần đây. Xét về đặc điểm sinh học, khi còn nhỏ, cá rô đầu vuông giống như cá rô đồng, nhưng khi lớn lên, đầu to và vuông, vẩy màu vàng sậm, đuôi xòe và đỏ nhạt, mình dài hơi cong, có 2 chấm đen ở gần đuôi và mang cá. Đây là loài cá dữ, ăn tạp, thiên về ăn động vật. Thức ăn của cá gồm: tôm, tép, cá con, sinh vật phù du, động vật không xương sống, các phụ phẩm nông nghiệp như cám, gạo, các phế phẩm thủy sản… Trong nuôi thâm canh, cá thường ăn thức ăn viên với hàm lượng đạm thích hợp. Cá rô đầu vuông có ưu điểm vượt trội là tốc độ sinh trưởng nhanh hơn so với cá rô đồng, con đực và con cái tăng trưởng đều nhau. Thời gian nuôi 3 tháng đầu có thể đạt trọng lượng 150 - 200g/con; nếu kéo dài 6 tháng, trọng lượng cá có thể đạt từ 500 - 800g/con. Thời gian nuôi càng kéo dài cá càng lớn chứ không giảm cân như cá rô đồng. Cá rô đầu vuông có chất lượng thịt thơm ngon, dày mình, ít xương nhưng trọng lượng lớn hơn nên có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bà Chu Thị Thanh Xuân, Giám đốc Trung tâm Thủy sản Điện Biên, cho biết: Bắt tay vào triển khai mô hình, từ đầu tháng 6, Trung tâm phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Điện Biên, UBND các xã Thanh Nưa, Thanh Hưng, Thanh Chăn và Thanh Xương triển khai lựa chọn các hộ có đủ điều kiện về ao nuôi, nhiệt tình hăng hái tham gia, cam kết cùng đối ứng kinh phí để tham gia thực hiện mô hình. Kết quả, Trung tâm chọn được 6 hộ đăng ký tham gia với tổng diện tích mặt nước 5.000m2.

Ngoài ra, Trung tâm tổ chức tập huấn kỹ thuật cho hộ tham gia mô hình và hộ nông dân muốn tham gia học tập kinh nghiệm nuôi cá rô đầu vuông với những kiến thức cơ bản về: đặc điểm sinh học của cá rô đầu vuông; quy trình kỹ thuật nuôi trong ao; một số bệnh thường gặp và cách phòng trị… Sau đó, với sự đối ứng kinh phí 50% từ các hộ tham gia mô hình, Trung tâm cấp 55.000 con cá giống trọng lượng 5g/con, mật độ thả 11 con/m2; 7,7 tấn thức ăn có độ đạm đạt trên 30% cho các hộ. Định kỳ, Trung tâm cử cán bộ kiểm tra mô hình, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, quản lý ao… và kiểm tra kích cỡ, trọng lượng để đánh giá tốc độ phát triển, sinh trưởng của cá.

Sau 3 tháng triển khai, trọng lượng cá rô đầu vuông thương phẩm trung bình đạt 150g/con, tốc độ sinh trưởng trung bình 50g/con/tháng; sản lượng cá thu hoạch trên 5.000m2 thử nghiệm là 6.197,7kg cá thương phẩm. Với giá bán hiện nay trên thị trường là 50.000 đồng/kg, người dân sẽ thu về hơn 300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi thuần mang lại đạt gần 120 triệu đồng. Nếu nuôi đủ 6 tháng, trọng lượng trung bình đạt 300 gam/con thì hiệu quả kinh tế mang lại sẽ còn cao hơn.

Từ kết quả khả quan từ mô hình nuôi thương phẩm cá rô đầu vuông trong ao, trong thời gian tới, Trung tâm Thủy sản Điện Biên sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra các địa phương khác trong toàn tỉnh, giúp nông dân có thêm cách thức sản xuất kinh doanh mới để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.


Có thể bạn quan tâm

Nữ tướng trồng rừng vượt nghịch cảnh thành tỷ phú Nữ tướng trồng rừng vượt nghịch cảnh thành tỷ phú

Bằng nghị lực vượt khó và sự sáng tạo trong làm ăn, từ người trồng rừng thuê, chị Nguyễn Thị Ba (sinh năm 1971, ngụ thôn Dương Lộc, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) đã vươn lên thành tỷ phú.

21/09/2016
Nông dân làm giàu từ nuôi con đặc sản Nông dân làm giàu từ nuôi con đặc sản

Đến thôn 323, xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn hỏi ông Nguyễn Duy Trình nuôi “con đặc sản” ai cũng biết, bởi lẽ ông là người mạnh dạn tiên phong nuôi hươu sao, lợn rừng, nhím... Từ mô hình này mang lại cho ông khoản lãi từ 120 - 150 triệu đồng mỗi năm.

21/09/2016
Quảng Nam Hiệu quả cao từ mô hình nuôi cua thương phẩm ở vùng triều Quảng Nam Hiệu quả cao từ mô hình nuôi cua thương phẩm ở vùng triều

Nuôi cua thương phẩm trên địa bàn TP.Hội An đã đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân, mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi thủy sản ở vùng triều ven sông.

21/09/2016