Nông dân Nghệ An trồng ớt chỉ thiên thu lãi hơn 130 triệu/ha
Vụ thu hoạch ớt năm nay, người dân các xã Nghĩa An, Nghĩa Liên, huyện Nghĩa Đàn đang phấn khởi vì không chỉ được mùa mà còn được giá.
Chị Cao Thị Tư ở xóm Hiệp 2, xã Nghĩa Liên (Nghĩa Đàn) thu hoạch ớt chỉ thiên. Ảnh: Minh Thái
Đây là năm thứ 2 gia đình Nguyễn Thị Huyền ở xóm 7, xã Nghĩa An trồng ớt cay chỉ thiên. Chị Huyền cho biết, cây ớt có khả năng sinh trưởng tốt, mùa thu hoạch kéo dài, cứ 3 - 5 ngày thu một lứa và cho quả liên tục 7 - 8 tháng, lợi nhuận cao.
Giống ớt chỉ thiên cho năng suất cao từ 8 tạ - 1 tấn/ sào; với gần 7 sào ớt, chị Huyền lãi gần 90 triệu đồng/năm.
Đặc tính của cây ớt là dễ trồng, công chăm sóc ít nên giảm được chi phí đầu tư, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Năm nay thời tiết ấm, thuận lợi cho cây ớt sinh trưởng phát triển nên được mùa, quả to, sai trĩu cành. Không những được mùa mà ớt còn được giá; hiện tại giá thu mua 13.000 - 15.000 đồng/kg… Cây ớt cay có hiệu quả cao hơn các cây trồng khác và có đầu ra ổn định, nhiều gia đình thu lãi ròng 130 - 150 triệu đồng/ha.
Chị Cao Thị Tư ở xóm Hiệp 2, xã Nghĩa Liên cho biết thêm: "Sau khi mạnh dạn chuyển đổi đất mía kém hiệu quả sang trồng ớt, tôi thấy cây ớt phù hợp với chất đất của địa phương, ớt sai quả, có thương lái đến tận vườn mua. Năm nay gia đình thu hoạch hơn 7 tạ/sào, trừ chi phí lãi khoảng 12 triệu đồng/sào".
Nhận thấy đây là loại giống dễ trồng, có khả năng kháng bệnh tốt, thời gian thu hoạch kéo dài đến 8 tháng, giá bán tương đối ổn định nên xã Nghĩa Liên đã phát triển diện tích lên 5ha trồng ớt cay chỉ thiên.
Theo ông Lê Thanh Đàn - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Liên, cây ớt cay chỉ thiên hiện đang chiếm ưu thế vượt trội, người dân thu hoạch đến đâu được tư thương trên địa bàn thu mua kịp thời đến đó, đem lại lại nguồn thu đáng kể. Giá ớt tăng đã kích thích nông dân đẩy mạnh việc chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích.
Mặc dù giá ớt tăng nhưng do phụ thuộc vào thương lái nên không có tính ổn định. Do đó, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân chủ động tăng cường mối liên kết 4 nhà, chủ động ký kết hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, tư thương để tránh bị thiệt thòi.
Có thể bạn quan tâm
Nông dân huyện Tịnh Biên đã mang cây thanh long ruột đỏ về miền đất núi. Hiện nay, mô hình mang lại hiệu quả so với các loại cây ăn trái khác.
Hiện nay, để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, nhiều hộ trồng na dai trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đã biết cách áp dụng các kỹ thuật để na ra trái vụ
Với 1,5 vạn mồi cây cam giòn, mỗi năm gia đình chị Bùi Thị Uyên ở thôn Sơn Bình, xã Thượng Lộc, Can Lộc (Hà Tĩnh) có thêm nguồn thu 450 triệu đồng.