Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Nông dân méo mặt, doanh nghiệp lao đao vì giá càphê xuống thấp

Nông dân méo mặt, doanh nghiệp lao đao vì giá càphê xuống thấp
Tác giả: Hưng Thơ
Ngày đăng: 21/12/2015

Nông dân lỗ, doanh nghiệp nợ

Khoảng 3 năm trước, "thủ phủ" cà phê của tỉnh Quảng Trị vào vụ mùa thì chợ lao động tại đường 14 giao với Quốc lộ 9 tại thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) rất nhộn nhịp, đông đúc.

Người lao động từ đồng bằng tay xách nách mang chỉ cần bước xuống xe, là đã được chủ vườn càphê đến hỏi han, ngã giá về ngày công.

Bây giờ thì khác, nom hơn nửa vụ mùa mà chợ cứ vắng hoe, giá càphê tuột dốc nên không ai thiết tha thuê nhân công để thu hái nữa.

Ông Hồ Văn Kham, chủ vườn càphê ở xã Hướng Phùng não nề, giá càphê quá thấp nên năm nay lỗ nặng, "bình quân giá càphê quả tươi từ đầu vụ đến nay xấp xỉ 5.000 đồng/1kg, mới nhẩm tính thôi là đủ đau đầu rồi".

Ông Kham nhẩm tính rằng, trả tiền cho người thu hái thuê cứ mỗi kg là 2.000 đồng, còn lại 3.000 đồng chia nhỏ ra tiền phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc...

thì chưa trả được tiền nợ phân bón vụ này.

Năm trước, và năm trước nữa, ông Kham cũng không lời lãi từ vườn cà phê vì giá quá thấp.

Dù sản lượng không đến nỗi nhưng lỗ cứ kéo dài, nên ông Kham đang tính chuyện không tái canh lại diện tích càphê đã già cỗi mà chuyển sang trồng hồ tiêu.

Vì giá rẻ, dù chưa hết vụ mùa nhưng không ít chủ vườn đã "chán nản", tuốt luôn cả càphê quả đang còn xanh để bán.

Bởi nếu đợi càphê chín đến đâu hái đến đó, sẽ rất tốn công và...

lỗ càng thêm nặng.

Nông dân buồn thiu vì làm không có lãi, còn DN chuyên thu mua, chế biến và xuất khẩu càphê có tiếng ở huyện Hướng Hóa cũng méo mặt vì quá "nhàn".

Cty TNHH Đại Lộc những năm qua là DN duy nhất ở huyện Hướng Hóa có khả năng xuất khẩu trực tiếp thương hiệu càphê Khe Sanh ra thế giới.

Niên vụ này, Đại Lộc đã có phương án sản xuất cụ thể và có nhu cầu vay từ 20 đến 50 tỉ đồng để thu mua, xuất khẩu càphê.

Nhưng do không được tiếp cận nguồn vốn, nên Đại Lộc chỉ mua nhỏ giọt từ 20 đến 50 tấn càphê quả tươi/ngày (công suất nhà máy từ 120 đến 150 tấn/ngày).

Ông Trần Quang Hải - Giám đốc Cty Đại Lộc cho biết: "Cty có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với đối tác nước ngoài, nên giải quyết vốn xoay vòng rất nhanh.

Nhưng không được ngân hàng giải ngân cho vay, nên chỉ sản xuất nhỏ giọt bằng cách liên kết với hộ dân, DN nhỏ theo dạng ký gửi, hoặc huy động vốn tự có".

Ngoài Cty Đại Lộc, Cty Cổ phần Thái Hòa Quảng Trị và một số DN có "số má" khác cũng rơi vào trường hợp tương tự.

Hết vụ mùa ngân hàng mới giải ngân cho vay?

Ông Nguyễn Văn Siêu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Hướng Hóa cho biết, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì nếu DN có nợ xấu sẽ không được cho vay.

"Những DN như Đại Lộc, Thái Hòa đã bán nợ cho VAMC (đơn vị mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng) nên không tiếp cận được vốn vay mới vì vướng một số quy định" - ông Siêu, nói.

Trước đó, vào giữa tháng 10.2015, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan trên địa bàn và xác định một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá thấp là vì càphê chín sớm, chỉ có các DN nhỏ thu mua với vốn tự có nên giá cũng không cạnh tranh...

Nếu tình hình này kéo dài, nguy cơ nông dân phá bỏ vườn càphê để chuyển đổi sang cây trồng khác là rất cao.

Vì vậy, ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã ký văn bản "Đề nghị cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân và DN" gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt nam và Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Agribank Việt Nam.

Ngày 26.11.20015, Agribank tỉnh Quảng Trị cũng đã tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho nông dân và DN kinh doanh càphê tại huyện Hướng Hóa.

Đại diện của Ngân hàng Nhà nước có mặt tại hội nghị nói rằng sẽ có văn bản, xem xét tháo gỡ những vướng mắc nhưng đến thời điểm này (gần hết niên vụ càphê) vẫn chưa có thông tin gì.

Trước đó, vào niên vụ càphê năm 2014, Cty Đại Lộc dù bị vướng nợ xấu nhưng vẫn được xem xét cho vay để sản xuất.

Tuy nhiên, ngân hàng giải ngân quá chậm, nên đến lúc tiếp cận được vốn vay thì đã hết...vụ mùa.

Ông Nguyễn Văn An, Tổng Giám đốc Cty CP Thái Hòa Quảng Trị nói rằng việc các DN lớn chế biến, kinh doanh càphê vướng nợ xấu là vào năm 2013, lúc đó gia càphê thị trường thế giới giảm mạnh.

Nhưng, nếu bây giờ ngân hàng tạo điều kiện cho vay và có quy chế giám sát đặc biệt bởi một cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng địa phương, thì DN mới làm ra lợi nhuận để trả nợ mới, nợ cũ...

Ông Trần Quang Hải khẳng định rằng, niên vụ này dù ngân hàng có cho vay đi nữa, cũng đã "muộn màng".

Bởi như năm trước, đến lúc Đại Lộc được giải ngân thì càphê đã không còn quả nào trên cây ."Cho DN tiếp cận vốn vay phải từ đầu vụ, mới có cơ sở để kinh doanh, để kiếm lợi nhuận mà trở nợ, chứ hết vụ rồi mới được vay để tính ngày trả lãi thì nguy hiểm quá" - ông Hải, nói.

Cái nguy hiểm nhất mà càphê Khe Sanh đang phải đối mặt, theo ông Hải là hiện nông dân không có lợi nhuận, nên không dám đầu tư vào cây càphê nữa.

Bên cạnh đó, các DN nhỏ do không xuất khẩu trực tiếp được với thương hiệu càphê Khe Sanh, nên đã bán cho các đại lý khác để trộn lẫn với càphê kém chất lượng để tung ra thị trường.

Vậy thương hiệu càphê Khe Sanh sẽ đi về đâu, khi cả nông dân và DN đều cầm chừng và được quan tâm khi đã "muộn màng".


Có thể bạn quan tâm

Cà phê Trung Quốc bít đường cà phê Việt? Cà phê Trung Quốc bít đường cà phê Việt?

Diện tích cà phê của riêng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã lên đến gần 125.000 ha, chiếm 85% diện tích cà phê của toàn Trung Quốc.

04/05/2015
Giá cà phê thu chín cao gấp rưỡi cà phê xô Giá cà phê thu chín cao gấp rưỡi cà phê xô

Theo thông tin từ ông Võ Khanh, Chủ nhiệm HTX Cầu Đất Xuân Trường, một đơn vị hiện đang thu mua và chế biến cà phê Arabica tươi cho biết, giá cà phê thu hái đạt chuẩn cao gấp rưỡi cà phê hái xô.

26/11/2015
Xuất khẩu cà phê nhân giảm dần do chế biến cà phê rang xay và hòa tan tăng Xuất khẩu cà phê nhân giảm dần do chế biến cà phê rang xay và hòa tan tăng

Cà phê Việt Nam được thị trường thế giới biết đến với danh hiệu nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất; tuy nhiên chỉ là về lượng, còn giá trị thực tế rất thấp do giá Robusta luôn thấp hơn Arabica gần một nửa và Việt Nam lại xuất khẩu chủ yếu cà phê nhân.

09/11/2015