Nông Dân Mạnh Dạn Đầu Tư Máy Gặt Đập Liên Hợp
Bước vào mùa vụ ở Bắc Ninh, chiếc máy gặt đập liên hợp (GĐLH) luôn trở thành “tâm điểm” cần mẫn làm việc trên khắp những cánh đồng lúa chín rộ. Cùng với việc hoàn thành dồn điền đổi thửa ở nhiều địa phương, nhu cầu sử dụng cơ giới trong thu hoạch lúa tăng cao, việc đầu tư cho những chiếc máy GĐLH cũng được nhiều nông dân quan tâm và chuyển theo hướng chất lượng hơn.
Ngắm chiếc máy DC60 tại đại lý của hãng Kubota ở Bắc Ninh, ông Hoàng Văn Dương, thôn Lạng Dương, xã Phú Lương, Lương Tài, tỏ ra khá ưng ý: “Năm 2013, trong khuôn khổ đề tài “Xây dựng mô hình Hợp tác xã dịch vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trong điểm mô hình xây dựng nông thôn mới”, do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh triển khai, những người dân ở Phú Lương đã được hỗ trợ 1 chiếc máy GĐLH, nhờ vậy, thời vụ thu hoạch nhanh chóng hơn hẳn, lại tiết kiệm được chi phí và công sức.
Năm nay, sau khi tham khảo ý kiến của một số chủ máy có kinh nghiệm, chúng tôi quyết tâm mua một chiếc máy GĐLH của Nhật với nhiều ưu điểm như đường cắt nhanh gọn, tỷ lệ thất thoát thấp và đặc biệt là ít hỏng vặt”. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều nông dân khi tìm đến cửa hàng này, chấp nhận chi phí cao để hạn chế rủi ro trong khi làm dịch vụ.
Được biết, trước đây, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, khá nhiều người chỉ dám mua những chiếc máy GĐLH Trung Quốc có giá hơn 200 triệu đồng hoặc những chiếc máy cũ được các cơ sở tân trang lại. Tuy nhiên, số máy này đa phần có độ bền không cao, hay hư hỏng, ảnh hưởng lớn đến thời vụ thu hoạch của nông dân cũng như lợi nhuận của các chủ máy.
Cùng đi với ông Dương, ông Nguyễn Văn Ngãi ở Thị trấn Thứa, Lương Tài cũng chia sẻ, để chuẩn bị vụ gặt mới, ông vừa phải bỏ ra 6 triệu đồng chi phí bảo dưỡng… cho chiếc máy GĐLH có xuất xứ Trung Quốc mà ông mua năm ngoái. Theo ông, phụ tùng các máy của Trung Quốc khá khó kiếm với chi phí lớn, nếu cứ thiếu một linh kiện thay thế thì có thể mất vài ngày, coi như mất ngay vài triệu đồng tiền công.
Đến cao điểm mùa vụ, nông dân đều mong muốn và yêu cầu thuê những máy GĐLH tốt, phù hợp với nhiều đồng đất, nhất là đồng trũng, lúa đổ, lúa ngã… Những người có ý định kinh doanh dịch vụ thu hoạch chuyển hướng đầu tư sang những chiếc máy nông nghiệp có chất lượng, chủ yếu là máy Nhật với độ bền cao, năng suất tốt hoặc hàng nội địa uy tín.
Ông Nguyễn Hùng Tiến, Phó Giám đốc Công ty CP Sản xuất và thương mại Việt Thành, đại lý của hãng Kubota tại Bắc Ninh cho biết: “Khi mới mở đại lý năm 2011, chúng tôi chỉ bán được 6 máy, cho đến cuối năm 2013, bán được 32 chiếc, công suất phổ biến là 60 mã lực (ML).
Nhu cầu sử dụng máy GĐLH tăng cao, hãng đã đa dạng thêm nhiều sản phẩm với việc cho ra dòng máy 35ML phù hợp với các đồng đất có diện tích nhỏ, trũng… và dòng 70ML cho những cánh đồng mẫu lớn. Đi kèm với đó là chế độ bảo hành và hướng dẫn kỹ thuật thường xuyên cho các chủ máy, hướng dẫn xử lý các sự cố kịp thời trong lúc cao điểm mùa gặt, qua đó, tạo sự an tâm cho cả chủ máy và người thuê dịch vụ”.
Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bắc Ninh, toàn tỉnh hiện nay có 75 chiếc máy máy GĐLH (tăng 37 chiếc so với năm 2010). Mặc dù tỷ lệ cơ giới hoá khâu tuốt lúa đã đạt 100% diện tích, tuy nhiên máy GĐLH mới đáp ứng được 6% nhu cầu thu hoạch, trong khi, lượng máy lưu động từ các tỉnh lân cận qua làm dịch vụ không đáng kể. Nhu cầu về máy GĐLH để thu hoạch lúa trên địa bàn tỉnh rõ ràng là rất lớn nhưng không phải nông dân nào cũng có đủ điều kiện để đầu tư mua máy.
Những chiếc máy GĐLH tốt thường có chi phí cao, 500-600 triệu đồng/chiếc mà thời vụ thu hoạch ngắn, khả năng bù vốn kéo dài. Chính sách hỗ trợ chung của tỉnh chưa có, nguồn hỗ trợ theo chương trình Khuyến nông Quốc gia cũng như đề tài khoa học do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh xây dựng mới triển khai được chưa đến 10 chiếc máy GĐLH.
Điều người dân rất mong mỏi tỉnh sớm đưa ra chính sách hỗ trợ đối với máy cơ giới nông nghiệp để họ có thêm một điểm tựa đầu tư cho những chiếc máy chất lượng. Đồng thời, các địa phương cũng cần làm tốt công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, tạo điều kiện để áp dụng, nâng cao hiệu quả cơ giới hóa.
Mục tiêu đến năm 2015, 30% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy GĐLH hoàn toàn có thể thực hiện được với một cơ chế chính sách, quy hoạch đồng bộ cũng như sự đầu tư đúng hướng của nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Trị có thế mạnh phát triển đàn bò thịt không chỉ ở quy mô nông hộ nuôi dưới 10 con mà còn phát triển thành trang trại lớn để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên. Hiện tại nguồn bò thịt ở địa phương này không đủ cung cấp cho thị trường.
Theo dự báo, mùa đông năm nay sẽ có nhiều đợt rét đậm, ảnh hưởng đến chăn nuôi và trồng trọt. Để giảm thiệt hại về kinh tế cho bà con nông dân, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động các biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc.
“Thơm, ngon, ngọt, mềm” là những từ thường được người tiêu dùng dành cho món thịt bò A Lưới. Bất cứ ai có dịp lên A Lưới đều không quên mang vài kg thịt bò về để ăn hoặc làm quà tặng bà con, bạn bè.
Để thích ứng hơn nữa với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và trình độ kỹ thuật canh tác của tỉnh miền núi Lâm Đồng, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng vừa bổ sung quy trình sản xuất cà phê bền vững theo phương pháp “3 lần 3” (3 phải, 3 giảm và 3 tăng) để chuyển giao rộng rãi cho người nông dân.
Tới nay đã có 52 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất rau, hoa ở Đà Lạt và vùng phụ cận (gồm các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà) được UBND thành phố Đà Lạt cấp Chứng nhận nhãn hiệu rau hoa Đà Lạt.