Nông dân Lý Sơn lo lắng trước vụ tỏi mới
Mùa tỏi buồn
Vụ tỏi đông xuân năm 2015- 2016 ở Lý Sơn đã kết thúc với năng suất thấp. Trong vụ này, toàn huyện Lý Sơn trồng 336ha tỏi, năng suất đạt gần 35 tạ/ha tỏi tươi, giảm trên 77 tạ/ha, mất 70% so với vụ tỏi đông xuân 2014 – 2015. Trong đó, cá biệt có những vùng mất trắng, nên nhiều nông dân rơi vào cảnh trắng tay. Đó là chưa kể chi phí cho vụ tỏi năm nay cũng tăng lên khá cao, do người dân nỗ lực cứu tỏi bằng nhiều biện pháp.
Cây tỏi từ lúc trồng đến lúc thu hoạch mất khoảng 5 – 6 tháng. Do đó, một năm chỉ trồng được một vụ tỏi. Như vậy mất một mùa tỏi đồng nghĩa với mất gần nửa năm không có thu nhập. Ngoài giá trị kinh tế, cây tỏi còn là “thương hiệu” của đất và người Lý Sơn.
Thường thì những niên vụ trước, mỗi sào tỏi trên đảo cho thu hoạch khoảng 600 – 700kg tỏi tươi. Nhưng năm nay, mỗi sào chỉ đạt vài chục ký. Thậm chí có vùng thu chưa được 10kg/sào, khiến nông dân chán nản, chẳng muốn thu hoạch. Bà Nguyễn Thị Liên, trú thôn Đông, xã An Vĩnh nói: “Thời tiết năm nay thất thường, sâu bệnh nhiều nên tôi thường xuyên thăm đồng và mua nhiều loại thuốc để bơm cho tỏi, nhưng vẫn không cứu vãn được. Mấy vụ trước một sào tỏi tôi thu tới 700 – 800kg tỏi tươi, vậy mà vụ này thu có 5kg...”.
Nguyên nhân dẫn đến mất mùa tỏi là do nắng hạn và sâu bệnh gây hại ngay đầu vụ, khiến nhiều diện tích tỏi không có khả năng sinh trưởng và phát triển. Đặc biệt là thời điểm tỏi tạo củ bị ảnh hưởng của mưa lạnh kéo dài, gây hại toàn bộ diện tích tỏi vụ đông xuân. Ông Lê Văn Đôi - Phó Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn cho biết: “Thời điểm sâu bệnh xuất hiện đe dọa cây tỏi, huyện đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan xuống tận đồng tìm hiểu, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn bà con phương thức phòng trừ sâu bệnh trên cây tỏi, nhưng do diễn biến bệnh phức tạp, tốc độ gây hại nhanh nên không cứu vãn được”.
Băn khoăn vụ tỏi mới
Tỏi mất mùa không những khiến nông dân trắng tay, mà nguy cơ thiếu giống để sản xuất cho niên vụ sau cũng là nỗi lo lắng của người trồng tỏi trên đảo. Bà Nguyễn Thị Liễu, thôn Đông, xã An Hải chia sẻ: “Tỏi vụ trước to, chắc củ, không sâu bệnh nên có thể trữ được lâu làm giống. Còn tỏi vụ này chất lượng thấp lại bị nhiễm bệnh, không biết trồng có đảm bảo không”.
Còn ông Ngô Văn Hồng – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lý Sơn thì cho biết: “Trước Tết, huyện cũng đã mời một số kỹ sư ở tỉnh An Giang và Công ty Khử trùng Việt Nam về nghiên cứu và hướng dẫn bà con loại trừ bệnh trên tỏi, nhưng vẫn không ăn thua. Nguyên nhân là do vụ tỏi vừa qua xuất hiện bệnh rầy mới có khả năng gây bệnh nhanh, chỉ sau một đêm mưa hoặc sương là cả ruộng tỏi đã vàng lụi. Vì thế, điều khiến nông dân lo lắng nhất chính là đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị trừ loại rầy mới này. Do đó, chúng tôi mong cấp trên quan tâm cử cán bộ chuyên môn về nghiên cứu, tìm ra loại thuốc đặc trị để bà con an tâm sản xuất vụ tỏi tiếp theo".
Những ngày này, nông dân Lý Sơn đang tất bật dọn đất để xuống giống vụ hành mới với hy vọng, mùa hành sẽ cho năng suất cao để gỡ gạc lại phần nào vụ tỏi mất mùa vừa qua. Song, nỗi lo vẫn hiện hữu trên gương mặt từng người.
Có thể bạn quan tâm
Yên Bình, huyện Thạch Thất (Hà Nội) từng là xã miền núi nghèo, 40% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) với những cách làm sáng tạo, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân nơi đây đã cải thiện rõ rệt.
Với việc ngay từ đầu xác định doanh nghiệp (DN) là lực lượng quan trọng để xây dựng nông thôn mới (NTM), TP.HCM đã thiết lập những chính sách phù hợp để phát huy tiềm lực này.
GS-TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp của nước ta đã dành riêng cho phóng viên NTNN cuộc trao đổi, qua đó đưa ra những phân tích, mổ xẻ cũng như đề xuất giải pháp để giúp người dân miền Tây từng bước thích nghi với hạn, mặn.