Mở cửa cho doanh nghiệp đầu tư về nông thôn
Với chính sách hỗ trợ từ 60 – 100% lãi suất ngân hàng, thành phố đã kéo nhiều DN về đầu tư ở nông thôn trong thời gian qua. Theo đó, mỗi năm ngân sách thành phố hỗ trợ khoảng 100 tỷ đồng cho DN đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Doanh nghiệp làm đầu tàu
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, hiện cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp với cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện của thành phố. Tính đến cuối năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đất đạt 375 triệu đồng.
Ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM nhận định, đạt được những thành tựu trong quá trình chuyển dịch này có công đóng góp khá lớn từ các DN. Tùy theo từng giai đoạn, thành phố sẽ có những chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, huy động và phát huy các nguồn lực để chuyển dịch cơ cấu. Theo đó, các DN là đầu tàu phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, góp phần xây dựng NTM.
Từ số liệu tổng vốn đầu tư, vốn vay và kinh phí hỗ trợ lãi vay theo Quyết định 36 và 13, cho thấy với 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay sẽ huy động được 33,6 đồng vốn xã hội. Trong đó, huy động từ ngân hàng là 19,9 đồng và huy động trong dân là 13,6 đồng. (Nguồn Sở NNPTNT TP.HCM)
Theo thống kê chưa đầy đủ ở 5 huyện, đến tháng 8.2015 đã có 13.047 DN tham gia đầu tư, trong đó 204 DN đầu tư vào nông nghiệp, góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh sản xuất, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân tại các xã.
Không chỉ là vấn đề kinh doanh, lợi nhuận, khi tham gia xây dựng NTM, các DN còn thể hiện vai trò xã hội khi đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát vùng nông thôn ngoại thành.
Đại diện Công ty Giày Viễn Thịnh (huyện Nhà Bè) cho biết từ khi về đầu tư ở nông thôn đã phối hợp với chính quyền địa phương đào tạo nghề cho lao động và nhận vào làm việc ngay tại nhà xưởng của công ty. Trong quá trình học nghề, người lao động không phải đóng học phí mà còn được hỗ trợ cơm trưa và 50.000 đồng/ngày.
Vốn vay còn hạn chế
Theo ông Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, trong giai đoạn 2016 – 2020, thành phố đề ra mục tiêu 56/56 xã đạt chuẩn NTM; số huyện đạt chuẩn NTM là 5/5 huyện. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 5,5%; giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất là 800 triệu đồng; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt ít nhất 60 triệu đồng/người/năm.
Theo thạc sĩ Trương Thiết Hà – Phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), để đẩy mạnh phát triển nông thôn, cần phải khơi thông nguồn vốn để các DN tiếp cận. Tuy nhiên, hiện nguồn vốn vay tại thành phố vẫn còn hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, mặc dù nguồn huy động đã tăng liên tục qua các năm. Ngoài Agribank (Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT) thì các tổ chức tín dụng khác đều có dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này thấp.
Ông Trần Du Lịch (đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM) cho rằng, bên cạnh sự tự vượt lên của mỗi huyện, đòi hỏi phải có chủ trương và chính sách của thành phố từng giai đoạn, tạo động lực phát triển sản xuất. Điều quan trọng là làm sao thu hút DN đầu tư về nông thôn nhiều hơn.
Có thể bạn quan tâm
Nắm bắt những nỗi niềm bà con nông dân về tình trạng sâu bệnh trên cây bắp, Công ty Cổ Phần Giống cây Trồng Miền Nam (SSC) đã tập trung đầu tư nghiên cứu, chọn tạo và phóng thích giống bắp nếp CX247 với nhiều ưu điểm nổi trội, nhất là khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn so với các giống đại trà mà bà con nông dân đang sản xuất.
Đến khối phố Hà Dừa, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) hỏi thăm thì ai cũng biết chị Phan Thị Hải.
Trong khi nhiều tỉnh, thành đang quay quắt lo chống đỡ nắng hạn khốc liệt, thì tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) có dư nguồn nước phục vụ cho dân suốt năm nay.