Nông Dân Lo Hạn Hán
Năm nay, khô hạn khắc nghiệt hơn hẳn mọi năm khiến sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn. Vừa qua, hàng trăm hécta mía ở xã Gia Canh, huyện Định Quán (Đồng Nai) cùng một vài nơi khác cháy rụi khiến nông dân càng bất an, lo lắng.
Tuy trong tỉnh chưa xảy ra tình trạng hoa màu hoặc cây trồng lâu năm chết khô vì hạn hán, nhưng nông dân đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiệt hại.
* Lao đao vì nắng
Nắng gắt, khô hanh kéo dài không chỉ gây nên tình trạng thiếu nước sản xuất mà còn tác động trực tiếp đến sự sinh trưởng của cây trồng, mùa vụ. Nông dân phải tốn nhiều chi phí, công sức hơn để chống hạn.
Huyện Tân Phú hiện đang là một trong những điểm “nóng” về nguy cơ khô hạn của tỉnh. Năm nay, mùa khô bắt đầu từ giữa tháng 11, riêng Tân Phú từ giữa tháng 10 hầu như đã dứt hẳn mưa khiến người dân khổ sở vì thiếu cả nước sinh hoạt và nước tưới.
Theo ông Trần Bá Đạt, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú, nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn vì nguồn nước ngầm bị hụt, nhiều hộ phải đào thêm giếng khoan để có nước tưới. “Nhà nhà tăng cường bơm nước tưới khiến nguồn điện bị quá tải, nông dân phải chuyển qua tưới đêm, nhiều hộ phải tưới bằng máy dầu.
Trung bình mỗi tuần, 1 hécta cây trồng phải mất cả triệu đồng tiền dầu phục vụ tưới tiêu là gánh nặng không nhỏ với nông dân. Huyện rất mong được đầu tư thêm các công trình thủy lợi để gỡ khó cho nông dân trong mùa khô” - ông Đạt nói.
Ông Tư Kiệm, nông dân ở xã Phú Hòa (huyện Định Quán), chia sẻ: “Với diện tích hơn 2 hécta trồng bưởi, ngoài nguồn nước từ giếng đào, tôi đã phải đầu tư thêm 4 giếng khoan vì 2 giếng không có nước. Đảm bảo nguồn nước tưới tiêu là nỗi lo không nhỏ với nông dân trong mùa khô”.
Ông Lê Minh Tôn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca cao huyện Thống Nhất, nhận xét: “Nắng gắt kèm với gió khô hanh nên dù dưới gốc ướt nước tưới, lá ca cao vẫn bị rụng vì cháy nắng; hoa ra đợt nào khô đợt đó nên mùa vụ năm nay nhiều nhà vườn chậm cho thu hoạch. Nếu khô hạn tiếp tục kéo dài, năng suất cây trồng bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi”.
* Chủ động chống hạn
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, vụ đông - xuân 2014, tổng diện tích trồng cây lương thực (bắp, lúa) toàn tỉnh đạt 26.665 hécta, tăng 756 hécta so với cùng kỳ năm ngoái. Ứng phó với tình trạng hạn hán trong mùa khô, nhiều địa phương đã chuyển đổi vụ lúa đông - xuân sang trồng bắp, hoa màu để giảm nhu cầu về nước tưới.
Ông Nguyễn Minh Kiều, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai, cho rằng: “Mùa khô năm nay khó khăn hơn vì mực nước tại một số hồ, đập thủy lợi đã rút xuống thấp, trong khi nhu cầu nước cung ứng cho tưới tiêu lại tăng”.
Công ty đã chủ động điều tiết nước, nếu cần thì bơm nước từ sông Đồng Nai dẫn nước vào đồng, đảm bảo nước tưới cho cả những điểm nóng khô hạn, như: cánh đồng Cao Cang (huyện Định Quán), cánh đồng Năm Sao (huyện Tân Phú)… nên đến nay, Đồng Nai chưa có cánh đồng lúa, hoa màu nào bị thiệt hại do khô hạn. Hiện công ty cũng chú trọng công tác hướng dẫn để nông dân có ý thức trong việc tiết kiệm nước tưới.
Theo Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, phương pháp tưới nước tiết kiệm là một trong những giải pháp hiệu quả giúp nông dân chống hạn trong mùa khô, góp phần tăng năng suất cây trồng và giảm chi phí đầu vào. Hiện toàn tỉnh có hơn 5 ngàn hécta cây trồng được lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Từ hiệu quả thực tế đã thuyết phục nhiều nông dân quan tâm và tiếp tục nhân rộng mô hình này.
Theo ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai, mùa khô năm nay hầu như không có mưa trái mùa khiến nguồn nước ngầm và nguồn nước ở các ao hồ, sông suối thiếu hụt hơn. Đồng Nai vừa có đợt cao điểm nắng nóng, có khi nhiệt độ ngoài trời tăng đến 40-41 độ C. Tuy tuần này, thời tiết mát mẻ hơn do nhiệt độ giảm, nhưng từ nay đến cuối mùa khô có khả năng sẽ tiếp tục xuất hiện những đợt cao điểm nắng nóng khác.
Có thể bạn quan tâm
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT về việc tăng cường các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh gạo, giá đậu trên thị trường.
Ngày 6/8/2013, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội thảo với chủ đề “Định hướng chiến lược nuôi tôm nước lợ bền vững tại Việt Nam”. Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Thanh Dũng, cùng đông đảo các nhà khoa học trong, ngoài nước và đại diện của hơn 30 tỉnh, thành phố có diện tích thả nuôi tôm nước lợ trong cả nước.
Thông qua Hội nông dân Lào Cai, Trung ương Hội nông dân Việt Nam vừa đầu tư cho vay 300 triệu đồng để xây dựng mô hình nuôi ngựa sinh sản thí điểm tại xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn.
Mưa lớn kéo dài trong dịp cuối tháng 7 và ảnh hưởng của cơn bão số 5 vừa qua đã làm cho nhiều diện tích rau ở các vùng ngoại thành Hà Nội bị ảnh hưởng, năng suất giảm mạnh. Mặc dù giá rau có tăng do sản lượng giảm nhưng nông dân vẫn buồn vì thất thu.
Chỉ với 1 sào đất, người nông dân có thể thu về cả trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng rau. Thực tế đó đang khiến nhiều hộ dân ở khu phố 5, phường Thác Mơ (TX. Phước Long, Bình Phước) hy vọng trong tương lai mô hình sản xuất này sẽ làm thay đổi cuộc sống của họ.