Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Lại Nói Làm Lúa Vụ 3 Hại Nhiều Hơn Lợi

Nông Dân Lại Nói Làm Lúa Vụ 3 Hại Nhiều Hơn Lợi
Ngày đăng: 15/11/2013

Sau khi TBKTSG Online đăng tin "Bộ NN-PTNT: Lúa vụ 3 lợi nhiều hơn hại" từ một dự thảo quy hoạch sản xuất lúa vụ 3 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tòa soạn đã nhận được bài viết phản hồi của một nông dân trồng lúa ở ĐBSCL, chúng tôi đăng bài viết này để rộng đường dư luận vốn có nhiều tranh luận về lợi và hại của lúa vụ 3 trong nhiều năm qua.

Nhiều năm nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam luôn tuyên bố lúa gạo dư thừa không có người mua nên phải mua tạm trữ với giá thấp tận đáy. Năm 2013 này, nông dân chúng tôi bán lúa đông xuân lời chút đỉnh, còn lúa hè thu bán với giá hòa vốn, vì thế, tăng diện tích làm lúa vụ 3 tức là tăng sản lượng lúa gạo sẽ hại nhiều hơn lợi do giá lúa gạo càng xuống thấp.

Tăng sản lượng, dư thừa, giá giảm

“Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng để giúp người dân cải thiện đời sống thì phải làm thêm lúa vụ 3. Thực tế, mấy năm nay, số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đều tăng nhưng chưa hẳn đời sống người dân tốt hơn mà ở một khía cạnh khác là chúng ta xuất khẩu càng nhiều gạo chẳng khác nào bảo hộ cho những nước mua gạo của Việt Nam”. Giáo sư Võ Tòng Xuân, vị chuyên gia nông nghiệp Việt Nam, đã đưa ra nhận định trên TBKTSG Online, như là tiếng nói của nông dân, và tiếng phản biện đại diện cho các nhà khoa học khác, đã không được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm.

Cái hại cho nông dân là phải bỏ ra từ 45 đến 50 triệu đồng một ha, để làm thêm lúa gạo, trong khi lúa gạo đang dư thừa, nên giá lúa gạo sẽ càng thấp hơn.

Nói rằng: Nông dân làm lúa vụ 3 bán có lời tăng thu nhập, nên tăng thêm diện tích lúa vụ 3, là chỉ thấy cái cục bộ ở 1 vụ lúa, nhưng không tính đến việc sản lượng lúa vụ 3 sẽ làm trầm trọng hơn việc dư thừa lúa gạo hiện nay.

Chính người nông dân làm lúa 3 vụ thu nhập chưa chắc đã tăng, do giá lúa của 2 vụ trước xuống thấp vì lúa dư thừa do làm vụ 3.

Độc canh lúa 3 vụ một năm, chỉ cần 1 vụ năng suất thấp, là thu nhập không bằng làm lúa 2 vụ, mà điều này rất dễ xảy ra, do dịch hại và sâu bệnh trong làm lúa 3 vụ tăng rất nhiều so với làm lúa 2 vụ.

Thế giới thiếu gạo ăn hay cung cầu cân đối thì giá gạo mới cao, nếu tăng sản lượng lúa gạo thì giá lúa gạo sẽ giảm, cung vượt cầu.

Năm 2009, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt kỷ lục 6 triệu tấn, trên TBKTSG Online tôi đã viết bài: “Xuất khẩu gạo đạt 6 triệu tấn, nông dân vui hay buồn?”, xin được trích ra đây:

“Năm 2008 xuất khẩu gạo đạt 4,7 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,9 tỉ đô la Mỹ (tính ra, giá bán bình quân 617,02 đô la Mỹ/tấn). Năm 2009 xuất khẩu đạt 6 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,6 tỉ đô la Mỹ (giá bán bình quân 433,33 đô la Mỹ/ tấn). Như vậy, mặc dù năm 2009 xuất khẩu nhiều hơn năm 2008 đến 1,3 triệu tấn gạo, nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm 300.000 đô la Mỹ, giá bán giảm 183,68 đô la Mỹ/tấn”.

Năm 2010, Việt Nam lại xuất khẩu đạt kỷ lục khoảng 6,71 triệu tấn lúa, nhưng cả năm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) mua lúa của nông dân với giá tạm trữ dưới 4.000 đồng/kg.

Năm 2013, giá lúa đông xuân quá thấp còn giá lúa hè thu thì ngang với giá thành. Khi được hỏi tại sao mua lúa hè thu cho nông dân giá quá thấp, ông Trương Thanh Phong - Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực Việt Nam kiêm Chủ tịch VFA phát biểu trên báo: “Đừng nói lời lỗ lúc này. Hãy trả lời câu hỏi muốn bán hay để lại cho vịt ăn”.

Lúa dư thừa nên phải bán với giá bằng giá thành, nếu không phải cho vịt ăn vì chẳng ai mua, vậy làm lúa vụ 3 sẽ tăng sản lượng lúa gạo và giá sẽ càng thấp.

Tăng sản lượng lúa gạo mà giảm kim ngạch xuất khẩu lúa gạo thì tăng để làm gì? Tăng sản lượng mà nông dân thu nhập thấp hơn thì tăng sản lượng để làm gì? Phải đầu tư 45 – 50 triệu đồng một ha để làm lúa vụ 3, trong khi lúa gạo dư thừa là một điều hết sức kỳ cục xét về mặt kinh tế.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện trên TBKTSG Online đã yêu cầu: “Cần phải giải bài toán chi phí – lợi ích của việc canh tác lúa vụ 3 trong mùa lũ để xem giữa tổng lợi ích và tổng chi phí cái nào lớn hơn".

Nông dân lỗ hay lời

Về chi phí, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện liệt kê ra như sau:

“Nếu xét tất cả chi phí cho xã hội, kể cả chi phí trực tiếp và gián tiếp, kể cả chi phí tại chỗ và chi phí ở những nơi khác ĐBSCL thì có một danh sách dài những chi phí tiềm ẩn bao gồm: chi phí đầu tư đắt đỏ để xây dựng và duy tu đê; chi phí nhân lực, tài lực, vật lực cứu đê, cứu lúa; thiệt hại của những diện tích không cứu kịp; đất và con người không được nghỉ ngơi để hồi sức; phù sa không vào đồng được, mất nguồn dinh dưỡng tự nhiên, sau một thời gian đất sẽ bị kiệt dinh dưỡng và chi phí sản xuất sẽ tăng lên…”.

Để chứng minh làm lúa vụ 3 có hiệu quả Báo cáo dự thảo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dùng số liệu trong “Bảng 2: Hiệu quả kinh tế các vụ lúa và các loại hình sử dụng đất lúa vùng ĐBSCL (năm 2011)”, với ghi chú “Năm 2011 là năm có giá nhất trong các năm qua, và tăng dần trong năm”.

Chỉ lấy năm 2011 là năm có giá cao nhất, giá lại tăng dần từ vụ đông xuân đến vụ 3, liệu có tiêu biểu cho hiệu quả lúa vụ 3 từ trước đến nay không? Còn những năm giá lúa vụ 3 thấp hơn vụ đông xuân thì sao? Sao không lấy bình quân nhiều năm, sao không lấy năm gần nhất 2013 khi nông dân bán lúa bằng với giá thành?

Rõ ràng, chúng ta điều thấy cách lấy số liệu như vậy không có giá trị về mặt thống kê.

Cho nên, không thể lấy số liệu hiệu quả về giá cả của duy nhất năm 2011 là năm giá tăng đột biến, mà định hướng cho việc tăng diện tích lúa vụ 3 trong tương lai đến năm 2020.

Vậy mà, đây lại chính là số liệu chủ yếu để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ sở cho đầu tư đến 28.500 tỉ đồng để tăng diện tích lúa vụ 3.

Nông học và môi trường

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết: “Ngoài ra, việc giảm diện tích nhận nước vào đồng sẽ làm cho nước chảy xiết hơn trong kênh mương, dẫn đến sạt lở, và tăng ngập ở những nơi khác, kể cả những thành phố, làng mạc ở phía hạ lưu. Do đó, sẽ phát sinh chi phí chống sạt lở và các biện pháp bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng con người; tăng chi phí nạo vét cửa sông Mê kông phục vụ giao thông thủy (do phù sa thay vì bồi lắng trên đồng thì bị trôi xuống vùng cửa sông); mất nguồn cá và tài nguyên thiên nhiên, sinh kế mùa lũ; nước thoát ra biển nhanh hơn trong mùa lũ gây xâm nhập mặn sâu hơn trong mùa khô”.

Về mặt nông học: Đắp đê để làm lúa vụ 3 khiến cho đất ngày càng bạc màu do không được phù sa bồi đắp hằng năm, chế độ dinh dưỡng trong đất bị mất cân đối, đất nghèo dinh dưỡng làm cho lúa có năng suất thấp, muốn tăng năng suất phải tăng phân bón, khi tăng phân bón thì sâu bệnh sẽ tăng, lại phải tốn thêm chi phí phun xịt sâu bệnh.

Độc canh cây lúa cả 3 vụ trong năm làm tăng sâu hại và dịch bệnh, là điều mà các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam thường xuyên cảnh báo.

Điển hình, năm 2007, khi Đồng bằng sông Cửu Long thiệt hại nặng nề do dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, các nhà khoa học yêu cầu phải cắt bớt vụ để ngăn dịch rầy nâu là tác nhân mang mầm bệnh.

PGS Nguyễn Bảo Vệ, thuộc trường Đại học Cần Thơ, xử lý từ Báo cáo Hội thảo cải thiện lúa 3 vụ tại An Giang, đã đưa ra 9 yếu tố có ảnh hưởng đến tính bền vững của sản xuất lúa 3 vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có 7 yếu tố thuộc về nông học, muốn biết rõ xin đọc bài viết của PGS, ở đây tôi chỉ nêu tóm tắt những ý chính [*]:

1) Sâu bệnh nhiều hơn

Kiểu canh tác lúa 1 vụ thì lúa không có lúa trên đồng khoảng 6 tháng; ở kiểu canh tác 2 vụ thì có khoảng 4 tháng, còn kiểu canh tác 3 vụ lúa thì chỉ khoảng 1 tháng. Thời gian không có lúa trên đồng càng ngắn là điều kiện để cho sâu bệnh phát triển càng nhiều do thức ăn lúc nào cũng có. Chính vì vậy, canh tác lúa 3 vụ để tăng năng suất lúa/năm sẽ làm cầu nối cho sâu bệnh có cơ hội phát triển quanh năm và phát triển thành dịch.

2) Đất không còn nhận được phù sa

Phù sa là nguồn dinh dưỡng cho cây trồng mà thiên nhiên ban tặng cho ĐBSCL kể từ khi hình thành vùng đất này… Bao đê không cho nước nổi hay triều cường tràn vào đồng ruộng có nghĩa là đã bỏ đi cái lộc mà thiên nhiên ban tặng. Dinh dưỡng cung cấp cho lúa bây giờ hoàn toàn dựa vào nguồn phân bón, làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của nông dân.

3) Ô nhiễm môi trường nặng hơn

Nếu không có nước nổi hay triều cường rửa được độc chất ra khỏi vùng sản xuất thì không những gây hại cho môi trường đất mà còn làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

4) Gây ngộ độc hữu cơ cho lúa

Theo khảo sát của chúng tôi thì ở vùng canh tác lúa 3 vụ/năm, ngộ độc hữu cơ đã xảy ra quanh năm, ngay cả vụ đông xuân. Điều này rất tai hại cho vụ lúa chính trong năm ở ĐBSCL.

5) Làm đất mau suy thoái

Canh tác lúa nhiều vụ trong năm theo kiểu 3 vụ làm cho nông dân không có thời gian để cày ải phơi đất, đất bị ẩm ướt hầu như quanh năm và luôn ở trạng thái khử, tạo ra chất phenol trong đất ngăn cản sự phát triển của cây trồng, ngăn cản sự hấp thụ dưỡng chất của lúa và khả năng tích lũy khoáng N của đất bị giảm.

6) Lúa vụ 3 có hiệu quả kinh tế thấp

Lúa vụ 3 được canh tác trong điều kiện tự nhiên rất bất lợi để cây lúa phát triển như:

- Mây nhiều, thiếu nắng: quang hợp giảm, thiếu tinh bột làm hạt lửng.

- Mưa nhiều: lúa thụ phấn kém làm hạt lép nhiều; dưỡng chất dễ bị rửa trôi.

- Gió nhiều: lúa đổ ngã, giảm năng suất.

- Sâu bệnh nhiều: sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hơn.

- Nước nổi dâng cao: chi phí tăng do phải ngăn nước nổi, triều cường.

- Năng suất thấp, chi phí tăng cao dẫn đến hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa vụ 3 thấp.

7) Năng suất lúa giảm theo thời gian

Tất cả những yếu tố có ảnh hưởng đến sản xuất lúa 3 vụ đã trình bày ở trên như: sâu bệnh phát triển nhiều hơn; đất không còn nhận được phù sa; gây ra ô nhiễm môi trường; ngộ độc hữu cơ cho lúa nhiều hơn; làm đất mau suy thoái; sức sản xuất của nông dân giảm… sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất của lúa về mặt lâu dài (Nguyễn Bảo Vệ và cộng tác viên 2002). Trong nghiên cứu lúa 3 vụ, Nguyễn Hữu Chiếm (1999) cũng đã có kết luận là năng suất lúa có khuynh hướng giảm theo thời gian canh tác ở cả 3 vụ.

Tóm lại, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không chứng minh được rằng lúa gạo thế giới sẽ bị khủng hoảng thiếu trầm trọng, giá lúa gạo sẽ tăng cao trong những năm tới, thì việc đầu tư đến 28.500 tỉ đồng để tăng diện tích lúa vụ 3 lên 1 triệu ha là không đúng về mặt kinh tế, thiếu sót về mặt khoa học khi không quan tâm đến phản biện của các chuyên gia về mặt nông học và môi trường, nhất là sẽ đưa nông dân đến cảnh càng làm lúa nhiều càng lỗ.

(*) Bài “Những yếu tố có ảnh hưởng đến tính bền vững của sản xuất lúa ba vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long”


Có thể bạn quan tâm

9 Tháng, Phường Quảng Tiến Đánh Bắt 15.500 Tấn Hải Sản, Đạt 96,8% Kế Hoạch 9 Tháng, Phường Quảng Tiến Đánh Bắt 15.500 Tấn Hải Sản, Đạt 96,8% Kế Hoạch

Thời gian qua, phường Quảng Tiến (thị xã Sầm Sơn) đã tập trung chỉ đạo, động viên bà con ngư dân tích cực đầu tư, nâng cấp phương tiện đánh bắt hải sản nhằm nâng cao năng suất lao động. Hiện nay, toàn phường có 217 phương tiện đánh bắt hải sản các loại, với tổng công suất 54.000 CV, số lao động trực tiếp đi biển là 1.900 người.

13/10/2014
Hội Nông Dân Huyện Nga Sơn Khuyến Khích Nông Dân Sử Dụng Đệm Lót Sinh Học Trong Chăn Nuôi Hội Nông Dân Huyện Nga Sơn Khuyến Khích Nông Dân Sử Dụng Đệm Lót Sinh Học Trong Chăn Nuôi

Thấy rõ vấn đề trên Hội Nông dân huyện Nga Sơn đã chủ động phối hợp với Hội Làm vườn và Trang trại huyện tổ chức tuyên truyền, vận động và mở các đợt tập huấn, giúp hội viên nông dân nắm vững kiến thức bảo vệ môi trường và áp dụng công nghệ chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học.

13/10/2014
Bảo Đảm Hài Hòa Lợi Ích Của Doanh Nghiệp Và Bà Con Nông Dân Bảo Đảm Hài Hòa Lợi Ích Của Doanh Nghiệp Và Bà Con Nông Dân

Chính quyền địa phương và Công ty cổ phần Khoa học và Công nghiệp (KH&CN) Việt Nam cần bàn bạc kỹ lưỡng và thống nhất cao trong quá trình thực hiện nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của cả doanh nghiệp đầu tư và bà con nông dân cho doanh nghiệp thuê đất sản xuất nông nghiệp.

13/10/2014
Đầu Tư 6 Triệu USD Sản Xuất Giống Tôm Đầu Tư 6 Triệu USD Sản Xuất Giống Tôm

Hạ tầng được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại, khép kín; hệ thống bể sản xuất và ương giống xây dựng theo kiểu nhà kính… Dự kiến, cuối năm 2015 sẽ đưa vào hoạt động, công suất 720 triệu post 12/năm, cung ứng khoảng 70% nhu cầu nuôi cho người nuôi ở vùng Ngũ Điền.

13/10/2014
Hội Nghị Tổng Kết Mô Hình Cá Diêu Hồng Trong Lồng Hội Nghị Tổng Kết Mô Hình Cá Diêu Hồng Trong Lồng

Năm 2014, từ nguồn kinh phí khuyến nông Trung ương, Trung tâm KNKN Vĩnh Phúc phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Bình Xuyên triển khai mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng từ tháng 4 - 10/2014, với quy mô 10.000 con/100 m3 lồng, cỡ cá giống khi thả là 240 con/kg.

13/10/2014
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.