Nông Dân Khánh Hội Năng Động Trong Phát Triển Kinh Tế
Thực hiện chủ trương xoá đói giảm nghèo, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả của Đảng uỷ xã Khánh Hội, huyện U Minh, năm qua nông dân trong xã mạnh dạn đầu tư và phát triển nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Tiêu biểu nhất là mô hình trồng táo của ông Trương Văn Dũng, ở ấp 8. Qua nhiều năm tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, ông Dũng nhận thấy cây táo rất thích hợp với vùng đất U Minh. Ông bắt đầu cải tạo đất, trồng hơn 200 gốc táo trên diện tích 2.500 m2. Giống được ông lựa chọn kỹ lưỡng, là giống táo hồng ở Cần Thơ, với giá khoảng 28.000 đồng/cây giống.
Khâu chăm sóc đối với cây táo không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật, chỉ cần khoảng 2-3 ngày tưới nước 1 lần, phun thuốc ngừa sâu bệnh và giúp cây tăng trưởng nhanh, đồng thời ủ rơm và giữ ẩm cho đến khi cây trưởng thành thì tiến hành rải phân định kỳ cho đến khi thu hoạch.
Cây trồng 6 tháng thì bắt đầu cho thu hoạch. Trong 6 tháng đầu mỗi cây cho thu hoạch bình quân 10 kg trái, đến 12 tháng sau, mỗi cây cho khoảng 50 kg trái. Với giá bán trung bình 10.000 đồng/kg, trừ các chi phí thì lợi nhuận đạt được từ 2.500 m2/vụ là hơn 100 triệu đồng. Được biết, ông Dũng bắt đầu trồng táo từ năm 2005 và đến nay đã thu hoạch được 9 vụ. Hiện nay, tại ấp 8 có thêm 2 hộ dân đang thực hiện mô hình này và đã thu hoạch vụ đầu tiên.
Anh Nguyễn Tùng Chinh, ấp 1, là hộ cận nghèo, khá lên nhờ mô hình nuôi dê. Năm 2012, với đồng vốn ít ỏi nên anh chỉ mua 2 con dê giống với giá 2 triệu đồng. Đến tháng 9/2013, đàn dê của anh được hơn 10 con. Qua nhiều lần nhân giống, hiện tại anh Chinh có 18 con dê (13 con cái, 5 con đực), trong đó có 30 con đang chửa.
Anh Chinh cho biết, chăm sóc dê không tốn thời gian, thức ăn của dê là những cây cỏ xung quanh nhà nên chi phí hoàn toàn không tốn kém. Thông thường dê nuôi trên 6 tháng là trưởng thành và có trọng lượng khoảng 40-50 kg/con.
Anh Chinh vừa bán 4 con dê được trên 12 triệu đồng. Dê thịt được bán với giá 100.000 đồng/kg, dê giống 1 con dê cái khoảng 2 triệu đồng, dê đực thì 1,5 triệu đồng. Hiện tại đàn dê của anh Chinh, con lớn nhất trên 40 kg, số còn lại nhỏ nhất cũng 20 kg. Anh đang chuẩn bị bán một số con gồm cả dê thịt và dê giống. Ước tính sau 2 đợt bán dê, anh Chinh đã lấy lại số tiền mua giống trên 20 triệu đồng. Số lượng dê còn lại sẽ là lợi nhuận của anh trong thời gian tới.
Cũng ở ấp 8, ông Phan Minh Chí thực hiện thành công mô hình nuôi cá đồng. Ông nuôi cá trong 2 ao với tổng diện tích trên 250 m2, ông tự ép giống cá bổi và thả 75.000 con cá giống với mật độ 30 con/m2, bình quân 7 con/kg. Sau 6 tháng, ông thu hoạch 1.500 kg cá thương phẩm, bán với giá 65.000 đồng/kg, tổng thu gần 100 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, ông lãi gần 50 triệu đồng/vụ.
Sau khi thu hoạch cá bổi, ông Chí tiếp tục cải tạo ao đầm thả cá trê đồng. Ông thả 270 kg cá giống cùng với cá giống thu gom từ môi trường tự nhiên, tổng số trên 5.000 con. Sau 4 tháng, ông Chí thu hoạch được 1 tấn cá lớn với giá 65.000 đồng/kg. Trừ chi phí con giống và thức ăn, sau mỗi vụ nuôi cá trê, ông Chí thu về trên 30 triệu đồng.
Ông Lê Quang Lung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Hội, chia sẻ: Thời gian qua, nhiều hội viên trong xã tích cực, hăng hái lao động sản xuất, xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhờ đó, đời sống bà con hội viên ngày càng nâng cao. Các mô hình cũng được Hội Nông dân xã tổ chức tham quan và sẽ nhân rộng trong thời gian tới, nhằm góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Để việc triển khai cánh đồng mẫu lớn đạt kế hoạch và hiệu quả cao, huyện chủ động yêu cầu các doanh nghiệp chuẩn bị đủ lượng giống cần thiết để cung ứng cho nông dân. Đồng thời, tổ chức tập huấn, triển khai quy trình sản xuất và lịch thời vụ theo quy định của ngành Nông nghiệp tỉnh. Để việc tiêu thụ thuận lợi, hiện Công ty cổ phần chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định ký kết hợp đồng bao tiêu củ mì với nông dân.
Sau khi thu hoạch tôm sú và tôm thẻ chân trắng, tính đến nay, nông dân các xã vùng tôm - lúa của huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã gieo cấy được 9.779 ha lúa, đạt 88,9% so kế hoạch, các xã có diện tích xuống giống đạt chỉ tiêu từ 100% trở lên là: Thạnh Phú, Gia Hòa 2, Tham Đôn, Thạnh Quới. Ngoài các giống lúa chủ lực như: ST5, OM 4900, OM 6162… năm nay nông dân còn chọn các giống ngắn ngày có khả năng chịu mặn để đưa vào sản xuất.
Tiêu chết nhanh, chết chậm (thối gốc, rễ) luôn là nỗi ám ảnh lớn của người nông dân bởi đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một biện pháp nào để khắc phục hiệu quả căn bệnh này. Với người trồng tiêu huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, năm nay lại là một mùa vụ buồn khi mà diện tích tiêu tàn lụi ngày một tăng. Thậm chí, ở nhiều hộ gia đình, số lượng tiêu sống chỉ còn vài trụ.
Mô hình trồng nấm bào ngư xuất hiện ở TX. Gò Công (Tiền Giang) khoảng 2 - 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, do người mua phôi nấm không rõ nguồn gốc, người bán không chịu trách nhiệm về chất lượng; đầu ra sản phẩm nấm bấp bênh, dễ bị thương lái ép giá… nên không ít người trồng lâm vào cảnh lỗ vốn, bỏ nghề.
Vụ hè thu năm 2013, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành triển khai thực hiện mô hình sản xuất đậu nành kết hợp bao tiêu sản phẩm tại xã Tân Nhuận Đông, mô hình bước đầu cho hiệu quả cao hơn so với trồng lúa.