Nông Dân Huyện Cai Lậy Góp Sức Xây Dựng Nông Thôn Mới

Xác định vai trò chủ thể của nông dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Hội Nông dân huyện Cai Lậy đã tích cực vận động hội viên thi đua lao động sản xuất, đóng góp kinh phí, ngày công lao động, hiến đất... để địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM theo tiến độ.
Trong năm 2014, các cơ sở Hội Nông dân đã tổ chức hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) cho 14.600 lượt hội viên, giải ngân 157 tỷ đồng cho 10.659 hội viên phát triển mô hình sản xuất phù hợp, chăn nuôi, mua bán nhỏ. Nguồn “Quỹ Hỗ trợ nông dân” các xã đã huy động 1,8 tỷ đồng trợ vốn cho nông dân khó khăn. Hầu hết hội viên sử dụng vốn đúng mục đích, nâng cao thu nhập gia đình.
Đặc biệt, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi” đã tạo động lực để hội viên nâng cao hiệu quả các mô hình sản xuất, chăn nuôi, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KHKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, thực hiện tiêu chí thu nhập và hộ nghèo trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM.
Qua bình chọn năm 2014, huyện Cai Lậy có 10.765 nông dân SXKD giỏi 3 cấp, trong đó có 2.265 hộ là nhân tố mới với tinh thần vượt khó, chí thú làm ăn, vươn lên làm giàu.
Là điển hình nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh với mô hình chuyên canh sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao, ông Hàn Văn Phúc ở ấp 1, xã Cẩm Sơn cho biết: “Sau 5 năm chuyển đổi từ ruộng sang vườn chuyên canh sầu riêng, kinh tế gia đình tôi đã khá lên rất nhiều.
Cũng nhờ chính quyền xã hoàn thiện hệ thống đê bao khép kín và tăng cường chuyển giao KHKT mà bà con quanh đây chọn được giống cây trồng phù hợp, sản xuất hiệu quả hơn. Nông dân chúng tôi xác định, phát triển kinh tế gia đình là điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống và đóng góp cho xã nhà theo khả năng, điều kiện”.
Các cấp Hội Nông dân huyện Cai Lậy còn vận động hội viên và người dân đóng góp kinh phí, hiến đất, hoa màu, ngày công… hoàn thiện các công trình giao thông, thủy lợi. Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, bộ mặt nhiều vùng nông thôn đã “thay da đổi thịt”, các tuyến đường liên ấp, liên xã đều được nâng cấp, mở rộng, nhựa hóa hoặc dal hóa. Trong sự thay đổi đó, có đóng góp không nhỏ của hội viên nông dân.
Năm 2014, hội viên đã góp sức tu sửa, khai thông dòng chảy 23 km đường giao thông nông thôn, kinh mương nội đồng phục vụ sản xuất và vận chuyển, giao thương hàng hóa. Đã xuất hiện nhiều điển hình hội viên nông dân chủ động hiến đất, tự nguyện giải phóng mặt bằng mở rộng các tuyến đường nông thôn theo chuẩn NTM, là nhân tố tích cực để tuyên truyền, vận động người dân trong khu vực.
Khi xã vận động hiến đất mở rộng tuyến đường liên ấp Bình Thuận - Bình Hòa A, ông Lê Văn Cạnh, nông dân ấp Bình Hòa A, xã Tam Bình là một trong những hộ đầu tiên di dời hàng rào, giải phóng mặt bằng để công trình sớm thi công.
Ông chia sẻ: “Hồi trước khu vực này nắng bụi mưa bùn, đi lại rất khó khăn; bây giờ lưu thông dễ dàng, thuận tiện lại sạch sẽ. Đường sá khang trang thì việc xây dựng NTM sẽ đạt hiệu quả cao nên người dân rất đồng tình, hưởng ứng. Không chỉ bản thân tôi tích cực tham gia đóng góp mà từng hội viên nông dân nơi đây đều nhận thức rõ vai trò của mình nên vận động người thân, hàng xóm chung tay xây dựng quê hương”.
Huyện Cai Lậy hiện có 24.000 hội viên nông dân tham gia sinh hoạt tại 16 cơ sở hội. Xác định nông dân là chủ thể thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, hơn 3 năm qua, phong trào Nông dân tham gia phát triển kinh tế xã hội, xây dựng NTM được các cấp hội triển khai sâu rộng, đạt kết quả nhất định ở các tiêu chí: thu nhập, hộ nghèo, giao thông, thủy lợi, an ninh trật tự …
Với vai trò cầu nối giữa nông dân với chính quyền, Hội Nông dân cơ sở đã làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức hội viên. Nhạy bén, cần cù lao động, hội viên nông dân huyện Cai Lậy đã ứng dụng hiệu quả tiến bộ KHKT vào sản xuất, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, nâng cao thu nhập, góp sức hoàn thiện hạ tầng nông thôn, bảo đảm quốc phòng, an ninh... cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM theo kế hoạch.
Nguồn bài viết: http://baoapbac.vn/kinh-te/201412/nong-dan-huyen-cai-lay-gop-suc-xay-dung-nong-thon-moi-567227/
Có thể bạn quan tâm

Đó là ông Đỗ Đình Hòa, chủ cơ sở sản xuất meo nấm ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn (Bình Định). Hiện cơ sở của ông Hòa chuyên sản xuất meo giống nấm sò, nấm rơm, nấm mộc nhĩ, cung cấp thành phẩm nấm các loại. Từ sản xuất, kinh doanh mặt hàng nấm, ông Hòa có lãi ròng vài trăm triệu đồng/năm.

Do giá mủ cao su trên thị trường giảm mạnh, trồng cao su không có lợi nhuận, thậm chí bị lỗ nên nhiều người ở huyện Đak Đoa (Gia Lai) đã chặt bỏ cây cao su (chủ yếu là cao su tiểu điền) chuyển sang trồng các loại cây khác như hồ tiêu, cà phê nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo tin từ Trung tâm Phát triển lâm nghiệp Hà Nội, sau 4 ngày (từ 4/9) tập trung dập ổ dịch sâu róm hại thông trên 27,5ha rừng tại 2 xã Nam Sơn và Phù Linh (huyện Sóc Sơn) bằng thuốc trừ sâu sinh học Kuraba WP, tỷ lệ sâu róm bị diệt trừ đạt 95%. Tỷ lệ này đạt hiệu quả cao so với sử dụng thuốc truyền thống.

Tháng 6-2011, Tổ sản xuất chôm chôm ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách (Bến Tre) được công nhận đạt bộ tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP), với diện tích hơn 22ha, có 36 hộ tham gia. Đây là tổ sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn GlobalGAP đầu tiên của huyện được công nhận. Thế nhưng mô hình rất khó nhân rộng, bởi chi phí quá cao và còn nhiều chuyện phải bàn.

Theo quyết định được Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố vào cuối tuần trước, vải và nhãn tươi của Việt Nam sẽ được phép xuất khẩu vào Mỹ nếu đáp ứng được 1 số tiêu chuẩn về vệ sinh-an toàn thực phẩm.