Nông dân Hoài Nhơn (Bình Định) phát triển trồng cỏ nuôi bò
Với hiệu quả kinh tế thiết thực, phong trào trồng cỏ nuôi trâu, bò đã lan rộng ở nhiều địa phương thuộc huyện Hoài Nhơn. Ông Nguyễn Văn Quốc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoài Sơn, cho biết: Hoài Sơn là xã miền núi, có trên 3.000 ha rừng tự nhiên, nên có tiềm năng thế mạnh về chăn nuôi trâu, bò.
Những năm qua, ngoài việc trồng rừng kết hợp với chăn nuôi, bà con trên địa bàn xã còn tận dụng trên 15 ha đất trồng hoa màu kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại cỏ sữa, cỏ tây lông và cỏ voi để phục vụ chăn nuôi vỗ béo bò tại hộ gia đình.
Toàn xã có trên 2.000 hộ chăn nuôi với tổng đàn bò trên 4.600 con, hộ nuôi ít nhất 2 con, nhiều nhất trên 20 con. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Kiếm, ở thôn Cẩn Hậu, chuyển trên 2.500m2 đất trồng mì kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò vỗ béo, mỗi năm xuất bán 2 lứa, mỗi lứa 2 - 3 con, giá từ 25 - 30 triệu đồng/con.
Ông Trương Hữu Thoại, ở thôn Định Trị, xã Hoài Mỹ, bộc bạch: “Trước đây gia đình tôi có đàn bò trên 7 con, việc tìm kiếm nguồn thức ăn tự nhiên hàng ngày, nhất là trong mùa mưa, rất nan giải, thêm vào đó, việc chăn thả theo lối cũ chiếm phần lớn thời gian nên không thể làm thêm được việc gì khác. Trong 3 năm gần đây, cũng như nhiều hộ khác, tôi tận dụng các khoảnh trống trong sân nhà, ven mương thủy lợi, đất vườn bạc màu để trồng cỏ nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế khá cao”.
Không chỉ người dân ở các xã như Hoài Sơn, Hoài Mỹ, Hoài Đức, Hoài Xuân, Hoài Tân… mà nhiều người dân Phụ Đức, Trung Lương, thị trấn Bồng Sơn cũng tận dụng hàng chục hecta đất phù sa dọc theo ven sông Lại để trồng cỏ nuôi bò. Nhiều năm qua, ông Thái Kế Đạt, ở khối 3, trồng 2.000m² cỏ trên bãi sông, đủ nuôi đàn bò thịt lúc cao điểm hơn 20 con, thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng.
Ông chia sẻ: “Do ở thị trấn nên đất đai ngày càng hạn chế, một số hộ tận dụng trồng cỏ dọc bờ sông. Gia đình tôi cũng mua giống về trồng. Một đợt cắt cỏ xong, 2 tuần sau cỏ phủ cao và tiếp tục cắt lại. Cỏ tây, cỏ voi, cỏ sữa ống mềm, bò dễ ăn, dễ tiêu hóa, nhiều dưỡng chất, giúp bò tăng trọng nhanh”.
Trong năm 2015, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, huyện Hoài Nhơn triển khai mô hình trồng thâm canh một số giống cỏ mới chất lượng cao quy mô 1.000m² tại thôn Phú Xuân, xã Hoài Mỹ. Ông Trần Nhật Phương, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Huyện sẽ trồng thí điểm 2 giống cỏ Ghi nê và cỏ B. Lanto II. Nếu hiệu quả mang lại cao, Trạm sẽ tiếp tục nhân rộng giống cỏ này để giúp cho bà con nông dân thêm một giống cỏ mới, đáp ứng yêu cầu chăn nuôi trâu bò, giúp tăng thu nhập”.
Có thể bạn quan tâm
Theo đó, 6 loài cá quý hiếm, đặc sản được tỉnh chú trọng là cá dầm xanh, anh vũ, lăng chấm, chiên, bỗng và cá tầm.
Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp có một hợp phần khá thú vị, đó là “chuyển giao công nghệ SX nông nghiệp các bon thấp”.
Sau hơn 18 tháng triển khai dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP), môi trường chăn nuôi ở nhiều địa phương của tỉnh Tiền Giang đã chuyển biến tích cực.
Sáng tạo này được chế biến từ những nguyên liệu đơn giản, dễ kiếm tại địa phương, diệt côn trùng gây hại quả mang lại hiệu quả cao.
Chính bầu Đức đã phải thừa nhận: Việc NK bò sống nguyên con từ Úc về rồi vỗ béo đem bán như HAGL và các DN khác đang làm chỉ là “hớt ngọn” và thiếu bền vững.