Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Hãy Yên Tâm Nuôi Cá Tra

Nông Dân Hãy Yên Tâm Nuôi Cá Tra
Ngày đăng: 31/10/2011

Hiện nguồn cung cá tra nguyên liệu không đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng của các nhà máy chế biến, nhất là thời điểm chuẩn bị cho Nô-en, Tết Dương lịch đang đến gần. Tình trạng thiếu nguyên liệu càng nghiêm trọng hơn khi người nuôi cá tra vẫn còn e dè trong việc tái đầu tư nuôi cá do có thông tin doanh nghiệp chế biến đã chủ động phần lớn nguyên liệu. Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào nông dân nên người nuôi cá tra hãy an tâm sản xuất.

Cung cá tra giảm, giá tăng

Ông Lê Thanh Dung, Chủ nhiệm HTX cá tra Hòa Hưng (Tiền Giang) cho biết, tại Tiền Giang, hiện giá cá tra nguyên liệu loại 800 - 850 gram/con, thịt trắng được các doanh nghiệp thu mua với giá 26.500 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg so với cuối tháng 9 vừa qua. Tại thị trường các tỉnh ĐBSCL, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện giá cá tra tốt nhất trên thị trường có giá tới 27.000 đồng/kg.

Theo ông Dung, giá cá tra tăng trong thời gian gần đây là do nhu cầu nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu về cuối năm ngày càng tăng (lượng đặt hàng cho quý IV tăng gấp đôi quý III/2011). Mặt khác, diện tích treo ao nuôi cá tra ở các tỉnh ĐBSCL lớn (trung bình khoảng 30%) nên khi nhu cầu cá tra nguyên liệu của các doanh nghiệp tăng trở lại thì nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu. Với giá cá tra khoảng 26.000 - 26.500 đồng/kg, người nuôi cá tra vẫn có lời, nhưng 'meo' lắm, bởi hiện tại mỗi kg cá tra người nuôi chỉ lời trên 1.000 đồng. Trong khi đó, giá thức ăn liên tục tăng, tỷ lệ hao hụt con giống ngày càng lớn thì chỉ với biến động nhỏ của thị trường người nuôi lại tiếp tục lỗ.

Bà con nuôi cá tra rất vui mừng khi nghe tin dự thảo nghị định của Chính phủ về quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo và lấy ý kiến, có nội dung quy định lập giá sàn thu mua cá tra nguyên liệu, trong đó đảm bảo cho người nuôi cá lời ít nhất 5% giá thành sản xuất. Nếu nghị định này được Chính phủ phê duyệt sẽ là nền tảng giúp người nuôi cá tra có mức lời ổn định, người nuôi cá tra an tâm sản xuất hơn.

Đối với các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, tình hình cung cá tra giảm, giá tăng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trước diễn biến quá nhanh của giá cá tra, nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu có quy mô nhỏ phải đóng cửa, do giá thành sản xuất đã vượt qua giá xuất khẩu đã hợp đồng trong quý 3, trong khi đó các doanh nghiệp lớn có vùng nuôi riêng cũng giảm công suất tới 50%.

Cá tra nguyên liệu vẫn phụ thuộc nông dân

Không phải chỉ thời điểm này trong năm nay, nguồn cung cá tra khan hiếm và giá cá tra tăng, mà cùng kỳ thời điểm này mọi năm, cá tra đều không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến xuất khẩu và cá tra đều có xu hướng tăng giá, hay nói khác đi tình trạng này mang tính chu kỳ. Theo ghi nhận của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, cùng khoảng thời gian này năm 2010, giá cá tra tăng từ 15.000 đồng/kg cuối tháng 8 lên đến 19.000 đồng/kg cuối tháng 10 và đến đầu tháng 12 ở mức 22.500 - 23.000 đồng/kg.

Trong năm 2011 này, do thiếu hụt nguồn cung nên giá cá tra tiếp tục nối đà tăng của năm 2010 và đạt mức giá kỷ lục 29.000 đồng/kg trong tuần cuối cùng của tháng 4. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau, giá cá tra tại nhiều nơi ở ĐBSCL giảm xuống còn 25.500 - 26.000 đồng/kg. Bước sang tháng 6, cá tra lại tuột giá xuống mức 23.000 - 24.000 đồng/kg... và một thời gian dài đến giữa tháng 8, giá cá tra loại 800 - 850 gr/con được mua giá 22.000 - 23.000 đồng/kg; loại cá cỡ trung bình khoảng 1 kg/con khó tiêu thụ.

Giải thích nguyên nhân giá cá tra sụt giảm trong giai đoạn này, VASEP cho rằng, thời điểm này vùng nuôi cá tra nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến cá tra sắp đến thời kỳ thu hoạch nên họ phải giảm lượng cá mua bên ngoài. Cùng lúc đó, sản lượng cá đến kỳ thu hoạch trong dân cũng tăng, cùng với sức ép trả nợ ngân hàng và chi phí thức ăn tăng trong khi giá bán cá đi xuống nên ai cũng muốn bán ngay khiến cung vượt cầu và làm cho giá cá lại tiếp tục đà lao dốc.

Trên phương diện tổng thể có thể nhận thấy, năm nay nguồn cung cá tra nguyên liệu không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp và cá tra chỉ thừa trong những thời điểm nhất định, khi các ao nuôi cá tra của nông dân và doanh nghiệp thu hoạch đồng thời.

VASEP nhận định, nguồn cá tra nguyên liệu thiếu hụt trong năm nay là hậu quả của những đợt thua lỗ kéo dài từ 2 năm trước, cộng thêm những khó khăn về vốn đầu tư nên nhiều hộ nuôi bỏ nghề. Do vậy, ngay cả những khi cá tra có giá cao, nhưng tại nhiều địa phương diện tích thả nuôi và sản lượng thu hoạch vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, theo thống kê của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, tính đến ngày 11/10/2011, toàn tỉnh đã thu hoạch 26.771 tấn cá tra (giảm gần 2.500 tấn cá so với năm 2010), trong khi đó diện tích thả nuôi chỉ là 94,95 ha (giảm gần 10 ha so với năm 2010), đặc biệt diện tích ao nuôi cá tra bị treo chiếm tới gần 30% tổng diện tích nuôi cá tra của tỉnh.

Thời gian qua có một số thông tin cho rằng nhiều doanh nghiệp đã xây dựng vùng nguyên liệu riêng khiến nhiều người nuôi cá lo ngại. Tuy nhiên, VASEP cho biết, đầu tư vùng nuôi cá tra đòi hỏi lượng vốn khá lớn, để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy có công suất chế biến cá tra mỗi ngày 200 tấn thì doanh nghiệp phải đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Trên thực tế, không có nhiều doanh nghiệp làm được điều đó, vì vậy trong thời gian tới nguồn cung cá nguyên liệu vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nông dân nuôi cá và con đường phát triển bền vững nghề nuôi cá tra trong thời gian tới chỉ có thể là liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và người nuôi cá


Có thể bạn quan tâm

Nông dân Quảng Trị gieo ngô ngọt gặt trái đắng Nông dân Quảng Trị gieo ngô ngọt gặt trái đắng

Nhiều người dân ở các huyện Triệu Phong, Gio Linh và Cam Lộ (Quảng Trị) phản ánh về việc, trước đây họ ký kết hợp đồng với Công ty CP Tín Đạt Thành, có trụ sở tại TP Đông Hà trồng giống ngô Sugar 75 (người dân gọi là "ngô ngọt") sẽ được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

30/05/2015
Thực thi khai thác bản quyền, tác quyền nâng cao chất lượng lúa giống Thực thi khai thác bản quyền, tác quyền nâng cao chất lượng lúa giống

Trong 30 năm trở lại đây, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã cho ra đời nhiều giống lúa cao sản ngắn ngày có phẩm chất tốt, năng suất cao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo kết quả điều tra bước đầu, tại 13 tỉnh ĐBSCL có trên 60 công ty đang tổ chức sản xuất, kinh doanh các giống lúa OM của Viện Lúa ĐBSCL, góp phần thương mại hóa khâu giống, đưa giống lúa đến tay nông dân.

30/05/2015
Tiêu hủy sắn nhiễm rệp sáp bột hồng Tiêu hủy sắn nhiễm rệp sáp bột hồng

Ngày 26/5, tại xã An Hải (huyện Tuy An), Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên phối hợp với địa phương tiến hành tiêu hủy 5 sào sắn nhiễm rệp sáp bột hồng. Theo kế hoạch, từ nay đến ngày 29/5, ngành chức năng tiếp tục tiêu hủy 10 sào sắn tại xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), Krông Pa (huyện Sơn Hòa).

30/05/2015
Hai giống ngô chịu hạn Hai giống ngô chịu hạn

Vụ ĐX 2014 - 2015, Trung tâm KN-KN Quảng Nam phối hợp với Cty TNHH Hạt giống CP Việt Nam và Trạm KN-KN huyện Nông Sơn triển khai mô hình trình diễn giống ngô lai CP 888 và CP 333.

30/05/2015