Nông Dân Ghép Điều Giỏi
Lên tham quan vườn điều của những nông dân ở Bù Gia Mập (Bình Phước), những chuyên gia gần trọn đời nghiên cứu về cây điều không khỏi ngạc nhiên.
“Không thể tin nổi là nông dân họ có thể ghép, tạo được những vườn điều tốt thế này. Quá giỏi!”. Lên tham quan vườn điều của những nông dân ở Bù Gia Mập (Bình Phước), những chuyên gia gần trọn đời nghiên cứu về cây điều không khỏi ngạc nhiên, thốt lên như thế.
SÁNG TẠO
Chạy xe chừng 10 phút trên con đường đất đỏ bụi mịt mù, chúng tôi vào đến vườn điều 4 ha của ông Hoàng Trọng Thanh, 53 tuổi ở thôn 10, xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập. Khu vườn với những cây điều 20 năm tuổi sum xuê, cành nào cũng "treo" một chùm quả khiến ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều VN đứng sững, nhìn không chớp mắt.
Một lúc sau ông mới thốt lên: “Điều tốt quá!”. Còn ông Phạm Văn Nguyên, một chuyên gia về điều thì tấm tắc: “Không ngờ người nông dân lại có thể làm được cái việc mà bao năm nay chúng ta cứ mày mò mãi mà chưa ra”.
Nghe tôi hỏi: “Từ đâu anh có ý tưởng tự nghiên cứu rồi ghép điều như vậy?”, ông Thanh kể: “Tôi có đứa cháu ruột tên Hoàng Văn Vinh, kỹ sư nông nghiệp công tác ở Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam. Năm 2009, tình cờ vào chơi, thấy vườn điều của tôi nó bảo vườn của chú không đạt, cải tạo lại đi. Tôi nghĩ nếu cắt bỏ, trồng mới thì rất phí, nên ban đầu cháu tôi mang cho mấy cây điều ghép, rồi hướng dẫn kỹ thuật cho tôi ghép.
Mặc dù mấy cây của đứa cháu cho không đạt, nhưng tôi nắm được kỹ thuật ghép. Ban đầu, cũng trầy trật lắm, mất rất nhiều thời gian, công sức mới rút được kinh nghiệm. Cuối cùng, tôi cũng thành công. Đến giờ năng suất tăng đều khoảng 40% mà cây nào cũng đậu trái, hạt rất to…”.
Ông Thanh cho biết, thời gian đầu ông cứ chặt hết cành, chọn cành đẹp từ một cây khác tốt hơn ghép vào. Nhưng ông theo dõi thấy cây phát triển không tốt, thậm chí gốc có triệu chứng chết dần. Sau nhiều ngày đêm trăn trở, ông quyết định không chặt hết cành mà chỉ chặt những cành nằm phía trên của cây và bắt đầu ghép, những cành xòe tán phía dưới vẫn giữ nguyên.
Sau khi những cành ghép phía trên bắt đầu lên mạnh, ra hoa, đậu trái, ông bắt đầu tỉa và ghép những cành tán xung quanh cây. Quả nhiên, cây điều phát triển ngoài mong đợi. “Cây này ít nhất cũng phải được 50 ký hạt”, chỉ tay ra 1 cây điều cổ thụ, ông Thanh nói.
SIÊU CAO SẢN
Rời vườn điều của ông Thanh, chúng tôi đi thêm chừng 1 km nữa xuống một thung lũng để đến vườn điều của ông Hoàng Trọng Thủy, 59 tuổi, anh ruột ông Thanh. Tại đây, chúng tôi tiếp tục ngỡ ngàng khi nhìn những cây điều đẹp hơn cả vườn của ông Thanh mà chúng tôi vừa xem trước đó vài chục phút.
“Vườn điều nằm treo leo trên địa hình dốc thung lũng, giữ nước kém. Vậy mà cây vẫn tốt thế này, chứng tỏ chủ nhân không chỉ là người có tâm huyết với điều mà còn nắm rất sâu kỹ thuật chăm sóc”, ông Phạm Văn Đẩu, một chuyên gia từng có nhiều năm nghiên cứu cả trong và ngoài nước về cây điều, nhận định.
Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan khắp vườn, ông Thủy vừa giới thiệu: “Tôi chỉ có khoảng 200 cây điều trên diện tích 2 ha. Tôi cùng 2 người em ruột bắt đầu ghép điều từ năm 2009, đến nay toàn bộ vườn đều là điều ghép. Năm ngoái (2013), 200 cây điều cho gần 8 tấn hạt tươi.
Điều ghép bằng phương pháp do nông dân sáng tạo không chỉ cho năng suất cao mà chất lượng hạt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu
Quan trọng nhất là điều ghép xong chất lượng hạt rất cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhưng tôi chỉ mới ưng ý một nửa số cây. Giờ tôi đang tiếp tục ghép lần 2 cho gần 1 nửa số cây. Đến khi nào đạt chất lượng như mong muốn thì thôi”.
Chỉ vào một cây điều cổ thụ mà theo quan sát của tôi là rất đẹp, cành lá khỏe mạnh, nhiều trùm trái trĩu chịt, ông Thủy nói: “Cây này tôi đã ghép rồi, nhưng cũng phải ghép lại”, khiến tôi không khỏi ngạc nhiên hỏi: “Cây đẹp thế này sao phải ghép lại?”.
Ông Thủy đáp: “Nhìn vậy thôi chứ chất lượng hạt, năng suất không ổn định, nhiễm sâu bệnh nhiều. Vụ tới, chắc chắn tôi sẽ có 1 vườn điều không thể chê vào đâu được”. Theo ông Thủy, ghép điều vào thời điểm tháng 5 âm lịch là tốt nhất, tỷ lệ sống cao nhất. Ngoài ra, cần có kinh nghiệm trong việc chọn cây, chọn cành tốt để ghép.
Có mặt trong đoàn tham quan vườn điều của ông Thủy, ông Đàm Xuân Thọ, thành viên HTX Liên kết SX nông sản bền vững Bình Phước, đồng thời là một nông dân có gần 20 năm kinh nghiệm trồng điều, nói: “Thông thường 100 hoa điều mới có 5 hoa cái và 100 hoa cái chỉ đậu được khoảng 5 cái. Nghĩa là mỗi cành thường chỉ có 1 - 2 trái.
Trong khi cây ở đây phân bố trái rất đều, cành nào cũng đậu trên dưới chục trái thì cây này có thể thu cả tạ hạt chứ không ít. Vườn điều này có thể đạt 4 - 5 tấn/ha (năng suất trung bình của VN chỉ dưới 1 tấn/ha). Tôi sẽ về thử phương pháp ghép này. Nếu được sẽ phổ biến cho bà con trong HTX cùng làm”.
“Đây là hình thức cải tạo dần, cải tạo chuyển đổi cây điều thực sinh hạt nhỏ thành điều có hạt lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Giống đã được họ tuyển lựa kỹ, thậm chí tuyển lựa lần thứ 2, thứ 3.
Ghép điều không lạ gì với các nước trồng điều, trong đó có VN với nhiều cách ghép: Cổ điển, ghép nhanh… nhưng cách ghép của nông dân là cách làm rất hay, sáng tạo mà ngay cả những người cả đời nghiên cứu phát triển cây điều, ra cả nước ngoài tìm hiểu như chúng tôi cũng phải ngạc nhiên.
Phương pháp ghép điều này có thể giúp người nông dân tăng năng suất, chất lượng hạt điều gấp 4 - 5 lần và phát triển bền vững”, cùng tham gia đoàn tham quan, ông Phạm Văn Nguyên, Hiệp hội Điều VN, người từng có nhiều năm sang Ấn Độ nghiên cứu về cây điều, từng viết sách kỹ thuật về cây điều nói.
“Trong chuyến khảo sát cây điều tại xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, Bình Phước cách đây mấy ngày, chúng tôi phát hiện khoảng 300 ha điều bị nhiễm rệp nhớt. Diện tích điều này của bà con dân tộc thiểu số, họ không biết cây điều bị gì, cách phòng trị ra sao, cũng không có ai tư vấn, nên năng suất rất kém.
Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định hỗ trợ bà con kinh phí mua thuốc diệt rệp. Chuyến đi này chúng tôi kết hợp với Sở NN-PTNT, Chi cục BVTV, Trung tâm Khuyến nông Bình Phước lên phương án cụ thể”, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều VN cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Chiều 31/7, tại huyện đảo Vân Đồn, trời vẫn mưa như trút. Theo Phòng NN-PTNT Vân Đồn, toàn huyện có 313 ha lúa non vừa cấy bị ngập úng.
Ngày 31/7, lễ ký kết “Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển dự án mắc ca” giữa Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (WASI) và Công ty cổ phần Him Lam đã diễn ra tại viện WASI - 53 Nguyễn Lương Bằng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Vấn đề được ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đặt ra trước thông tin thịt gà nhập khẩu từ Mỹ về bán tại TP.HCM chỉ có 20 nghìn đồng/kg.
Giá sữa nguyên liệu trên thế giới giảm quá sâu đang khiến cho giá thu mua sữa ở Việt Nam có dấu hiệu giảm theo.
Công ty CQG Consulting (Công ty tư vấn của Úc) vừa làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT để tìm hiểu, đánh giá tiềm năng phát triển sản xuất muối của tỉnh, qua đó tư vấn cho nhà đầu tư vào hợp tác sản xuất muối biển tại Bình Thuận, với sản lượng khoảng 300.000 tấn/năm...