Nông Dân Đua Tài Nuôi Bò Lai

Khắp các thôn xóm, nẻo đường ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) hôm nay đông vui lạ thường. Hàng trăm người náo nức dắt bò, bê đổ về sân vận động của thôn Long Đại tham gia Hội thi “Nông dân chăn nuôi bò lai giỏi”.
Hội thi vừa được Hội ND tỉnh tổ chức tại thôn Long Đại, xã Hiền Ninh. Mỗi chi hội lựa chọn 5 cặp bò mẹ và bê lai từ 10 tháng tuổi trở xuống tham gia hội thi.
Sân chơi của người nuôi bò
Ông Mai Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Bình, Trưởng ban Tổ chức hội thi cho biết: “Hội thi nhằm nâng cao nhận thức và đẩy mạnh phong trào chăn nuôi; chọn lựa được những con bò khỏe, đẹp về ngoại hình, thể chất, có sức đề kháng cao, khả năng chịu bệnh tật và khả năng sinh sản tốt; là dịp tuyên dương, khuyến khích người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đầu tư phát triển chăn nuôi bò sinh sản theo hướng Zêbu hóa.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội tạo diễn đàn, sân chơi giao lưu trao đổi, học tập kinh nghiệm cho người dân. Ban giám khảo chấm điểm dựa trên hai phần chính: Đo trọng lượng, thể chất bò mẹ, bê và lý thuyết về kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi bò. Như vậy, để chiến thắng trong cuộc thi này, ngoài việc giới thiệu những con bò có ngoại hình và thể chất tốt, người chăn nuôi còn phải hoàn thành xuất sắc phần thi kiến thức chăn nuôi của mình”.
Theo ông Ngọc, xã Hiền Ninh có truyền thống chăn nuôi bò lai, có lợi thế về phát triển chăn nuôi gia súc. Hiện nay, tổng đàn bò toàn xã có trên 900 con, riêng thôn Long Đại có trên 300 con, trong đó tỷ lệ bò lai gần 80%. Đàn bò lai đã và đang đưa lại thu nhập khá, mở ra hướng giảm nghèo bền vững và làm giàu cho nhiều hộ ND. Đó là lý do Hội ND tổ chức hội thi ở Long Đại.
Cả nhà cùng chăm bò
“Nghe cán bộ thông báo chuẩn bị tham gia hội thi, cả nhà vui lắm. Tối lại giao cho cháu nhỏ đọc câu hỏi, trả lời để cả nhà cùng nghe, cùng học. Giao cho cu Tí tắm chải bò, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để chuẩn bị đi thi”- chị Hậu đến từ chi hội 2 vui vẻ cho biết.
Kết quả, giải Nhất thuộc về gia đình anh Nguyễn Thanh Tư, chi hội 4; giải Nhì- gia đình anh Phan Thanh Đặng, chi hội 3; giải Ba- gia đình anh Trần Ngọc Hiển.
Anh Phan Thanh Đặng -người đoạt giải Nhì tại hội thi tâm sự: “Bò lai dễ nuôi, dễ chăm sóc, có thể trọng tốt, lại rất dễ tiêu thụ, giá cả cao. Nếu chịu khó đầu tư một đến hai bò mẹ thì trong vòng 2 năm là có thể thoát được nghèo vươn lên khá giả”.
Ông Ngọc cho biết, Quảng Bình đang chủ trương phát triển đàn bò cả về số lượng và chất lượng, đẩy mạnh lai tạo với các giống bò chuyên thịt có năng suất cao, xây dựng mô hình nông trại, gia trại chăn nuôi bò thịt thâm canh. Hội ND tỉnh trong những năm gần đây đã triển khai 11 dự án chăn nuôi bò lai với nguồn vốn trên 3,3 tỷ đồng; trên 300 con bò mẹ được đưa về và đã sản sinh ra trên 1.000 bò bê có chất lượng, góp phần tăng tổng đàn và nâng cao thể chất, thể trọng đàn bò tỉnh nhà.
Thời gian tới, Hội ND Quảng Bình tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các dự án chăn nuôi bò lai với số vốn giải ngân mới trên 3 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân; quy mô từ 300 - 450 triệu đồng/dự án, mỗi hộ được vay tối đa 30 triệu đồng, thời hạn vay 3 năm, phí 0,7%/tháng (8,4%/năm).
Mục đích nhằm chuyển đổi từ sản xuất quảng canh, nhỏ lẻ, manh mún sang thâm canh; xây dựng, tổ liên kết, hợp tác sản xuất quy mô lớn tạo thành một vùng liên kết sản xuất. Trong đó đặc biệt chú trọng mở rộng chăn nuôi bò lai sinh sản, vừa tận dụng được lợi thế đồng cỏ tự nhiên vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm

Chỉ có hơn 50 lao động, lại hoạt động trên một địa bàn giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí đại đa số đồng bào còn thấp, bởi vậy, để nắm bắt địa bàn, công ty đã kiện toàn củng cố, duy trì 11 chi nhánh trực thuộc tại 11 huyện, thành phố, tổ chức gần 30 điểm bán hàng trên các vùng trọng điểm địa bàn tỉnh.

Với nhiều cơ chế hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, khuyến khích người dân phát triển sản xuất, tăng năng suất, thu nhập, nâng cao đời sống... ngành Nông nghiệp Quản Bạ đang phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững.

Kết thúc năm 2014, Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng đạt được những kết quả đáng khích lệ trên nhiều phương diện, nhất là trong triển khai thực hiện các đề tài, dự án, mô hình khảo nghiệm và chuyển giao khoa học kỹ thuật tới người dân. Thành công đó đến từ nỗ lực lớn của 26 cán bộ, nhân viên Trung tâm với trách nhiệm cao, tạo thêm nhiều giống mới trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.

Những cánh đồng mẫu ngô, lúa và các mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, nuôi lợn... đã mang lại thu nhập cho người dân ở xã Phố Cáo (Đồng Văn). Dù năm qua thời tiết không được thuận lợi, nhưng với sự tập trung lãnh chỉ đạo, điều hành của chính quyền xã các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 được triển khai đồng bộ và đạt những kết quả nhất định.

Năm 2014, huyện Đồng Văn gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Dù vậy, với các biện pháp khắc phục kịp thời, sát với điều kiện tình hình thực tế, cùng với sự đồng thuận của người dân, huyện vẫn giữ được sự tăng trưởng ổn định trong sản xuất nông nghiệp.