Nông Dân Điêu Đứng Vì Lúa Bị Chết Rét

Đứng thẫn thờ nhìn ruộng lúa gần 20 ngày tuổi chết dần chết mòn, chị Phan Thị Hòa ở thôn Đơn Sa, xã Quảng Phúc (huyện Quảng Trạch - Quảng Bình) quả quyết “Phải gieo lại thôi, chứ như thế này không cứu vãn được nữa”.
Nói rồi chị để mặc cho khách đứng lại trên bờ, lẳng lặng lội xuống ruộng, mò mẫm lần tìm đến những thân lúa lưa thưa còn lại. Mấy ngày trước trời nắng, cứ tưởng có thể cứu vãn được ai ngờ nó cứ tím bầm, khô quắt lại. Có khoảnh, rụi cùng một lúc, có khoảnh chết dần dần. Giờ cả cánh đồng lúa như những cây tăm khô cắm trên mặt ruộng.
Thoáng lướt khắp lượt cánh đồng lúa gần 20 ngày tuổi này, tịnh không một khoảnh nào gợn lên một chút xanh non. Anh Nguyễn Văn Lai, Trưởng thôn Đơn Sa nói: So với mấy năm trước, rét năm nay ăn thua chi mô. Ngày trước ra đồng tay chân lạnh cóng không làm chi được.
Năm ni trời vẫn còn ấm chán. Nhưng, mỗi tội, nó đến sớm quá, lại trùng với thời điểm gieo cấy. Rét từ lúc hạt lúa cắm rễ xuống đất cho đến mấy ngày gần đây, lúa không vòi đầu, đâm rễ ra được. Rồi hình như có sương muối nữa thì phải. Mấy đám mạ bắc bạc đầu vì rét của thôn gần đây cũng cứ xoắn lá, chụm vào nhau, rụi từng cụm.
Chị Hòa cho biết: Nhà làm gần một mẫu. Trong đó, 2 sào gieo trước Noel, 2 sào gieo sau Noel mà vẫn chết tiệt. May còn 3 sào ở đồng Lền, ruộng sâu, phải bắc mạ cấy. Ngày mai, thuê máy làm đất rồi gieo lại. May sao, giống cũ mà cũng ra môộng khá đều. Nghe nói sắp có đợt rét nữa, nhưng giống ra rồi thì cũng phải gieo thôi.
Anh Lai phân vân nói như giải thích, theo kế hoạch nông vụ của huyện, vụ đông-xuân triển khai từ khoảng ngày 10 đến 20-12, nhưng thôn chúng tôi phải tiến hành gieo sớm vì không chủ động được nguồn nước. Cả cánh đồng hơn 100ha gieo cấy phải phụ thuộc vào nguồn nước trời cho. Vì vậy, ruộng ở đây chỉ làm được 1 vụ đông-xuân thôi, vụ còn lại phải bỏ hoang. Tính đến thời điểm này, diện tích lúa bị chết hơn 75ha.
Tính đến thời điểm này, xã Quảng Phương đã gieo cấy được 585ha lúa đông-xuân năm 2013-2014, đạt 100% kế hoạch. So với lịch thời vụ chung của toàn huyện, vụ đông-xuân năm nào nông dân xã Quảng Phương cũng gieo cấy muộn hơn từ 3-5 ngày.
Tuy nhiên, đợt rét kéo dài vừa qua cũng khiến cho hơn 300ha lúa ở đây bị chết, gần 150ha bắt buộc phải gieo lại. Ông Nguyễn Đình Thế, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Phương cho biết: “Hiện, ở các diện tích bị chết, chúng tôi đang chỉ đạo quyết liệt nhân dân làm đất gieo cấy lại cho kịp khung thời vụ. Tuy nhiên, chỉ một số ít diện tích được gieo lại vì thiếu nước. Ngoài ra, ở các diện tích lúa không bị chết, chúng tôi tiến hành thông báo cho nhân dân phun thuốc kích thích cây lúa mọc rễ, nảy mầm và cho nước vào tháo nước ra một cách hợp lý, tránh tình trạng lúa bị chết do ngâm nước dưới trời nắng sau đợt rét dài.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Trạch, đợt rét vừa qua đã khiến 2.500/4.100ha lúa bị ảnh hưởng nặng. Trong đó, lúa bị chết từ 30-50% khoảng 450ha; từ 50-70%: 680ha; chết trên 70% là 550ha.
Anh Võ Xuân Hồng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Trạch cho biết: Trước những thiệt hại do rét kéo dài gây ra, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Trạch đã có thông báo gửi các địa phương về việc tăng cường chỉ đạo phòng chống và khắc phục hậu quả do rét cho lúa vụ đông-xuân năm 2013-2014.
Theo đó để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất và khắc phục hậu quả do rét gây ra, các địa phương cần chỉ đạo nhân dân chủ động ngâm ủ giống, tạm thời chưa xuống giống khi có điều kiện thời tiết bất lợi, tranh thủ những ngày nắng ấm đẩy nhanh tiến độ gieo trồng.
Đối với những diện tích mạ đã gieo, nếu nhiệt độ xuống dưới 15 độ C và thời gian rét kéo dài tuyệt đối không được bón phân đạm, phân NPK, chỉ bón lân và tro bếp kết hợp điều tiết nước hợp lý. Nếu có diện tích lúa bị chết cần phải gieo lại, các địa phương chủ động đăng ký mua giống lúa ngắn ngày như Khang dân 18, DV108, IR50404... tại Trạm giống cây trồng Ba Đồn...
Có thể bạn quan tâm

Mặc dù các địa phương đã triển khai nhiều hình thức hỗ trợ, tuy nhiên, mục tiêu đến 31/12/2015, 100% cở sở nuôi cá tra thương phẩm đạt tiêu chuẩn viet gap như qui định trong nghị định 36 của chính phủ là khó có thể thực hiện được do khâu qui hoạch còn chậm.

Bệnh đốm trắng do virus (White Spot Syndrome Virus - WSSV) là một trong các bệnh gây nên hiện tượng tôm nuôi chết hàng loạt trong các vùng nuôi tôm tại các địa phương ven biển ở nước ta từ nhiều năm qua.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 44 doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Các DN này có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh, góp phần rất lớn trong việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản khai thác, nuôi trồng; giải quyết việc làm cho nhiều lao động; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Đợt mưa này trùng kỳ con nước lửng, tiêu thủy lực khó khăn, để bảo vệ diện tích lúa, hoa màu, các tỉnh phía Bắc cần chủ động ứng phó và có các phương án hạn chế tối đa tình trạng ngập úng gây chết lúa sau cấy, ổn định kết quả sản xuất vụ hè thu và vụ mùa.

Theo các thương lái trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giá hồ tiêu bắt đầu hạ nhiệt, hiện đang đứng ở mức 205 - 210 ngàn đồng/kg, giảm 10 ngàn đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 7. Giá tiêu sọ vẫn đứng ở mức cao 300 ngàn đồng/kg, chỉ giảm từ 1 - 2 ngàn đồng/kg so với trước.