Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Cay Mắt Vì Chạy Đua Trồng Tiêu Diện Tích Tiêu Tăng Khó Kiểm Soát

Nông Dân Cay Mắt Vì Chạy Đua Trồng Tiêu Diện Tích Tiêu Tăng Khó Kiểm Soát
Ngày đăng: 22/02/2014

Không thể phủ nhận rằng hiện nay, tiêu đang là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn nhiều loại cây lâu năm khác, vì thế người dân ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh đang đổ xô trồng tiêu. Ngành nông nghiệp tỉnh giờ đây đang gặp khó trước vấn đề quy hoạch, tìm hướng đi cho cây tiêu phát triển bền vững.

Diện tích tiêu tăng vọt

Khoảng 5 năm trở lại đây, khi giá tiêu hạt trên thị trường tăng lên trên 100.000 đồng/kg, thì loại cây trồng này cũng phát triển ngày một rầm rộ, nhất là tại một số huyện như Cư Kuin, Cư M’gar, Krông Năng…

Tính đến hết năm 2013, toàn tỉnh đã có 9.750 ha tiêu (trong đó diện tích tiêu kinh doanh là 6.017 ha) và dự báo còn đang tiếp tục tăng mạnh. Nguyên nhân của việc này là do người dân chạy theo lợi nhuận trước mắt khi giá tiêu luôn ở mức cao trên 120.000 đồng/kg. Mà theo tính toán của người dân, mỗi héc-ta tiêu nếu trừ chi phí sản xuất cũng thu lãi từ 500-700 triệu đồng/năm.

So với cà phê, cao su và một số cây trồng lâu năm khác thì năm nào được mùa được giá cũng chỉ lãi 60-80 triệu đồng/ha, còn mất mùa kèm thêm mất giá như niên vụ 2013 vừa qua thì lãi chẳng đáng là bao.

Chính vì lẽ đó, nhiều hộ dân đã không tiếc tay phá bỏ diện tích cà phê, điều đang cho thu hoạch của nhà mình để trồng tiêu, thậm chí tận dụng mọi diện tích đất trống trong vườn nhà, lấn chiếm đất bìa rừng để đầu tư vào loại cây trồng này.

Tiêu đang là loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao nên ở nhiều nơi người dân đang tập trung đầu tư trồng tiêu mà không chú trọng đến các điều kiện phát triển bền vững.

Cư Kuin là một trong những huyện có diện tích tiêu đứng đầu toàn tỉnh với 1.470 ha, tập trung nhiều nhất ở các xã Ea Ning (720,5 ha), Ea Bhôk (392 ha), Ea Hu (152 ha)…

Nếu so với năm 2008 toàn huyện chỉ có 553 ha thì đến nay đã tăng lên xấp xỉ 166% và chưa có dấu hiệu dừng lại. Anh Nguyễn Trọng Hùng, một người dân ở xã Ea B’hôk cho biết, gia đình anh có 2 sào tiêu trồng từ năm 2009 hiện đang cho thu hoạch đều, mỗi năm thu hoạch từ 1-1,5 tấn hạt, trừ các khoản chi phí cũng thu lãi từ 100-150 triệu đồng.

Anh Hùng tiết lộ thêm: Năm nay gia đình anh sẽ phá bỏ toàn bộ 2 ha cà phê còn lại để đầu tư trồng tiêu. “Cơn sốt” trồng tiêu không chỉ có mặt ở các huyện trọng điểm về tiêu của tỉnh mà hiện nay còn lan đến các huyện khác như Ea Súp, M’Drak, Lak, Buôn Đôn…

Riêng huyện Buôn Đôn, từ năm 2008 trở về trước, cây tiêu còn khá xa lạ đối với người dân nơi đây thì đến năm 2013 đã có 671 ha tiêu (tăng 131 ha so với năm 2012). Còn huyện M’Drak nếu như năm 2010 toàn huyện mới có khoảng 51 ha tiêu thì đến hết năm 2013 đã tăng lên trên 200 ha tiêu…

Ông Nguyễn Trí Hải, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện M’Drak chia sẻ: Diện tích tiêu trên địa bàn huyện đang không ngừng tăng cao, song đây mới chỉ là cây trồng được người dân trong huyện thấy lợi nhuận nên tự đầu tư phát triển chưa được huyện quy hoạch chính thức diện tích và vùng trồng thích hợp.

Khó kiểm soát

Việc người dân đổ xô trồng tiêu không còn là chuyện mới bởi thực tế cho thấy hằng năm diện tích cây trồng này đang tăng mạnh, trong khi đó, diện tích đất quy hoạch trồng tiêu của ngành nông nghiệp các địa phương gần như đã bị phá vỡ, thậm chí, ngành nông nghiệp còn không theo kịp mức độ tăng nhanh về diện tích tiêu mà người dân trồng mới.

Ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng Phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT chia sẻ: Diện tích cây tiêu được quy hoạch của tỉnh chỉ khoảng 5.000 ha trong khi diện tích tiêu hiện nay đã vượt lên gần gấp đôi, song, đây mới chỉ là con số thống kê chưa đầy đủ, trên thực tế còn nhiều hơn.

Bởi do địa bàn tại các địa phương rộng, việc trồng mới cây tiêu của người dân chủ yếu là tự phát, nhiều diện tích tiêu lại là đất lấn chiếm rừng, đồi không thuộc sự quản lý của chính quyền các xã; chưa kể nhiều hộ còn trồng xen canh với các loại cây trồng khác… vì vậy ngành nông nghiệp rất khó kiểm soát việc trồng tiêu tự phát của người dân. Tại một số khu vực của các huyện Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Buk… được xem là có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khá phù hợp để phát triển cây tiêu nên được ngành nông nghiệp chú trọng quy hoạch vùng sản xuất thì cây tiêu cũng đã vượt xa quy hoạch.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa được quy hoạch vì điều kiện thổ nhưỡng chưa phù hợp thì hiện nay người dân cũng đã đổ xô trồng tiêu. Do sự chi phối bởi luật cung - cầu của thị trường, nên khi giá mặt hàng nông sản tiêu tăng cao thì người dân lại tập trung vào loại cây trồng này để mong thu lợi nhuận lớn. Việc xuống giống tiêu là hoàn toàn do người dân quyết định, không có một cấp thẩm quyền nào “dám” ra văn bản “cấm”.

Vì vậy khi việc quy hoạch cây trồng này bị phá vỡ thì ngành chức năng tỉnh cũng chỉ còn cách đưa ra biện pháp kìm hãm là khuyến cáo người dân nên tập trung vào khâu nâng cao chất lượng cây trồng, tránh đầu tư dàn trải để có hiệu quả kinh tế bền vững, ổn định.

Cùng với đó hằng năm, ngành nông nghiệp các địa phương cũng ra sức mở rộng liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tổ chức các lớp bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật tiên tiến về cho người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua đó, từng bước thay đổi tư duy tập quán canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, phát triển kinh tế đa cây đa con, tạo nên thế mạnh kinh tế nông nghiệp cho từng địa phương. Vì vậy, hơn ai hết, người trồng tiêu cần ý thức được thực trạng đó để có kế hoạch hợp lý khi trồng loại cây này.


Có thể bạn quan tâm

Nỗi buồn rong mơ Nỗi buồn rong mơ

Cứ đến tháng 5-6 hằng năm, người dân ở các vùng ven biển Bình Sơn lại được dịp hái “lộc biển” khi đua nhau khai thác rong mơ. Tuy nhiên, tình trạng khai thác ồ ạt loại rong biển này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển gần bờ.

22/05/2015
Hệ lụy từ nuôi trồng thủy sản tự phát kkhổ vì quy trình ngược Hệ lụy từ nuôi trồng thủy sản tự phát kkhổ vì quy trình ngược

Thay vì tập trung quy hoạch vùng nuôi trồng trước khi thả nuôi thủy sản, nhiều địa phương lại đợi người dân thả nuôi rồi mới quy hoạch. Điều này không chỉ khiến ngành nuôi trồng thủy sản khó có thể phát triển bền vững, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của các ngành kinh tế khác và gây ra nhiều hệ lụy về môi trường…

22/05/2015
Sản xuất vụ hè thu tăng cường giải pháp giống, đa dạng cây trồng Sản xuất vụ hè thu tăng cường giải pháp giống, đa dạng cây trồng

Triển khai vụ hè thu 2015, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân sử dụng các giống mới, ngắn ngày có năng suất cao, phẩm chất tốt… nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trong vụ hè thu này.

22/05/2015
Vụ hè thu 2015, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng hơn 74 nghìn ha cây trồng các loại Vụ hè thu 2015, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng hơn 74 nghìn ha cây trồng các loại

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, vụ hè thu năm 2015, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng 74.154 ha cây trồng các loại, trong đó, ngô có diện tích lớn nhất với hơn 29.000 ha, lúa nước hơn 7.500 ha, còn lại là đậu đỗ, rau xanh, khoai lang.

22/05/2015
Nuôi gà gia công bớt ngọt Nuôi gà gia công bớt ngọt

Chọn cách đầu tư trang trại chăn nuôi gia công cho các tập đoàn nước ngoài, được bao tiêu sản phẩm với giá ổn định để được đảm bảo luôn có lợi nhuận là cách làm lâu nay của nhiều người tại Đồng Nai. Các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện cũng đẩy mạnh đầu tư vào chăn nuôi, từ chủ yếu nuôi gà công nghiệp dần mở rộng chăn nuôi thêm gà lông màu, heo thịt…

22/05/2015