Nông dân Ba Sấm: Đột phá với mô hình nuôi tôm biển công nghệ cao
Ông Lê Văn Sấm trở thành tỷ phú nhờ khởi nghiệp với nuôi tôm biển hai giai đoạn.
Tổng kết mùa vụ thắng lợi của lĩnh vực sản xuất tôm biển trong năm 2017, tên tuổi của ông Lê Văn Sấm (thường được gọi là ông Ba Sấm) càng nổi tiếng ở huyện biển Thạnh Phú. Đặc biệt, về các xã biển Thạnh Phong, Thạnh Hải thì gần như ai cũng biết ông là một cán bộ về hưu nhưng lại là một trong số ít những người có công mở đầu và có nhiều thành công trong phong trào nuôi tôm biển qua từng giai đoạn. Hiện ông là nông dân dẫn đầu trong ngành nuôi tôm biển về lợi nhuận sau thu hoạch.
Tiên phong nuôi tôm biển
Theo nhận định của người nuôi tôm biển trong vùng và cả một số đơn vị kinh doanh con giống, thức ăn trên địa bàn thì ông Sấm là người đầu tiên mở màn phong trào nuôi tôm biển, từ con tôm sú đến tôm thẻ chân trắng. Ông Ba Sấm nhớ lại, năm 2006, khi vừa nghỉ hưu là ông bắt đầu nuôi. Thời gian đầu, ông liên tục trúng vụ và trở nên có tiếng tăm trong huyện về nuôi tôm. Phong trào nuôi tôm biển cũng từ đây được nhanh chóng phát triển ở các xã biển.
Mặc dù từng có một giai đoạn nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất tôm biển thâm canh nhưng cũng đến lúc mô hình chựng lại và khiến ông thất bại nặng nề. Đó là những năm 2012 - 2015, do môi trường nuôi bị ô nhiễm. Hầu hết người nuôi tôm trong tỉnh đều thất vụ, rơi vào tình trạng thua lỗ, nhiều người phải bỏ ao, nợ nần. Ông Sấm cũng không tránh khỏi. Thời gian này, ông cảm giác “oải” vì không biết cách nào để duy trì nghề nuôi tôm. Thậm chí, đôi lúc chán nản đến muốn bỏ nghề.
Trong lúc cố gắng đi khắp nơi để tìm kiếm, học tập mô hình mới, may mắn đến với ông là được một số anh em của Công ty cổ phẩn Chăn nuôi CP Việt Nam giới thiệu tham quan các mô hình nuôi mới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Nai… Ưu điểm của mô hình mới là có thể kiểm soát được môi trường nuôi, quản lý dịch bệnh, năng suất tôm thu hoạch cao gấp nhiều lần so với nuôi truyền thống. “Thấy người ta đầu tư có hiệu quả nhưng vốn cao quá nên tôi chỉ dám thử nghiệm xây 1 ao 1.000m2, hơn 200 triệu đồng. Kết quả thu hoạch vụ đầu tiên khá bất ngờ, tôi thật sự trúng đậm với 8 tấn tôm, thu về hơn 800 triệu đồng. Vậy là vừa thu đủ vốn lại vừa có lãi cao” - ông Sấm bộc bạch.
Hướng theo công nghệ cao
Sau thành công, ông quyết định đầu tư 4 khu nuôi tại 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải, tổng diện tích khoảng 30ha, với 25 ao nuôi. Ao nuôi có diện tích khoảng 1.300m2. 1ha có thể đầu tư 3 ao nuôi, 1 ao ương giống, chi phí đầu tư ban đầu từ 1,5 - 2,5 tỷ đồng. Mỗi lần đầu tư có thể sử dụng 4 - 5 năm. Quyết định phát triển mô hình với quy mô nuôi như trên khiến hầu hết những người có tên tuổi trong nghề nuôi tôm đều ngạc nhiên và cho là ông đầu tư táo bạo. Kết quả năm 2017, ông thành công với năng suất 9,2 tấn tôm/ao nuôi, thu về khoảng 1 tỷ đồng/ao/vụ. Kinh phí đầu tư theo mô hình mới là cao hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống nhưng theo ông Sấm thì chi phí này là không cao so với hiệu quả mang lại sau đầu tư.
Ông Sấm cho biết rất hài lòng với mô hình này vì việc nâng đáy ao, lót bạt, phủ lưới, đầu tư hệ thống ống dẫn khí, điện và thêm các ao chứa lắng, ao bùn… giúp ông có thể quản lý tốt môi trường nuôi, kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ hơn. Theo quy trình kỹ thuật nuôi, hàng ngày, ông phải thay nước và vệ sinh đáy ao. Cũng theo ông, hiệu quả ăn chắc của mô hình là hơn 90%, tốt nhất là nuôi 3 vụ mỗi năm. Do vụ nuôi thứ 4 rơi vào thời điểm cuối năm, thời tiết lạnh nhiều nên tôm nuôi dễ bị nhiễm bệnh.
Ông Lê Văn Tiến - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hải cho biết: Năm 2017, diện tích nuôi thủy sản toàn xã là trên 2.000ha, trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh là trên 171ha, diện tích nuôi tôm hai giai đoạn là 30ha. Mô hình nuôi tôm hai giai đoạn được đánh giá là đạt hiệu quả cao hơn so với cách nuôi truyền thống, giúp hạn chế dịch bệnh và hao hụt con giống, con tôm lớn nhanh. “Ông Sấm là một trong những người đầu tiên phát triển mô hình nuôi tôm biển trên địa bàn xã trước đây. Năm 2016, 2017, ông cũng là một trong những người khởi đầu thành công với mô hình nuôi tôm biển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, tạo bước ngoặt mới cho phát triển kinh tế biển trên địa bàn xã nói riêng và huyện biển nói chung” - ông Lê Văn Tiến nói.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi tôm của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy, thôn Hợp Phố (xã Nam Phú, huyện Tiền Hải) đã mở ra hướng nuôi trồng thủy sản thành công và bền vững
Khởi đầu cho một vụ mùa thành công, mỗi người dân nuôi tôm thường phải tập trung đầu tư vào hệ thống nuôi, đây là một khâu quan trọng cho cả quy trình nuôi đạt
Việc tận dụng những loại thảo dược trong tự nhiên như lá xoan, cây nghể, tỏi… giúp xử lý môi trường ao nuôi, phòng ngừa dịch bệnh và hạn chế việc sử dụng thuốc