Đầu tư hệ thống nuôi đạt chuẩn
Khởi đầu cho một vụ mùa thành công, mỗi người dân nuôi tôm thường phải tập trung đầu tư vào hệ thống nuôi, đây là một khâu quan trọng cho cả quy trình nuôi đạt hiệu quả. Hệ thống nuôi đạt chuẩn, môi trường nuôi đảm bảo sẽ giúp đàn tôm ăn nhanh, chóng lớn. Vậy làm thế nào để phát triển một hệ thống nuôi đạt chuẩn với mức đầu tư hợp lý? Hãy đồng hành cũng Skretting để trả lời câu hỏi này.
Hệ thống nuôi tôm cần phải được thiết kế và xây dựng theo hướng đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho tôm phát triển, đồng thời thuận tiện cho việc quản lý môi trường ao nuôi, chăm sóc tôm theo quy trình kỹ thuật sẽ áp dụng. Minh chứng là nhiều người đã thất bại khi sử dụng ao nuôi tôm sú để nuôi tôm thẻ hoặc tăng mật độ thả nuôi sau khi đã thành công ở những vụ trước mà không có bất cứ điều chỉnh gì về quy mô của hệ thống quạt nước, sục khí hoặc độ sâu, hình dạng của ao, phương thức cho ăn và quản lý chất thải.
Thiết kế trang trại
Một hệ thống nuôi hoàn chỉnh bao gồm ao nuôi và đầy đủ các công trình, thiết bị phụ trợ khác như: ao chứa lắng, ao thu gom xử lý chất thải, kho xưởng, máy phát điện, thiết bị sục khí - đảo nước, máy cho ăn, phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu. Điều kiện thực tế của địa điểm được chọn sẽ quy định thiết kế cụ thể của trại nuôi tôm. Bờ ao hoặc đê bao của trại phải cao hơn mực nước lũ và đảm bảo không bị sói mòn, sạt lở.
Để làm tốt việc này người nuôi cần tìm hiểu các thông tin về mức triều cường, hướng và lưu tốc của dòng chảy, hướng gió, tác động của sóng hay thông tin về các đợt bão lụt đã xảy ra trước đây. Nên trồng cỏ hoặc các loại thực vật ở trên bờ ao và các khu đất trống. Về cao trình, lý tưởng nhất là có thể tháo cạn toàn bộ nước trong các ao của trại mà không cần dùng bơm. Đường cấp và thoát nước nên tách biệt. Nếu có thể, nên tạo khoảng cách biệt giữa các ao nuôi để giảm thiểu khả năng lây lan dịch bệnh từ ao này sang ao khác.
Trại nuôi nên có nhà kho để giữ thức ăn, máy móc, dụng cụ. Công tác vệ sinh cần được đảm bảo: không xả rác bừa bãi, hạn chế người ra vào và định kỳ thực hiện công tác tẩy trùng toàn bộ trại. Trại nuôi cần có ao xử lý nước thải, tránh không xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm hoặc phát tán dịch bệnh. Tại Ấn Độ, các trại nuôi tôm có diện tích từ 5 ha trở lên bắt buộc phải có ao xử lý nước thải, tối thiểu là 10% tổng diện tích. Nhiều trại nuôi có diện tích nhỏ nên tập hợp lại thành nhóm và thỏa thuận, thu xếp để có ao xử lý nước thải chung.
Trại nuôi tôm thẻ chân trắng quy mô công nghiệp có thiết kế tốt
Tổng diện tích: 16 ha, gồm 2 khu A và B tách biệt. Mặt bờ ao rộng 4 - 5 m trên các trục giao thông chính, giúp xe cơ giới di chuyển dễ dàng.
Khu A: Ao chứa lắng (ACA): 1,8 ha, sâu 6 m
Ao nuôi: 23 ao, diện tích từ 3.000 - 4.000 m2
Khu B: Ao chứa lắng (ACB): 0,7 ha, sâu 4 m
Ao nuôi: 10 ao, diện tích từ 1.800 - 3.600 m2
Trại có hệ thống máy phát điện (MPĐ) dự phòng công suất 300 KVA, nhà kho chứa thức ăn và các nguyên vật liệu, trang thiết bị thay thế (NK).
Tất cả ao nuôi đều có 1 hố thu chất thải (HTCT) ở trung tâm; 4 giàn quạt nước công suất 4 - 5 CV/giàn với độ dài 18 m và tốc độ quay 100 - 120 vòng/phút; 1 máy cho ăn tự động. Nước cấp từ ao chứa lắng vào ao nuôi qua hệ thống máng nổi (MN), xây bằng gạch, thường xuyên phơi dưới ánh nắng mặt trời để diệt trừ mầm bệnh. Nước thải từ ao được thu gom vào hệ thống mương bao (MB) có thả cá rô phi, giúp xử lý nước.
Máng nổi cấp nước
Quạt chân vịt, tốc độ 100 vòng/phút.
Theo Trích “Sổ tay nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả, bền vững” của Skretting Vietnam
Có thể bạn quan tâm
Giải pháp ương tôm sú giống lớn đã giải quyết được tỷ lệ hao hụt nhiều trong các mô hình tôm - lúa, tôm - rừng…, góp phần vào thành công cho vụ nuôi.
Nhiều người nuôi nâng cấp thành ao nuôi lót bạt, kết hợp hệ thống cung cấp ôxy và hệ thống xi phông cải tiến, giúp việc quản lý chất lượng nước, kiểm soát dịch
Mô hình nuôi tôm của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy, thôn Hợp Phố (xã Nam Phú, huyện Tiền Hải) đã mở ra hướng nuôi trồng thủy sản thành công và bền vững