Nỗi niềm xoài Cam Lâm
Xoài chết, người trồng mang nợ
Nửa hecta xoài Hòa Lộc đang độ tuổi cho thu hoạch của ông Phạm Đặc (thôn Bắc Vĩnh, Cam Hải Tây) vật vã dưới trời nắng nóng. Thiếu nước, nhiều cây chết đứng, lá cháy khô. Ông Đặc nhìn vườn xoài xót xa: “Khu vườn này cha tôi để lại với nhiều gốc xoài Tây (tên khác là xoài Thủy Triều, xoài Canh Nông) gần trăm năm tuổi, gần đây tôi trồng thêm xoài Hòa Lộc. Nắng hạn mấy tháng qua, nước bơm không đủ khiến xoài Hòa Lộc thiếu nước, chết khô. Xoài Tây tuy trụ được nhưng sản lượng không có, thiệt hại gần trăm triệu đồng”. Giếng nước của ông Đặc nằm trong vườn xoài, đường kính tới 4m nhưng cũng không đủ nước tưới. Theo ông Đặc, trước đây dù có hạn lớn nước vẫn không thiếu, vậy mà giờ chỉ bơm khoảng 3 tiếng đồng hồ là hết nước.
Nhà anh Dương Văn Tâm (thôn Tân Hải, Cam Hải Tây) có nhiều gốc xoài Tây bị chết khiến anh phải chặt bỏ. Chỉ vào gốc xoài vừa bị đốt còn nhuốm màu tro, anh Tâm chia sẻ: “Chưa bao giờ hạn nặng như năm nay. Năm 2004 cũng hạn nặng nhưng xoài đâu có chết, vậy mà giờ xoài Tây hàng chục năm tuổi cũng chết, buộc tôi phải cưa bỏ một số cây”. Nhà anh Tâm có 4 cái giếng, đường kính mỗi giếng từ 3 - 5m, nhưng vẫn không đủ nước cứu vườn xoài.
Ông Diệp Thế Thanh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hải Tây cho hay, nắng hạn kéo dài nhiều tháng nay khiến các mạch nước trong vùng khô kiệt, cây cối héo rũ. Đặc biệt, xã Cam Hải Tây không có hệ thống thủy lợi, nguồn nước chủ yếu lấy từ ao, giếng, đất Cam Hải Tây chủ yếu là đất nhiễm phèn nặng nên chỉ cần bị hạn là cây nhiễm độc, dễ chết. Toàn vùng xuất hiện nhiều vườn xoài bị cháy khô, nhất là xoài Hòa Lộc. Thôn Tân Hải bị thiệt hại nặng nhất, trong đó hộ ông Trần Văn Hữu và Ngô Thành Long xoài chết khô hàng trăm gốc.
Vườn xoài nhà ông Đặc chết khô vì thiếu nước
Vụ xoài này ông Phan Thế Sâm (thôn Trung Hiệp 2, Cam Hiệp Bắc) thua lỗ nặng vì đã dồn sức đầu tư cho cây xoài. Vườn xoài nhà ông có diện tích khá lớn, nhưng lượng xoài Úc và xoài Bồ ít, còn lại hơn 400 gốc xoài Tây, vì thế thu nhập không bao nhiêu. “Ngoài xoài Úc có giá, các loại xoài khác đều rớt giá. Vụ này tôi chỉ thu được 1 triệu đồng, trong khi tiền công đã hết 500.000 đồng và tiền chở ra vựa hết 300.000 đồng. Thất thu, tôi không có tiền để trả khoản nợ hơn 40 triệu đồng đầu tư mua phân, thuốc. Hiện xoài đang chuẩn bị kích ra hoa chờ vụ mới, cần phân, thuốc nhưng tôi lại không có tiền, nếu tiếp tục mua nợ thì đại lý không bán...”, ông Sâm nói. Tương tự, bà Lê Thị Lệ (thôn Tân Hải, xã Cam Hải Tây) cũng chưa thanh toán được khoản nợ hơn 30 triệu đồng tiền phân, thuốc đã đầu tư vào cây xoài nên lo lắng: “Không có tiền mua phân, thuốc, xoài không được đầu tư đầy đủ, chắc vụ tới sẽ lại mất mùa, khó tránh khỏi cảnh thiếu nợ dài dài...”.
Ồ ạt chuyển giống
Những ngày này về Cam Lâm, không hiếm gặp cảnh nhà nhà chặt bỏ xoài Tây để bán củi hay cưa cành xoài Bồ, xoài Cát để ghép xoài Úc. Qua tìm hiểu, được biết hiện tượng ồ ạt chuyển đổi các giống xoài này sang xoài Úc là do người dân chạy theo thị trường khi xoài Úc được giá, trong khi các loại xoài còn lại giá rất thấp. Ông Nguyễn Gẫm (thôn Tân Hải, Cam Hải Tây) cho biết: “Nhà tôi có 1ha trồng đủ loại xoài, chủ yếu là xoài cát Hòa Lộc và xoài Bồ, năm ngoái tôi đã chuyển đổi một nửa số xoài Bồ và xoài Cát sang xoài Úc. Năm nay, tôi tiếp tục chuyển đổi nhưng sẽ không chuyển hết mà để lại 1/3 vì có thể xoài sẽ lại lên giá”.
Ông Nguyễn Văn Sáu (thôn Trung Hiệp 2, Cam Hiệp Bắc) có gần 500 gốc xoài cát Hòa Lộc và xoài Bồ khoảng 7 - 8 năm tuổi, năm ngoái ông đã cưa cành để ghép xoài Úc đối với 2/3 số xoài này, số còn lại ông dự tính sẽ tiếp tục chuyển đổi trong nay mai. “Số xoài Úc tôi ghép trên xoài Cát và xoài Bồ năm ngoái, năm nay cho trái rất đẹp, đặc biệt là những cây giống bồ trắng. Nay tôi tiếp tục chuyển hết 100 cây xoài cát Hòa Lộc và xoài Bồ sang xoài Úc. Tuy nhiên, do giá đọt và giá công ghép còn cao nên tôi định chờ thêm một thời gian nữa”, ông Sáu tính toán.
Theo ông Đoàn Ngọc Phước - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hải Tây, Cam Hải Tây là vùng xoài trọng điểm của huyện Cam Lâm với gần 1.000ha xoài (chiếm 1/4 diện tích xoài toàn huyện), trong đó khoảng 350ha là xoài Úc và xoài Hòa Lộc. Do thấy xoài Úc được giá nên người dân đang ồ ạt cấy ghép giống xoài này trên các giống xoài khác. Tuy xã đã khuyến cáo nông dân không nên chạy theo phong trào, nhưng họ vẫn tự phát chuyển đổi. Được biết, giá ghép giống xoài Úc hiện nay khá cao (từ 2.500 - 3.000 đồng/đọt), nhưng người dân vẫn ồ ạt chuyển đổi.
Ông Nguyễn Ta - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm: Năm nay xoài Cam Lâm mất mùa, lại bị sâu bệnh, làm giá nhiều loại xoài giảm thấp, dẫn tới hiện tượng người dân ghép xoài Úc ồ ạt. Huyện cũng thấy được điều này và đã khuyến cáo nông dân. Trong khi chưa thể lo được đầu ra cho nông sản và tình hình thời tiết biến đổi phức tạp, người dân cần thận trọng, bình tĩnh, không nên làm ồ ạt theo phong trào.
Có thể bạn quan tâm
Theo Liên trạm Thủy sản Ô Môn-Thới Lai-Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), hiện giá cá tra giống loại 2cm có giá bán 26.000 - 27.000 đồng/kg. Với giá bán này các hộ ương cá tra giống có lãi khoảng 6.500 đồng/kg, một số hộ nuôi đang thả nuôi mới, tuy nhiên tỷ lệ cá ương nuôi sống rất thấp. Giá các giống cá ruộng nhìn chung không tăng so với cùng kỳ do chưa vào vụ thả nuôi cá ruộng.
Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 6.000ha tôm nuôi của bà con huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) bị thiệt hại. Tập trung nhiều ở các xã Ninh Thạnh Lợi, Ninh Thạnh Lợi A và Vĩnh Lộc A. Tôm nuôi bị thiệt hại chủ yếu từ 1 - 2 tháng tuổi.
Đầu tháng 5.2015 đến nay, các hộ nuôi cá lồng ở vùng đầm Thị Nại tại Hải Minh Trong (thuộc tổ 46, khu vực 9, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) gặp khó khăn do cá bị bệnh và chết hàng loạt. Hiện ngành chức năng của thành phố và của tỉnh đang hướng dẫn bà con các biện pháp để phòng trừ, hạn chế dịch bệnh lây lan.
Mấy tháng qua, thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm cho nhiều nhiều vuông tôm nuôi ở huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang bị thiệt hại.
Theo phân tích từ Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Long, giá thủy sản nguyên liệu đang sụt giảm, gây khó khăn cho người nuôi do không đủ chi phí cho sản xuất.