Ninh Sơn (Ninh Thuận) Mía Đắng Mùa Khô Hạn!
Tình hình nắng hạn kéo dài từ giữa năm 2014 đến nay đã gây ảnh hưởng đến năng suất nhiều loại cây trồng của người nông dân trong tỉnh. Mặc dù là loại cây chịu hạn tốt nhưng với người trồng mía trên địa bàn huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận), địa phương được xem là “thủ phủ” mía của cả tỉnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Có mặt tại các vùng mía trọng điểm khu vực Suối Mây, Chơ Vơ, Sông Dầu…trên địa bàn xã Quảng Sơn, theo ghi nhận của chúng tôi không khí thu hoạch vẫn rất tất bất và sôi động như mọi năm, nhưng xen vào đó là những nỗi buồn của người nông dân khi năng suất mía giảm mạnh, giá thấp, chữ đường không đạt; nhiều người không chỉ lỗ tiền đầu tư mà phải bỏ thêm tiền túi để trả công thu hoạch.
Anh T.N.V Phương (thôn Thạch Hà, xã Quảng Sơn) cho biết, niên vụ năm nay gia đình đầu tư trồng 5 ha mía, đã thu hoạch xong 1,5 ha mía tơ nhưng năng suất chỉ đạt gần 60 tấn mía (khoảng trên 35 tấn/ha), mía chỉ đạt khoảng 8,3 chữ đường, với giá thu mua hiện tại 820.000 đồng/tấn (mía 10 chữ đường) dù chưa thu hoạch hết, nhưng mới nhẩm tính sau khi trừ đi các chi phí khác cũng thấy lỗ trước mắt.
Hay như gia đình ông Đ. Đông (thôn Thạch Hà 2, xã Quảng Sơn) đầu tư gần 10 ha mía, hiện tại đã thu hoạch gần 2/3 diện tích nhưng năng suất rất thấp.
“Hầu hết diện tích của gia đình đều trồng giống mía K nhưng năng suất cũng chỉ đạt khoảng trên 40 tấn/ha, có diện tích thiếu nước chỉ đạt tầm 35 tấn/ha, chữ đường lại nằm mức trên dưới 8 chữ, nếu thu hoạch hết vụ năm nay chắc chắn gia đình sẽ phải lỗ thêm tiền thuê công chặt” - ông Đông bộc bạch.
Theo ông Đông, mía của gia đình nằm trong khu vực không chủ động nước, nhưng nếu mọi năm mưa thuận dù chỉ dựa vào nước trời thì năng suất cũng đạt từ 60 - 70 tấn/ha, có diện tích đạt gần 90 tấn/ha. Riêng năm nay, khô hạn kéo dài, hầu như không có mưa nên các diện tích đều giảm gần 50% sản lượng thu hoạch.
Được biết, niên vụ 2014 – 2015 toàn huyện Ninh Sơn trồng hơn 2.600 ha mía, riêng tại xã Quảng Sơn diện tích hơn 1.920 ha mía (chiếm khoảng 60% diện tích mía toàn tỉnh).
Theo đánh giá của Ban điều hành cây mía xã Quảng Sơn, ngoài số ít diện tích trong vùng chủ động nước (khoảng 30% diện tích) đạt năng suất thì phần lớn các diện tích còn lại trên địa bàn xã năng suất rất thấp, vì vậy có thể nói vụ mía năm nay nhiều người sẽ “trắng tay”.
Liên quan đến công tác thu mua, trao đổi với chúng tôi, ông Văn Hữu Thận, Phó giám đốc Công ty Mía đường Phan rang cho biết: Do giá đường liên tục giảm nên với mức giá thu mua hiện tại của công ty là 820.000 đồng/tấn, cộng thêm 30.000 đồng/tấn (tiền hỗ trợ tăng bo) thì giá thu mua năm nay không thấp lắm so với mọi năm. Ở các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long giá mía cũng chỉ đạt 700.000 đến 750.000 đồng/tấn.
Năm nay nắng hạn kéo dài nên sản lượng mía giảm khá lớn, đặc biệt tại vùng mía trọng điểm Ninh Sơn, nhiều khu vực sản lượng giảm trên 15% so với kế hoạch thu mua. Dự kiến năm nay, công ty sẽ phải nhập thêm khoảng 20.000 tấn mía khu vực ngoài tỉnh để đảm bảo kế hoạch ép của năm.
Đối với vùng nguyên liệu Ninh Sơn, công ty cũng đã có những hỗ trợ nhất định cho người dân như: hỗ trợ lại tiền giống đầu tư mới cho các hộ có diện tích mía bị bệnh trắng là 7,2 triệu đồng/ha; hỗ trợ 2 triệu đồng/ha tiền cày ải cho các hộ có diện tích mía bị chết hạn khi xuống vụ đầu năm; hỗ trợ kinh phí đào khoảng 50 hồ chứa nước bổ sung cho gần 200 ha diện tích không chủ động nước…
Tính thời điểm hiện nay, Công ty Mía đường Phan Rang đã thu mua hơn 50% trên tổng diện tích 3.095 ha mía toàn tỉnh, sản lượng đạt gần 75.000 tấn. Riêng tại khu vực Ninh Sơn diện tích đã thu hoạch khoảng trên 1.000 ha, sản lượng hơn 69.800 tấn.
Lại một vụ mía không như mong đợi với nông dân Ninh Sơn, đã có những định hướng chuyển đổi giống mới, những hỗ trợ nhất định từ phía doanh nghiệp, nhưng với việc phần lớn diện tích vẫn đang trông chờ vào nước trời hàng năm, thì câu chuyện mía “đắng” mỗi khi vào vụ sẽ vẫn còn tiếp diễn. Để giải được “bài toán” này, mong rằng ngành chức nắng sớm có những biện pháp hữu hiệu để người dân tiếp tục phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía.
“Trước tình hình hạn hán gây ảnh hưởng đến sản xuất của bà con, lãnh đạo công ty sẽ xem xét và đề xuất với Hội đồng quản trị, đến cuối vụ thu hoạch sẽ ưu tiên giảm mức lãi suất cho những hộ nông dân có diện tích bị thiệt hại nặng, đang sử dụng nguồn vốn vay đầu tư trực tiếp từ công ty, nhằm giúp người dân an tâm tái sản xuất vụ mới. Ông Văn Hữu Thận khẳng định”.
Có thể bạn quan tâm
Nói đến cá bông lau, người ta nghĩ ngay đến sông Vàm Nao. Đây là đoạn sông lớn nhất nối sông Tiền với sông Hậu, gắn với nhiều câu chuyện huyền bí của dân “bà cậu”. Xem săn cá bông lau, rồi chế biến ngay trên dòng sông Hậu, kết hợp với tự tay hái bắp, bẻ cà, thu hoạch ấu… đang trở thành tour du lịch thú vị với những người yêu sông nước.
Nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bắc Giang đang phát triển mạnh. Sản lượng năm 2014 đạt hơn 29,5 nghìn tấn, đứng đầu khu vực trung du miền núi phía Bắc. Toàn tỉnh đã hình thành nhiều khu nuôi thâm canh và bán thâm canh, khu sản xuất hàng hóa tập trung.
Tàu câu cá ngừ đạt sản lượng quá ít, lỗ vốn. Đành chịu! Nhưng một số tàu câu được nhiều cá lại bán không trôi, cũng lỗ vốn. Ngư dân Phú Yên “sốc”! Điều gì đang xảy ra ở nơi “thủ phủ” nghề câu cá ngừ đại dương? Sự thể là do chất lượng cá kém, do giá cá ngừ đã và đang trên đà lao dốc, xuất khẩu giảm sâu.
Chiều 7/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng chủ trì cuộc họp bàn về quy hoạch chi tiết nuôi, chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đên năm 2025.
Mặc dù ngư dân Đà Nẵng được hoạt động theo tổ, đội và nghiệp đoàn, song tính liên kết vẫn chưa được phát huy. Vì vậy, cần một mô hình cao hơn để tập hợp họ. Việc thành lập một hợp tác xã (HTX) về thủy sản trong tương lai, có thể sẽ là điều cần thiết.