Ninh Bình: Giàu tiềm năng nuôi trồng thủy sản
Bằng việc phát huy những lợi thế sẵn có cùng chiến lược đầu tư bàn bản, nuôi trồng thủy sản tỉnh Ninh Bình những năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Tôm nuôi là một trong những thế mạnh của thủy sản Ninh Bình. Ảnh: Hải Đăng
Nhiều lợi thế
Ninh Bình có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển ngành thủy sản như: có khoảng trên 6.000 ha mặt nước mặn lợ và gần 19.000 ha đất mặt nước nội địa có thể quy hoạch để phát triển nuôi trồng thủy sản; Hệ thống giao thông thuận lợi, gần các trung tâm kinh tế lớn và là thị trường tiêu thụ rất rộng lớn như: thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa và đặc biệt là Quảng Ninh, nơi có cửa khẩu Móng Cái giao thương rất thuận tiện với thị trường Trung Quốc. Cùng đó, lực lượng lao động trong ngành đông đảo, có kinh nghiệm và tâm huyết với nghề; Sản phẩm thủy sản của tỉnh Ninh Bình khá đa dạng và có giá trị kinh tế khá cao, được thị trường ưa chuộng như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua xanh, cá bớp, ngao, cá trắm cỏ, trắm đen, cá chép...
Với những tiềm năng và lợi thế đó, trong những năm gần đây ngành thủy sản tỉnh Ninh Bình đã phát triển khá mạnh, đóng góp rất lớn vào cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm và ổn định kinh tế xã hội của địa phương. Từ các mô hình nuôi nhỏ lẻ, tự phát, sản xuất bấp bênh, năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế không cao; khai thác thủy sản chậm phát triển, tàu thuyền khai thác có công suất nhỏ chủ yếu là khai thác các vùng ven bờ, năng suất và sản lượng khai thác thấp, giá trị kinh tế và hiệu quả sản xuất chưa cao.
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn như: vùng nuôi hải sản Kim Sơn, nuôi cá ruộng Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô...
Với nuôi thủy sản mặn lợ, tổng diện tích nuôi toàn vùng đạt 3.152,5 ha. Trong đó: diện tích nuôi tôm sú là 1.969 ha, tôm thẻ chân trắng 170 ha, nuôi ngao 1.000 ha, nuôi cá 3,5 ha, diện tích ương giống nước lợ 10 ha. Sản lượng ước 17.020 tấn, tăng 9,4% so năm 2016. Trong đó, sản lượng tôm sú ước 307 tấn, tôm thẻ chân trắng 430 tấn, cua xanh nước lợ (cua biển) 400 tấn, ngao 16.000 tấn. Diện tích nuôi ngao là 1.000 ha; sản phẩm ngao thương phẩm được xuất đi các tỉnh miền Nam như An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre và Trung Quốc.
Nuôi thủy sản nước ngọt, diện tích ước 8.822 ha tăng 2,1% so năm 2016. Trong đó diện tích nuôi cá - lúa là 3.590,6 ha; diện tích ao, hồ, mặt nước lớn là 5.230,11 ha. Diện tích nuôi thủy sản tăng do một số địa phương như Yên Mô, Nho Quan, Gia Viễn đã thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, ngoài ra diện tích vùng ngoài đê. Sản lượng nuôi ước 23.580 tấn, tăng 5,9% so năm 2016; sản lượng thủy sản tăng là do người dân đã dần chuyển đổi từ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi bán thâm canh, thâm canh năng suất cao.
Hiện nay, sản phẩm thủy sản chủ lực của tỉnh Ninh Bình là: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, cua xanh nước lợ, cá trắm đen, cá chép, cá trắm cỏ... Đây là những sản phẩm có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển trong những năm tiếp theo.
Xúc tiến, mở rộng thị trường
Tỉnh Ninh Bình có hệ thống giao thông khá thuận lợi, gần các thị trường tiêu thụ lớn như: Hà Nội, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Phòng, đây là các thị trường có nhu cầu tiêu thụ khá lớn do đó việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản trong những năm qua khá thuận lợi. Tuy nhiên, trong những năm tới khi việc nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, sản lượng lớn thì việc tiêu thụ tại các thị trường truyền thống này sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất. Theo đại diện HTX Nuôi trồng thủy sản Gia Hòa, huyện Gia Viễn cho biết, HTX có 255 ha nuôi thủy sản với sản lượng 400 - 450 tấn, hiện đã thu hoạch được 2/3.
Đáng nói, tiêu thụ thủy sản của HTX hiện chủ yếu thông qua thương lái nên phụ thuộc vào giá cả và bị ép giá. Điển hình, có thời điểm cá rô phi đồng được thương lái thu mua với 15.000 đồng/kg, thậm chí bán với giá 300.000 đồng/tạ. Với mức giá này, nông dân chỉ muốn bỏ không thu hoạch vì thuê người đánh bắt cũng không đủ.
Vì vậy, theo chia sẻ của đại diện Chi cục Thủy sản Ninh Bình, việc xúc tiến thương mại các sản phẩm thủy sản nói chung và con tôm nói riêng cần phải được quan tâm đúng mức và tập trung vào các giải pháp như: Mở rộng các thị trường mới có tiềm năng lớn như: thị trường Trung Quốc, các nhà máy chế biến thủy sản; Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng các hình thức quảng bá sản phẩm trên các kênh thông tin có nhiều bạn đọc; Xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa; Xây dựng các chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm; Khuyến khích các doanh nghiệp lớn trong ngành đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến tiêu thụ sản phẩm tại địa phương…
>> Theo thống kê, tổng diện tích nuôi thủy sản của tỉnh Ninh Bình năm 2017 ước 11.974,7 ha (trong đó: nuôi nước ngọt: 8.822 ha, nuôi mặn, lợ: 3.152,7 ha) đạt 98% so kế hoạch năm 2017, tăng 0,8% so năm 2016. Tổng sản lượng thủy sản ước 48.501 tấn, đạt 103,9% so kế hoạch năm, tăng 9,7% so thực hiện năm 2016. Giá trị sản xuất thủy sản (theo giá so sánh 2010) ước 1.240 tỷ đồng, tăng 7% so năm 2016.
Có thể bạn quan tâm
Theo China Daily, gần 100 tấn tôm trị giá 1,9 triệu USD vừa được các nhà XK tôm giao từ Trung Quốc tới Úc.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghiệp đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ven biển xã Bình Giang và Bình Sơn, huyện Hòn Đất
Hiện giá tôm tăng cao, người nuôi phấn khởi. Ngoài yếu tố thời tiết có nhiều thuận lợi thì chất lượng con giống cũng góp phần không nhỏ