Niềm vui trên cánh đồng lúa tôm càng xanh
Nhờ tận dụng được mùa nước lợ, rất thích hợp thả nuôi tôm càng xanh, nên 3 năm qua, việc nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa không ngừng được nhân rộng.
Ðến nay, mô hình này đã “bén rễ” trong sản xuất tại các xã: Biển Bạch, Biển Bạch Ðông, Trí Phải, Tân Bằng và Thới Bình với tổng diện tích gần 2.000 ha.
Năng suất bình quân ước đạt từ 150-200 kg/ha, với giá bán khoảng 150.000 đồng/kg thì lợi nhuận mà người dân thu về từ tôm càng xanh là 15-25 triệu đồng/ha.
Năm nay, ông Trần Thanh Thoàng, ấp Xóm Mới, xã Biển Bạch Ðông, vui mừng khi năng suất lúa – tôm đều tăng cao so với những năm trước.
Nhờ làm đúng quy trình kỹ thuật mà tổng thu nhập từ lúa – tôm của gần 2 ha đất trên 80 triệu đồng.
Cầm trên tay cuốn sổ nhật ký lấm lem bùn đất, ông Lương Minh Toàn, ấp Bình Minh, xã Biển Bạch Ðông, chia sẻ, năm 2012, được Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ thí điểm thả nuôi 3.000 con tôm càng xanh giống trên diện tích hơn 1 ha đất của gia đình, sau hơn 3 tháng ông thu hoạch, sau khi trừ chi phí thu lãi hơn 20 triệu đồng.
Ông cho biết, con tôm càng xanh khá dễ nuôi, tỷ lệ đạt đầu con cao, trên 80% và rất thích nghi với môi trường nước ngọt lợ của địa phương.
Ðồng thời, nuôi cùng thời gian cấy lúa nên việc trú ẩn và nguồn thức ăn thiên nhiên phong phú, giúp tôm phát triển khá tốt.
Năm nay ông tiếp tục nhân đôi diện tích và cho kết quả khá cao, thu lãi gần 40 triệu đồng.
Bước vào sản xuất vụ mùa lúa – tôm và xen canh tôm càng xanh năm 2014, toàn huyện Thới Bình gieo cấy trên 24.700 ha, tăng gần 600 ha so cùng kỳ và thả tôm càng xanh hơn 2.000 ha, tăng gần 1.000 ha.
Năm nay năng suất lúa bình quân ước đạt từ 4,5-5 tấn/ha, có nhiều nơi năng suất đạt gần 5,5 tấn/ha, bà con rất phấn khởi.
Không chỉ vậy, nhiều mô hình sản xuất đa canh của huyện mang lại thu nhập cao, từ 200-800 triệu đồng/năm.
Toàn huyện có gần 500 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và cấp huyện; cấp xã, thị trấn hơn 3.400.
Ông Nguyễn Thanh Ðen, cán bộ khuyến nông – khuyến ngư xã Biển Bạch Ðông, cho biết, sự kết hợp tôm càng xanh trên ruộng lúa không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn tạo ra sản phẩm tôm sạch, lúa sạch.
Bởi nuôi tôm càng xanh bắt buộc người dân không được sử dụng thuốc trừ sâu, việc xen canh trên cùng diện tích sẽ giúp hạn chế được vấn đề dịch bệnh.
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lâm nhận định, lợi nhuận từ tôm – lúa và xen canh thêm tôm càng xanh đã rõ và đang thu hút nhiều nông dân tham gia.
Thời gian tới, huyện tập trung quản lý chất lượng con giống, cả tôm sú và tôm càng xanh để quá trình sản xuất ngày một bền vững, mở ra hướng sản xuất mới cho bà con nông dân, làm cơ sở để huyện quy hoạch phát triển sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Có thể bạn quan tâm
Qua tổng kết cho thấy mô hình đạt hiệu quả khá cao, năng suất đạt trung bình từ 200 – 250kg/ha, lợi nhuận từ 30 – 50 triệu đồng/ha.
Tôm càng xanh là đối tượng thủy sản nuôi không đem lại lợi nhuận cao như đối với tôm nuôi nước lợ, nhưng ít rủi ro dịch bệnh và có năng suất cao, hiệu quả
Tôm càng xanh là loài ít dịch bệnh, dễ nuôi, tuy nhiên đối với loài này, để đạt được hiệu quả kinh tế, khi chọn giống cần phải chú ý đến đặc điểm sinh trưởng
Tôm càng xanh là một đối tượng nuôi khá phổ biến hiện nay, vì có tiềm năng rất lớn về xuất khẩu. Nghiên cứu gần đây cho thấy, mô hình nuôi tôm càng xanh biofloc
Hiện nay hình thức nuôi tôm càng xanh thương phẩm chủ yếu theo dạng quảng canh cải tiến nuôi trong ruộng lúa và bán thâm canh trong các diện tích nhỏ