Những Vụ Niễng Bội Thu
Gió bắt hơi heo thì trời trở mát, ấy là khi mùa thu đã về, cũng là mùa thu hoạch niễng. Giữa khung cảnh xam xám, buồn buồn của mùa thu, những ruộng niễng xanh rập rờn lá, mập mạp gốc chạy dài tít tắp khắp các cánh đồng.
Chui vào giữa ruộng niễng tốt quá đầu người, giọng anh Nguyễn Hữu Việt, xóm 8, xã Nghĩa An (Nam Trực) “lút” giữa ruộng niễng: “năm nay ít mưa nên niễng không hẳn được mùa. Tuy nhiên, giá niễng ổn định cũng bõ công nông dân suốt một năm vất vả, hai sương một nắng trên cánh đồng”, anh hồ hởi.
Cấy 1 năm, ăn 1 tháng
“Ăn Tết xong xuôi, tháng Giêng trời hãy còn lạnh cắt da thịt thì chúng tôi bắt đầu một vụ niễng mới. Những gốc niễng còn sót lại từ mùa thu hoạch trước được đào lên rồi cấy trở lại chân ruộng như cấy lúa, thế là mùa niễng bắt đầu”, chị Mai Thị Thìn, vợ anh Việt cho biết.
Sau khi cấy 2 tháng, người nông dân thực sự có những ngày “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” trên ruộng niễng. Họ làm cỏ liên tục trong những đám niễng.
Cỏ lên đến đâu bị tận diệt đến đấy, bằng chính sức người, tuyệt nhiên không động một giọt thuốc diệt cỏ nào. Dân trồng niễng xóm 8, đặc biệt “kiêng” thuốc cỏ khi làm niễng. Họ mong muốn về một sản phẩm sạch hoàn toàn đến tay người tiêu dùng và cũng là để giữ “giá” cho thương hiệu niễng Nghĩa An. Trồng niễng, vì thế, tốn công mất sức nhất là khâu làm cỏ.
Có khi làm phía trước xong, nhìn lại ruộng niễng phía sau đã lại thấy cỏ mọc. Phải mất khoảng 5 tháng sau khi trồng, niễng mới bớt được cỏ. Niễng càng tốt, độ che phủ càng nhiều thì càng lấn át được cỏ. “Năm nào tôi cũng có vấn đề về mắt do làm cỏ cho niễng. Lá niễng dài và cứng lại rất sắc ở hai bên mép. Cúi xuống làm cỏ, lá niễng đâm vào mắt gây đau hoặc thậm chí rách giác mạc. Đi làm cỏ cho niễng, ai trong chúng tôi cũng kè kè cái mũ bảo hiểm xe máy.
Vừa để tránh nắng mưa, vừa tiện sập kính mũ bảo hiểm xuống, tránh lá đâm vào mắt”, chị Thìn nói. Trồng niễng, người nông dân cơ bản là mất công, còn lại không tốn tiền phân tro. Chỗ nào chân đất quá xấu, tháng 8 ngớt mưa thì rắc thêm tý NPK, không thì thôi. Tuy nhiên, niễng cũng không phải quá dễ tính: “Niễng dễ trồng nếu gặp được những chân ruộng đất thịt ngọt, nhiều bùn và có nước. Nếu là đất pha cát, rất khó trồng vì niễng không chịu được khô.
Chính vì thế, không phải nơi nào cũng trồng được niễng và trồng được niễng ngon. Cả tỉnh Nam Định cũng chỉ có Nam Trực và Nghĩa Hưng là trồng được niễng. Riêng Nghĩa An, chỉ mỗi xóm 8 là có chân đất phù hợp nhất cho cây niễng sinh sôi nảy nở”, anh Việt bổ sung. Niễng là giống cây ưa nước, thích nhất khi gặp trời mưa. Càng mưa nhiều niễng càng tốt, củ càng to càng trắng, càng ngọt.
Niễng kỵ trời gió do thân cao và lá quá tốt. Vào tháng 7, tháng 8, ấy là lúc cây niễng đạt độ cao tối đa nên nếu gặp bão thì dễ mùa niễng năm đó “đi tong”. Công sức một năm của người nông dân, vì thế “theo sông về với biển”, nếu có vớt vát lại cũng chẳng đáng được bao nhiêu. Người trồng niễng, do đó thường… hồi hộp lắm với đất trời.
Tháng 9 hằng năm, ruộng niễng bắt đầu ra bắp, rộ khi vào giữa tháng. Đấy là với những ruộng niễng đạt chuẩn. Tháng 9, nhìn vào giữa ruộng niễng mà mới thấy ra hoa, trổ cờ thì dân trồng niễng… chết chắc. Khi đó chẳng hy vọng ruộng niễng cho củ. Vào chính vụ, ngày nào người trồng cũng phải đi thu hoạch niễng. Chậm một ngày, niễng già đi nhanh chóng, vỏ xanh, xốp, ăn vào không thấy vị ngọt, mất ngon.
Tháng 10, hết mùa niễng, nông dân cắt sát gốc chuẩn bị giống cho mùa sau. Những nông dân cẩn trọng, tỉ mỉ khi đi thu hoạch niễng, cạnh những cây cho củ to, trắng thường mang theo cành tre cắm ngay bên để đánh dấu. Họ chọn những cây đó để làm giống, hy vọng về một mùa niễng tốt, khỏe trong năm tới.
10 năm trước, bố chồng chị Thìn vốn là dân lái xe đường dài trở về nhà sau thời gian đi xa, ông mang về một… món rau rất lạ. Chị Thìn nghe lời bố chồng đem cấy ở những nơi gần nguồn nước trong nhà. Đến vụ, cây rau nở những củ trắng tinh, có thể dùng để xào hoặc bóc vỏ ăn sống ngay tại chỗ.
Những cây niễng đến xóm nhỏ “bình yên” như thế. Khoảng những năm 1995, xóm 8 đã có lác đác những nhà phá ruộng trồng niễng do hiệu quả kinh tế của loại cây này mang lại. Nhà chị Thìn là người tiên phong. Bởi, khi đó nhiều người đã quen ăn loại củ này. Ăn thấy ngon, thấy sạch, mát và bổ nên nhiều người mua. Mua nhiều thì được giá, dân trồng niễng trong xóm hồ hởi.
Đến nay, hầu như nhà nào trong xóm cũng trồng niễng. Nhà nhiều nhất thì 4 mẫu, ít cũng có khoảng vài thước ruộng. Những cánh đồng của nông dân xóm 8, vì thế ngoài màu vàng rực rỡ của lúa đang vào vụ gặt còn có thêm màu xanh mướt mát, khỏe khoắn của những cây niễng cao quá đầu người.
Trồng niễng, “làm chơi ăn thật”
Đầu mùa, với mức giá ổn định 2.000 đồng/củ, người trồng niễng hy vọng vụ niễng năm nay lại được mùa. Anh Việt ước tính, một sào niễng thường cho thu nhập khoảng 3-3,5 triệu đồng/năm, nếu chăm bẵm tốt. Với một mẫu niễng, mỗi năm anh thu trên dưới 30 triệu đồng.
Số tiền đó có thể chưa nhiều nhưng với cách tính toán của người nông dân “lấy công làm lãi”, chẳng phải đầu tư các khoản như phân bón, thuốc trừ sâu, giống… nghề trồng niễng, giống như “làm chơi mà ăn thật”. Tuy vất vả hơn trồng lúa, các loại hoa màu nhưng sau mỗi ngày thu hoạch, bán buôn niễng thường thu được tiền luôn. Hết mùa niễng, nông dân vẫn có thể dành thời gian để trồng cấy, chăm sóc những cây khác. Hoặc là chạy chợ hoặc là đan lát, may vá…
Vụ niễng chỉ rộ lên trong khoảng một tháng, vì vậy những hộ dân trồng niễng thường động viên mọi người trong nhà cùng nhau thu hoạch. Mở mắt thức dậy, cả gia đình anh Việt đã chui vào ruộng niễng bới gốc bẻ củ. Họ làm thông trưa không ăn không nghỉ cho đến khoảng 2 giờ chiều.
Sau khi bẻ hết số củ thì chuyển về nhà tiện, cắt lọc, phân theo các loại to, nhỏ khác nhau rồi bó thành bó. 11 giờ đêm, những nông dân xóm 8 lại lạch cạch chuyển niễng lên xe, nổ máy thẳng tiến chợ đêm Phạm Ngũ Lão, Thành phố Nam Định buôn bán.
Dưới những bóng điện treo lơ lửng đầu dãy hàng niễng, những bó niễng trắng tinh, đều chằn chặn xếp gọn gàng chờ thương lái thu mua. Các năm trở lại đây, theo dân trồng niễng, ngoài Nam Định, người dân các tỉnh, thành phố như: Hà Nam, Thái Bình, Quảng Ninh đặc biệt là Hà Nội đã… quen ăn và rất chuộng món niễng.
Nông dân theo đó ít nỗi lo về thị trường. “Giá cả của niễng tương đối ổn định, ít dao động theo các năm. Tuy nhiên, vào giữa mùa, giá niễng sẽ thấp hơn một chút, khoảng 1.000 đồng/củ do bị thương lái làm giá. Nhiều năm trồng niễng, tôi chưa bao giờ thấy niễng bị ế. Người trồng niễng chúng tôi rất yên tâm về đầu ra cho sản phẩm, chỉ tiếc là cây niễng cho thu hoạch ít quá, mỗi năm chỉ một tháng nên không có để bán thường xuyên”, anh Việt chia sẻ.
Nghề trồng niễng là nghề làm chơi ăn thật nhưng sự làm chơi của người trồng niễng kể ra cũng khá… nhọc nhằn. Vào mùa niễng, nông dân hầu như không có thời gian để ngủ, chưa nói đến chuyện nghỉ ngơi.
Bẻ củ, tiện niễng rồi đêm đêm thức mang hàng đi bán, dân trồng niễng thường… bơ phờ sau khi mùa vụ kết thúc. Bù lại, giá niễng ổn định hơn, nông dân đỡ bị thiệt thòi, cũng cảm thấy được an ủi phần nào.
Năm nay, mùa niễng đến muộn hơn mọi năm do là năm nhuận. Cũng vì thế, những ngày này trùng với mùa gặt hái, nông dân xóm 8 đang vào chính vụ niễng. Bận rộn, nhọc nhằn là thế nhưng không ai kêu ca. Niễng đã là cơm áo, gạo tiền, là chi phí cho con cái học hành, mua sắm thêm trang thiết bị trong nhà…
Cũng còn sớm nếu nói làm giàu từ cây niễng song cuộc sống của các hộ gia đình xóm 8, từ khi có cây niễng đang ngày một khấm khá dần, no đủ hơn. Loại rau củ này, vì thế đang mang lại những “tín hiệu vui” tích cực.
Chỉ mong mưa gió thuận hòa, chỉ mong đừng bị tư thương ép giá là dân trồng niễng có thể hoàn toàn yên tâm mà trồng cấy, nhân rộng loại cây này. Bởi với họ, việc đổ mồ hôi trên những cánh đồng nhưng mang về những vụ mùa bội thu cho gia đình, nhà cửa mới thực sự quan trọng.
Có thể bạn quan tâm
Cho ngan ăn sau một ngày bỗng thấy hàng trăm con ngan trong trại lăn đùng ra chết. Xung quanh vấn đề này ông Lỗ Cao Chí, chủ trang trại ngan nghi vấn có thể do loại thức ăn hỗn hợp dành cho vịt, ngan hiệu Herofeed 3002 của Cty CP Dinh dưỡng Việt Tín
Trước thực trạng ngày càng nhiều người nuôi tôm ở Ấn Độ chuyển sang nuôi tôm chân trắng, nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo người nuôi thận trọng trong từng khâu sản xuất mới có thể duy trì sản lượng cao.
Mỗi năm trang trại nuôi chim cút của anh Hưng cho thu lãi gần trăm triệu đồng, tạo điều kiện cho một số lao động địa phương với mức thu nhập khá...
Với hơn 20 ha trồng cam sành, mỗi năm đem về cho gia đình ông Lê Văn Hít (Năm Hít) ở ấp 3, xã Phú An, huyện Cai Lậy, Tiền Giang không dưới 500 triệu đồng.
Hiện nay khi tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra trên đàn vật nuôi thì việc vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh càng được các hộ chăn nuôi đặc biệt quan tâm. Và nuôi lợn theo mô hình khép kín của gia đình anh Bùi Danh Dự, phố Chu Văn An, thị trấn Đầm Hà (huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) là một ví dụ điển hình, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như giảm khả năng mắc bệnh và lây truyền bệnh cho vật nuôi.