Cử nhân xây dựng khởi nghiệp với con ộp ộp, kiếm 200 triệu đồng/năm
Từng mở quán internet rồi đi làm ở UBND xã, tới nay, chàng trai cử nhân xây dựng Tống Trường Giang (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đã trụ lại với nghề nuôi ếch, mỗi năm thu lãi 200 triệu đồng.
Những hồ ếch của Tống Trường Giang trong một đợt thu hoạch.
Tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng (hệ cao đẳng) nhưng Giang không đi theo nghề đã học. Sau khi ra trường, Giang thuê mặt bằng kinh doanh 2 tiệm internet. Tuy nhiên, tiệm chỉ làm ăn được thời gian đầu. Về sau vắng khách dần do nhu cầu sử dụng internet công cộng đã bão hòa.
Đóng tiệm internet, Giang xin làm công an viên ở xã nhà. Thế nhưng, công việc của công an viên chưa phù hợp với anh. Sau 2 năm làm công an viên, năm 2018, Giang quyết định nghỉ việc và tự khởi nghiệp.
Biết có người ở xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) nuôi ếch thương phẩm khá hiệu quả, Giang xin học hỏi kinh nghiệm. Giang thuê đất của xã xây dựng 18 hồ với diện tích 500m2 và đầu tư khoảng 200 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua 10.000 con giống về thả.
Thời gian đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật và kinh nghiệm chăm sóc nên ếch bị bệnh, chậm lớn và chết nhiều. Giang mất ăn mất ngủ, chạy ngược chạy xuôi tìm cách xử lý. Cuối cùng, những cố gắng của anh cũng được đền đáp: Đàn ếch cứ thế mà trưởng thành, to khỏe.
"Để ếch sinh trưởng và phát triển tốt, nguồn nước là một trong những điều kiện cực kỳ quan trọng. Nước phải đảm bảo sạch sẽ, mỗi ngày phải thay nước 2 lần. Khi cho ếch ăn, chỉ cho vừa đủ, không cho ít mà cũng không cho nhiều. Nếu cho ít, ếch không đủ ăn sẽ cắn nhau; nếu cho nhiều, thức ăn sẽ thừa qua bữa khác, ếch ăn vào sẽ bị bệnh đường ruột", Giang chia sẻ.
Theo Giang, thời điểm nuôi ếch thích hợp nhất là từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm.
Theo Giang, thời điểm nuôi ếch thích hợp nhất là từ tháng 3 - 10 hàng năm. Đây là khoảng thời gian thời tiết có nhiều nắng, ít mưa.
Còn những tháng khác, thời tiết mưa bão ếch khó sinh trưởng và phát triển nên anh không nuôi ếch mà thả cá rô phi. Đến khi cá rô phi đủ thời gian xuất bán, Giang lại quanh vòng lại nuôi ếch. Cứ như vậy, các hồ của anh hoạt đồng quanh năm, không bị bỏ trống.
Khi cho ếch ăn, chỉ cho vừa đủ, không cho ít mà cũng không cho nhiều.
Để tiết kiệm chi phí và có chủ động trong việc nuôi ếch, Giang bắt đầu mày mò, học cách tự nhân giống ếch.
Anh tự lên mạng tìm hiểu rồi chọn những con ếch bố mẹ khỏe mạnh nhân giống. Thời điểm ếch giao phối, Giang phải túc trực cả ngày lẫn đêm tại trang trại để bảo đảm cho ra con giống chất lượng và khỏe mạnh.
Phải nhiều lần "lên bờ, xuống ruộng" với ếch, đau đầu suy nghĩ và gần 2 năm trời, Giang mới thành công trong việc nhân giống.
"Ếch giống khá đắt, có giá 1.000 đồng/con. Nếu mình chủ động được giống sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí", Giang cho hay.
Ngoài nuôi ếch, Giang còn kết hợp nuôi thêm nuôi cá rô phi.
Không chỉ tự cung tự cấp nguồn giống cho trang trại của mình, Giang còn có giống bán cho các trang trại ở Quảng Nam.
Đối với ếch thương phẩm, anh bỏ mối cho các chợ, siêu thị mini và các thương lái. Bình quân, mỗi năm, trại của Giang bán khoảng 6-7 tấn ếch thương phẩm.
Trừ các khoản chi phí, trang trại của Giang thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.
Chia sẻ về khó khăn hiện nay, anh cho biết, khâu đầu ra vẫn phụ thuộc nhiều vào thương lái nên thường bị thương lái ép giá. Trong khi đó, các siêu thị Giang chưa tiếp cận được nhiều để có thể bán được với mức giá ổn định hơn.
Anh Trần Văn Thọ, Phó Bí thư Đoàn xã Hòa Phước cho biết, mô hình nuôi ếch anh Tống Trường Giang là một trong những mô hình thanh niên khởi nghiệp, dám nghĩ dám làm trên địa bàn xã. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của Giang vẫn là đầu ra, nếu có đầu ra tốt, trang trại của Giang sẽ phát triển hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm
Gần 20 năm quăng quật mưu sinh, anh Việt quay về quê làm nông dân. Với sự đồng hành của cán bộ khuyến nông, giấc mơ tỉ phú không còn xa với anh.
Sau một vụ nuôi thất bại, đến nay, nuôi ốc bươu đen đã mang lại cho anh Hảo thu nhập ổn định. Đây cũng là loài dễ nuôi, chi phí thấp, tiêu thụ dễ...
Ruồi vàng là kẻ thù khó xử lý trong trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, kẻ thu này đã có cách trị bằng nhà lưới, kết hợp với nuôi ong thụ phấn.