Những giải pháp nuôi tôm quảng canh cải tiến hiệu quả
Nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) là mô hình nuôi dựa vào nền tảng của hình thức nuôi quảng canh nhưng có bổ sung thêm giống ở mật độ thấp hoặc là thêm thức ăn theo tuần, đôi khi thêm cả thức ăn; bổ sung thêm chế phẩm vi sinh và áp dụng một số kỹ thuật quản lý và cải thiện môi trường nước nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Nhiều hộ nuôi tôm QCCT tập trung tại một số huyện ven biển.
Việc nuôi tôm QCCT có nhiều cấp độ khác nhau, thấp nhất là chỉ đầu tư con giống, cao hơn là giai đoạn đầu cho ăn, ương giống, chạy quạt tạo ôxy bán thời gian, diện tích ao nuôi đa dạng từ 1ha đến vài hécta, các ao nuôi đất thông thường và độ sâu mức nước 1m - 1,5m… Theo thống kê, diện tích nuôi tôm ở Sóc Trăng hơn 45.000ha, tập trung ở Trần Đề, Mỹ Xuyên, Long Phú, Cù Lao Dung và TX. Vĩnh Châu. Thời gian qua, nhiều hộ đã áp dụng các mô hình nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: nuôi tôm 2 giai đoạn, ứng dụng công nghệ cao, siêu thâm canh, nuôi tôm sú kết hợp với tôm thẻ chân trắng… Chính từ việc nuôi tôm áp dụng các kỹ thuật nuôi hiện tại đã đem về nguồn thu đáng kể cho hộ nuôi, nhưng nhiều nông dân vẫn duy trì mô hình nuôi tôm quảng canh và có hướng mở mới bằng hình thức nâng lên mô hình nuôi tôm QCCT.
Để việc nuôi tôm QCCT của hộ nuôi hiệu quả, Th.S Lê Văn Trúc - Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2) đã có một số nhận định về nuôi tôm QCCT hiện nay. Theo đó, phần lớn hộ thực hiện mô hình nuôi tôm QCCT không bố trí ao lắng và xử lý nước, điều này gây khó khăn cho việc dự trữ, xử lý nước trong suốt quá trình nuôi; mặt khác, việc lấy nước trực tiếp trong khi đang nuôi tôm sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro do chất lượng nguồn nước ít được kiểm soát các yếu tố dịch bệnh và các yếu tố hóa học bất lợi cho nuôi tôm. Bên cạnh đó, mô hình nuôi tôm quảng canh truyền thống được coi là hình thức nuôi thân thiện nhưng nó rất nhạy cảm và phụ thuộc rất lớn vào chất lượng môi trường nước, phần lớn các ao nuôi không có diện tích làm ao chứa, ao lắng nên người nuôi phải thường xuyên sử dụng nguồn nước sông hoặc cấp trực tiếp vào ao nuôi tôm mà không qua bất kỳ khâu kiểm tra nào. Mặt khác, một số khu vực nuôi tôm siêu thâm canh được cho phép xây dựng xen kẽ hoặc gần kề các khu nuôi tôm QCCT cũng gây ảnh hưởng không tốt đến nguồn nước cấp, chất thải từ các khu vực này nếu không được xử lý sẽ có mức độ ô nhiễm rất cao, gây ra một số độc tố gây độc hại cho tôm nuôi.
Trước điều kiện nuôi tôm QCCT còn nhiều bất lợi, Th.S Lê Văn Trúc đưa ra các giải pháp về nguồn nước nuôi tôm, chất lượng con giống cũng như biện pháp kỹ thuật đối với tôm nuôi theo hình thức QCCT. Trước hết, hộ dân phải nâng cao hiệu quả và tính bền vững của mô hình nuôi tôm bằng cách thu hẹp diện tích nuôi để bố trí các công trình phụ trợ, tăng cường chi phí đầu tư, đào đắp ao lắng, ao ương và nâng cao bờ bao, tăng độ sâu cho mương và tăng cường máy bơm, quạt nước khi cần dùng. “Trong quá trình nuôi, người dân cần ưu tiên diện tích xây dựng ao lắng, ao xử lý nước để sử dụng trước khi thả giống và nuôi trong suốt vụ nuôi, không cho xây dựng thêm các khu vực nuôi tôm siêu thâm canh xen kẽ nuôi QCCT theo kiểu “da beo”. Đối với các trang trại, hộ dân đang nuôi tôm siêu thâm canh thực hiện biện pháp xử lý, thu gom chất thải triệt để trước khi thải ra ngoài sông để giảm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, phải thường xuyên giám sát, kiểm tra chất lượng nguồn nước thải của các nhà máy, xí nghiệp tại khu vực nuôi; đặc biệt là việc chọn con giống cũng là yếu tố quyết định ít nhiều đến quá trình sinh trưởng của tôm nuôi. Do vậy, người nuôi cần phải chọn nơi sản xuất con giống uy tín, có chất lượng tốt và ương giống trước khi thả nuôi” - Th.S Lê Văn Trúc đặc biệt lưu ý.
Bên cạnh việc quy hoạch vùng nuôi tổ chức sản xuất và các biện pháp kỹ thuật nuôi để tôm tiêu thụ tốt trên thị trường, ngành chuyên môn cũng cho rằng cần phải thực hiện tốt việc liên kết trong sản xuất, ngoài công tác tuyên truyền, vận động thì các ngành liên quan hỗ trợ nông dân về việc xây dựng cơ chế hoạt động cụ thể khi vào tổ hợp tác, hợp tác xã cũng như lợi ích họ hưởng trong quá trình tham gia, cho vay vốn sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm phù hợp, làm cầu nối liên kết giữa các tổ, nhóm sản xuất với nhà cung ứng nguyên liệu đầu vào và doanh nghiệp thu mua sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng cường công tác dự báo tình hình dịch bệnh và thiên tai để qua đó giúp nông dân chủ động và phòng tránh giảm tác hại rủi ro trong nuôi tôm.
Qua các giải pháp nuôi tôm QCCT mà Th.S Lê Văn Trúc trình bày, thấy rằng: Vấn đề nuôi tôm QCCT được các hộ dân khu vực ven biển nuôi khá nhiều tại Sóc Trăng, tại đây có điều kiện về hạ tầng còn hạn chế, vốn ít và mô hình không tạo ra lượng sản phẩm lớn, mang tính chiến lược quốc gia nhưng ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều người. “Do vậy, cần có sự quan tâm sâu sát hơn nữa của các ngành liên quan, cơ quan nghiên cứu khoa học và các doanh nghiệp thu mua, từng bước giúp hộ dân xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của họ…” - Th.S Lê Văn Trúc mong muốn.
Có thể bạn quan tâm
Hiện, nuôi ghép là hình thức phổ biến được áp dụng trong nuôi thủy sản, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc. Bởi đây là hình thức có năng suất, sản lượng và hiệu quả
Ký sinh trùng là một đối tượng gây thiệt hại nặng trong giai đoạn giống của các loài cá nước ngọt. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, tinh dầu của loài thực vật
Phú Yên đặt mục tiêu phát triển ngành tôm thành ngành công nghiệp sản xuất mũi nhọn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.