Những giải pháp cần thực hiện để phòng ngừa bệnh heo tai xanh
Bệnh Tai xanh là gì ?
Bệnh Tai xanh hay còn gọi là Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS: Porcine Reproductive and Respiratory Syndrome) là một bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh ở heo. Bệnh do một loại vi rút gây ra. Đặc trưng của bệnh là hiện tượng sẩy thai ở heo nái chửa, xáo trộn hô hấp (thường gặp ở heo lứa, heo con sau cai sữa).
Bệnh phát sinh ở heo mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở heo nái, heo con sau cai sữa, lây lan nhanh, tỷ lệ chết cao. Heo nhiễm bệnh Tai xanh thường bị suy giảm miễn dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh khác kế phát như: dịch tả heo, phó thương hàn, tụ huyết trùng, E.coli, liên cầu khuẩn, mycoplasma,… Đây là một trong những yếu tố dẫn đến tỷ lệ chết cao, gây tổn thất lớn về kinh tế cho người chăn nuôi.
Các biểu hiện thường gặp
Ở heo nái: sốt, lờ đờ, ăn ít, da tím tái, tần số hô hấp tăng. Khi sinh, có thể gặp các trường hợp: số thai khô cao, heo con chết ngay sau khi sinh. Ở thể cấp tính: heo nái bỏ ăn, sốt cao, xáo trộn thần kinh, sẩy thai.
Ở heo con theo mẹ: kém linh hoạt, mắt có ghèn, da có nhiều vết phồng, rộp, tai có màu tím tái, xáo trộn hô hấp, tiêu hóa, heo tiêu chảy, mất nước, cơ thể suy nhược, tỷ lệ chết cao.
Ở heo con sau cai sữa: sốt, bỏ ăn, da đỏ ửng, mắt sưng đỏ, tần số hô hấp tăng.
Ở heo lứa, heo vỗ béo: sốt cao, thở khó, tần số hô hấp tăng, đi đứng xiêu vẹo.
Tác hại
Tỷ lệ nhiễm bệnh, tỷ lệ chết cao, tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi.
Nhà nước tốn nhiều kinh phí để đầu tư cho hoạt động chống dịch như: xử lý ổ dịch, vệ sinh tiêu độc, kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng lan truyền dịch bệnh.
Các giải pháp phòng ngừa
Thông tin, tuyên truyền: giúp bà con chăn nuôi hiểu biết về bệnh Tai xanh, các biện pháp phòng ngừa chủ động. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ phát hiện dịch bệnh, bà con chăn nuôi nên thông báo ngay đến Cơ quan Thú y hoặc Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tại địa phương để được hỗ trợ, chẩn đoán xác định và xử lý kịp thời. Điều quan trọng là không nên che giấu hoặc tự ý điều trị, bán chạy heo bệnh. Vì như thế, mầm bệnh sẽ có điều kiện phát triển lan rộng, ảnh hưởng đến nhiều cơ sở chăn nuôi khác. Vấn đề làm cho bà con chăn nuôi an tâm là khi chẩn đoán xác định đúng dịch bệnh cần phải xử lý thì Nhà nước có chính sách hỗ trợ để bà con có điều kiện khôi phục lại hoạt động chăn nuôi.
An toàn sinh học: đây là biện pháp chủ động ngăn ngừa dịch bệnh, với các biện pháp vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại hàng ngày, định kỳ sử dụng các loại hóa chất thông thường như: vôi bột, BKA, Benkocid…để tiêu độc sát trùng chuồng trại, máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi thì mầm bệnh sẽ bị tiêu diệt không còn cơ hội để xâm nhập vào cơ thể heo để gây thành bệnh. Song song đó, cần chú ý bồi dưỡng nâng đở cơ thể heo bằng thức ăn có đầy đủ dinh dưỡng, các loại premix, vitamin. Trong thời điểm hiện nay, nhiệt độ không khí tăng cao; nước mặn, bà con chăn nuôi cần lưu ý giữ cho chuồng trại thông thoáng; bổ sung đầy đủ nước uống đảm bảo sạch sẽ, vệ sinh. Đó là những giải pháp nâng cao sức đề kháng trong cơ thể heo để tiêu diệt mầm bệnh.
Tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và tiêm đúng lịch trình. Tiêm phòng bệnh Tai xanh và các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong chăn nuôi heo như dịch tả heo, phó thương hàn, tụ huyết trùng. Khi được tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch trình các bệnh nêu trên, cơ thể heo sẽ sản sinh ra kháng thể chủ động. Những kháng thể này sẽ đủ sức để tiêu diệt các mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể heo.
Thực hiện đầy đủ các giải pháp nêu trên là góp phần ngăn ngừa bệnh Tai xanh ở heo, bảo vệ tốt hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Dịch tả heo là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút Pestivirut gây ra, bệnh xảy ra trên heo ở mọi lứa tuổi nhưng nặng nhất là heo con theo mẹ, heo sau cai sữa
Tiêu chảy là bệnh xảy ra phổ biến ở heo con theo mẹ và heo cai sữa do các nguyên nhân như: stress, dinh dưỡng kém hoặc do nhiễm bệnh.
iện nay, tình hình dịch bệnh tai xanh trong nước đang có xu hướng phát sinh trở lại.