Chăm sóc heo con phòng ngừa bệnh tiêu chảy
Tiêu chảy là bệnh xảy ra phổ biến ở heo con theo mẹ và heo cai sữa do các nguyên nhân như: stress, dinh dưỡng kém hoặc do nhiễm bệnh. Bệnh không gây tử vong cao nhưng gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. Vì vậy bà con cần chú ý các vấn đề sau đây để phòng ngừa bệnh tiêu chảy trên heo con.
Chuồng trại và thiết bị chuồng trại
Chuồng trại phải cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, tránh mưa tạt, gió lùa.
Hướng chuồng nên xây theo hướng Đông - Tây để tránh bức xạ mặt trời vì nhiệt độ quá nóng heo sẽ ăn ít và chậm lớn. Nền chuồng làm bằng bê-tông, có độ dốc 2-3%, không tô láng để tránh heo bị té sẩy chân.
Máng ăn, uống riêng biệt đúng kích cỡ. Bên ngoài chuồng có rãnh thoát phân, nước dội chuồng và hố xử lý chất thải. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, dụng cụ, thiết bị phục vụ chăn nuôi.
Mật độ nuôi tối đa 20-30con/ô chuồng (khoảng 1-1,2m2/con). Không nên nuôi mật độ dày chúng dễ đánh nhau tranh ăn uống, khó kiểm soát.
Vệ sinh chuồng trại: chỉ quét dọn khô, thay lót chuồng bẩn, không rửa nước. Để heo con nằm trên chuồng sàn có lót rơm cắt ngắn hoặc cỏ khô. Định kỳ tiêu độc sát trùng chuồng và môi trường xung quanh bằng một trong các loại hoá chất như: BKA, Benkocid, Viskon… (Lưu ý: hoá chất sử dụng nên tuân thủ đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất).
Thức ăn và dinh dưỡng
Nhu cầu dinh dưỡng của heo thay đổi tùy theo từng giai đoạn phát triển. Giai đoạn còn nhỏ nhu cầu đạm và năng lượng cao hơn giai đoạn trưởng thành, nhưng ngược lại heo tiêu hóa thức ăn kém hơn giai đoạn sau này, do đó cần phải lựa chọn và sử dụng các loại thức ăn cho phù hợp.
Chế biến thức ăn cho heo con phải đầy đủ dinh dưỡng không để thiếu chất, đặc biệt là sắt, kẽm, vitamin…
Thức ăn hỗn hợp phải chọn loại có thành phần dinh dưỡng cao, đảm bảo số lượng, chất lượng và chủng loại, phải cung cấp đầy đủ các loại vitamin và các chất khoáng đa, vi lượng.
Thức ăn phải sạch, không ôi thiu, không nhiễm độc tố nấm mốc, nhiễm khuẩn hoặc thức ăn không rõ nguồn gốc.
Chăm sóc, nuôi dưỡng
Giai đoạn sơ sinh
Heo con đẻ ra phải lau sạch nhớt, cắt rốn, bấm răng nanh và úm ngay.
Cho heo con bú sữa đầu càng sớm càng tốt, chậm nhất là sau 2 giờ. Heo nhỏ, yếu ớt cho bú ở vú trước và chích gluconat – Ca trợ sức để heo sinh trưởng tốt và đồng đều.
Chích sắt đầy đủ cho heo con để phòng thiếu máu (chích 2 lần từ 2 – 3ngày đến 15 – 16ngày tuổi chích sắt Fedextran, Fedextrin, hàm lượng 100 – 200mg/cc, liều lượng 2 – 3cc/con).
Tập cho heo con ăn lúc 7-10 ngày để cai sữa sớm và khi cai sữa heo ăn được ít nhất 100gram thức ăn/con/ngày.
Thức ăn cho heo con giai đoạn này chủ yếu là sữa mẹ và thức ăn tập ăn sớm. (Thức ăn phải đầy đủ dinh dưỡng, dễ tiêu, ngon miệng và đảm bảo vệ sinh. Nguyên liệu dùng làm thức ăn là bột gạo, bột bắp, bột cá nhạt, bột đậu nành...)
Thường xuyên cọ rửa máng ăn, máng uống sạch sẽ, không giữ thức ăn lâu trong máng dễ lên men chua gây tiêu chảy heo con.
Giai đoạn cai sữa
Cai sữa thích hợp lúc heo được 28-30 ngày tuổi, thể trọng đạt 6-7kg và ăn được ít nhất 100gram thức ăn/con/ngày.
Giai đoạn này heo con dễ bị tiêu chảy do chịu nhiều stress như: xa mẹ, không còn bú mẹ, chuyển sang thức ăn thô, ghép nhiều bầy đàn lạ…. Vì vậy cần phải giảm stress tối đa cho heo như chuyển đổi thức ăn từ từ, hạn chế ghép nhiều bầy đàn lạ. Có thể sử dụng thêm enzym trợ giúp tiêu hoá cho heo con cai sữa sớm.
Cần phải sưởi ấm cho heo con vì lúc này lớp mỡ dưới da chưa phát triển nên chịu lạnh kém. Đặt bóng đèn ở độ cao 50-60 cm so với mặt sàn chuồng và quan sát heo con để điều chỉnh nhiệt độ, nếu thấy:
- Heo nằm chồng chất lên nhau, run là nhiệt độ trong chuồng thấp.
- Heo nằm tản mác khắp ô chuồng, mỗi con một nơi là nhiệt độ trong chuồng quá cao.
- Heo nằm con nọ kề cạnh con kia là nhiệt độ thích hợp.
Cung cấp thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, dễ tiêu, dễ hấp thu, có mùi vị hấp dẫn và không nhiễm tạp khuẩn (E.coli, Samonella, C.perfrigens…)
Giai đoạn sau cai sữa
Sau khi tách mẹ 7-10 ngày, có thể chuyển heo con đến chuồng sau cai sữa nhưng không nên tách đàn để hạn chế stress.
Chăm sóc nuôi dưỡng heo sau cai sữa thật tốt, đặc biệt là lúc mới chuyển heo từ chuồng sàn sang chuồng nền, heo dễ mắc bệnh. Phải dùng các loại thức ăn hỗn hợp có chất lượng tốt, đáp ứng tối đa nhu cầu heo con. Không chuyển đổi thức ăn đột ngột dễ gây rối loạn tiêu hoá cho heo con.
Bổ sung vitamin, Bcomplex tăng cường sức đề kháng cho heo và chích đầy đủ các loại vaccin phòng bệnh truyền nhiễm như: lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn..v..v.
Chúc bà con chăn nuôi thành công!
Có thể bạn quan tâm
Giải pháp góp phần phòng chống dịch bệnh LMLM là thực hiện đồng bộ, chặt chẽ công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển giống gia súc, đặc biệt là đối với gia súc
Bệnh phó thương hàn là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Samolella Choleraesuis (vi khuẩn phó thương hàn heo) gây ra.
Dịch tả heo là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút Pestivirut gây ra, bệnh xảy ra trên heo ở mọi lứa tuổi nhưng nặng nhất là heo con theo mẹ, heo sau cai sữa